Khi nông sản đua nhau rớt giá

Chưa bao giờ các mặt hàng nông sản VN lâm vào tình cảnh giảm giá đồng thời điểm như hiện nay. Ngoài các rủi ro như dịch bệnh, thời tiết xấu và điệp khúc “được mùa mất giá”, ngành nông nghiệp thừa nhận có yếu tố chi phối của thương lái Trung Quốc.
Khi nông sản đua nhau rớt giá
Gạo, dừa “đua” nhau rớt giá

Các tỉnh ĐBSCL đang vào mùa gặt rộ hè thu, song nhiều bà con vẫn đang nhấp nhổm khi lúa gạo liên tục rớt giá trong tháng 5 và tháng 6. Theo Hiệp hội Lương thực VN (VFA), so với cách đây gần một tuần, giá lúa IR 50404 tươi chỉ còn 3.900 - 4.100đ/kg, lúa khô có giá 4.900 - 5.000đ/kg - giảm 100 - 150đ/kg so với mức giá cách đây một tuần. Giá các loại lúa hạt dài cũng giảm 100 - 200đ/kg - xuống mức 5.150 - 5.800đ/kg (tùy loại). 

Lúa đông xuân ở miền Bắc và miền Trung cũng lâm vào tình cảnh tương tự khi đang chính vụ, song giá lúa thấp hơn so với cùng kỳ. Lý giải của VFA cho thấy, do tình hình XK gạo sang một số thị trường gặp khó khăn nên thu mua lúa trong nước bị đình lại. Còn theo Bộ NNPTNT, vào mùa thu hoạch rộ nên giá cả thường bị ảnh hưởng theo chiều hướng giảm thấp và có sự chênh lệch mức giá giữa miền Trung và miền Nam. Mặc dù khẳng định tình hình XK gạo vẫn ổn, song VFA không thể phủ nhận sự chi phối của hai đối thủ là Thái Lan và Ấn Độ hiện cũng trúng mùa và tung hàng hóa ra thị trường XK hàng loạt, do lo ngại nhu cầu thế giới giảm mạnh. 

Hàng loạt nông sản khác cũng có chiều hướng rớt giá thê thảm. Điển hình có thịt lợn, thịt gà giảm giá do ảnh hưởng của dịch bệnh và lo ngại các chất cấm sử dụng trong chăn nuôi. Gần đây nhất là dừa rớt giá thảm hại ngay trong thời điểm chính vụ. Tại nhiều huyện thuộc Tiền Giang, hiện dừa khô được bán rẻ như cho với 12.000đ/chục, giảm hẳn so với mức giá 30.000 - 35.000đ/chục của tuần trước. Tại đất dừa Bến Tre, giá dừa khô hiện giảm đến 70% so với năm trước, theo đó dừa khô hiện chỉ khoảng 15.000đ/chục. Nhiều hộ trồng dừa tại đây đã bỏ vườn hoặc chặt cây để trồng cây khác do thua lỗ, bán giá thấp song chẳng ai mua.

“Bó tay” với thương lái Trung Quốc?

Nông sản mất giá không chỉ đơn thuần xuất phát từ lý do muôn thuở là “được mùa mất giá”. Dư luận đang băn khoăn về sự “lộng hành” của thương lái một số nước lân cận tận thu theo thời điểm, khiến bà con nông dân vì lợi nhuận trước mắt đã “chạy” theo bất chấp hậu quả. Câu chuyện mất giá dừa là “ví dụ” điển hình khi đây là hậu quả nhãn tiền của việc thương lái Trung Quốc, Thái Lan thu gom ồ ạt mặt hàng này vào năm ngoái với giá cao. Do lợi ích kinh tế, nhiều bà con đã ồ ạt trồng dừa. 

Cho đến khi mặt hàng này dồn ứ như hiện nay, bà con đành ngậm ngùi để mặc thương lái ép giá. Không chỉ dừa, trước đó các mặt hàng như khoai lang, xoài... cũng lâm vào tình cảnh phụ thuộc tương tự. Sự bị động của nông dân, mặc sức để thương lái nước ngoài ép giá các kiểu đã lặp đi lặp lại nhiều năm qua, gây tổn hại không nhỏ cho sản xuất nông sản trong nước; song cách nào giải quyết vẫn là câu hỏi chưa lời giải đáp

Về tình trạng thương lái Trung Quốc thao túng nông sản VN, Bộ trưởng NNTPNT Cao Đức Phát đã trả lời rằng VN hoan nghênh người nước ngoài đến làm ăn, tôn trọng luật pháp của nước ta. Bên cạnh những thương nhân làm ăn không chính đáng, ông Phát cho rằng vẫn còn nhiều DN làm ăn nghiêm túc, rất cần được khuyến khích. Tuy nhiên, làm thế nào để “quản lý” kiểu làm ăn “sớm nắng chiều mưa” của không ít thương lái, ngành nông nghiệp khó có thể làm được nếu không có sự vào cuộc của các bộ, ngành khác. 

Trước mắt, để tháo gỡ cho gạo và dừa - hai mặt hàng đang rớt giá mạnh hiện nay - Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, thời gian tới sẽ trực tiếp vào ĐBSCL khảo sát giá cả nhằm có hướng hỗ trợ bà con tiêu thụ lúa gạo sao cho có lãi cho bà con nông dân. Với dừa, bộ có kiến nghị Bộ Tài chính giảm thuế xuất khẩu dừa từ 3% xuống 0%. Với các hàng hóa thực phẩm khác, ông Phát cho biết sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường để phối hợp các bộ, ngành, tuỳ cây trồng vật nuôi cụ thể để sớm có biện pháp hỗ trợ giá cho bà con.
 
Theo Lao động