Khi trái xoài 'cập bến' nước Mỹ
- Chủ nhật - 03/12/2017 22:30
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Xoài- loại trái cây Việt Nam được người tiêu dùng nhiều quốc gia ưa chuộng.
Thương hiệu trái cây Việt Nam
Theo ông Đào Trần Nhân- tham tán Công sứ, trưởng đại diện Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, cùng với việc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã chính thức cho phép nhập khẩu trái xoài tươi từ Việt Nam vào nước này thì sản phẩm phải được kiểm soát một cách có hệ thống, bao gồm tuân thủ các điều kiện về nhà vườn và cơ sở đóng gói, xử lý chiếu xạ, và kiểm dịch tại cửa khẩu nhập.
Thị trường Mỹ được cho là khó tính hàng đầu thế giới, vì vậy việc trái xoài xanh Việt Nam “cập bến” là một thành công lớn của ngành trồng trọt. Đây là một trong những kết quả của cam kết tiếp tục mở cửa thị trường cho hàng hoá giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được lãnh đạo hai nước khẳng định trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Tổng thống Donald Trump, được nêu trong Tuyên bố chung giữa hai nước. Còn nhớ, trong buổi tiệc chiêu đãi Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã mời ông Trump và các thành viên trong đoàn thưởng thức xoài cát Hoà Lộc.
Được biết, trước khi phía Mỹ đưa ra quyết định, thì Cơ quan Thanh tra sức khỏe thực vật và động vật Mỹ (APHIS) cũng đã làm việc rất cẩn thận, các lô hàng đã được kiểm tra không có vi khuẩn gây bệnh là Macrophoma mangiferae và Xanthomonas campestris.
Như vậy, đầu năm 2018, xoài Việt Nam sẽ được nhập vào Mỹ. Theo APHIS, khoảng 3.000 tấn xoài của Việt Nam sẽ được nhập cảng hàng năm, tương đương với số lượng xoài sản xuất tại Mỹ. Xoài Việt Nam sẽ cạnh tranh sòng phẳng với xoài vào thị trường Mỹ từ Mexico, Ecuador, Peru.
Tới nay, trái cây Việt Nam đã là một thương hiệu được thế giới thừa nhận. Theo báo cáo tóm tắt tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 6 tháng đầu năm 2017 của Bộ Công thương, nhóm hàng nông - lâm, thủy sản trong 2 quý đầu năm đã tăng 16,7% với kim ngạch xuất khẩu đạt 12,1 tỉ USD. Trong đó, nổi bật là sự tăng trưởng của nhóm rau quả, tăng 43,5% so với cùng kỳ năm 2016. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã có chỗ đứng tại những thị trường yêu cầu chất lượng cao. Trong đó có thể kể đến việc Mỹ đã cho phép nhập khẩu thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ, chôm chôm, nhãn, vải- và nay là xoài xanh. Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand cho phép nhập khẩu thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ, xoài. Úc cho phép nhập khẩu vải, xoài...
Còn với những thị trường truyền thống như Trung Quốc, Malaysia, Bangladesh... thì trái cây Việt Nam luôn được đón nhận.
Không chủ quan
Tuy nhiên, cùng với sự phấn khởi khi trái cây Việt Nam ngày càng đến được nhiều thị trường, thì vẫn còn đó những vấn đề phải giải quyết. Thực tế cho thấy, trong hội nhập, cạnh tranh luôn ẩn chứa rủi ro. Đặc biệt là khi một số quốc gia do bảo hộ sản xuất trong nước đã dựng lên hàng rào kỹ thuật hạn chế nhập khẩu. Với sản phẩm trái cây cũng không nằm ngoài cách ứng xử đó.
Vậy, để trái cây Việt Nam “giữ giá” với thị trường thế giới cần phải làm gì? Theo giới chuyên gia, trước tiên phải bảo đảm quy trình sản xuất sạch, vì an toàn thực phẩm luôn được các quốc gia đòi hỏi cao như một tiêu chí hàng đầu. Ở đây có việc hạn chế tối đa dùng thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng. Vì rằng, dư lượng hóa chất trong thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng là một trong những nguyên nhân tác động xấu tới sức khỏe con người. Nói như giới chuyên gia thì nhiều năm qua nông dân Việt Nam đã quen dùng thuốc bảo vệ thực vật, nhiều nơi sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng, thì việc thay đổi cách sản xuất cũng không dễ. Nhưng, nếu không thay đổi được “thói quen” ấy thì sản phẩm xuất khẩu sẽ hạn chế và không bền vững.
Theo ông Trương Quang An- chủ nhiệm HTX thanh long Tầm Vu (huyện Châu Thành, Long An), để đáp ứng yêu cầu của thị trường nước ngoài thì phải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hạn chế đến mức thấp nhất sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Khi hàng xuất đi, tuyệt đối không được sử dụng bất kỳ một loại chất bảo quản trái cây nào, bao gồm cả chất bảo quản sinh học.
Còn theo bà Nguyễn Thị Hồng Thu- Công ty TNHH Chánh Thu, việc xuất khẩu trái cây sang thị trường Âu - Mỹ không dễ dàng vì sản phẩm trái cây đóng hộp không được sử dụng chất bảo quản, kể cả chất bảo quản sinh học. Chính vì thế, theo bà Thu, công đoạn thu hoạch, phân loại và chế biến phải được thực hiện trong thời gian nhanh nhất, tránh trái cây bị đổi màu hoặc xuống màu và hư hao. Trong quá trình vận chuyển, trái cây được bảo quản theo cách thông hơi axit và thông hơi lưu huỳnh.
Một vấn đề nữa cũng cần chú ý trong quá trình tăng cường xuất khẩu trái cây, đó là phải giải quyết được những khó khăn trong bảo quản, vận chuyển. Trái cây Việt Nam là trái cây nhiệt đới, thời gian tươi ngon ngắn, nếu không sử dụng chất bảo quản sinh học, hoặc bảo quản bằng những chất mà tiêu chuẩn cho phép, thời gian giữ trái tươi cũng chỉ được từ 4-5 ngày. Còn khi sử dụng công nghệ, thời gian tối đa cũng chỉ gần hai tuần. Đó cũng chính là điều được ông Nguyễn Văn Kỳ- Hiệp hội rau quả lo lắng khi xuất đi thị trường Âu - Mỹ.
Theo ông Kỳ, muốn vận chuyển nhanh để bảo đảm độ tươi ngon của trái cây thì phải theo đường hàng không, chi phí rất cao, không phải doanh nghiệp nào cũng chịu nổi. Còn bà Võ Mai- Hội Làm vườn Việt Nam- thì cho rằng do công vận chuyển cao sẽ làm giảm lợi nhuận, cho nên cùng với việc tìm cách thúc đẩy xuất khẩu thì vẫn phải chú ý tới thị trường trong nước. Với phương châm chất lượng là trên hết. Chất lượng chính là lợi nhuận.
Hiện cả nước có khoảng 87.000 ha trồng xoài, sản lượng hơn 969.000 tấn/năm, đứng thứ 13 về sản xuất xoài trên thế giới nhưng số lượng xuất khẩu nằm ngoài tốp 10 nước xuất khẩu xoài. Có 46 giống xoài đang được trồng, trong đó các loại xoài giá trị thương mại cao gồm xoài cát Hoà Lộc, xoài Cát Chu, xoài Hòn, xoài Xiêm núm, xoài Bưởi, xoài Cát bồ, xoài Thanh ca, xoài Canh nông, xoài Yên Châu... Tới nay, xuất khẩu chính ngạch lớn nhất đối với xoài của Việt Nam là các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và Sigapore. |
Ngọc Quang/daidoanket.vndaidoanket.vnn