Không sợ khan hiếm rau xanh

Không sợ khan hiếm rau xanh
Tình trạng rét đậm kéo dài vừa qua khiến nhiều người lo ngại Tết này sẽ khan hiếm rau xanh. Tuy nhiên, hầu hết các vựa rau xanh xung quanh Hà Nội đều khẳng định, dư thừa rau, lượng thiếu hụt trên địa bàn Hà Nội là không đáng kể.
Nguồn cung rau xanh hiện đang rất dồi dào. Ảnh minh họa
Nông dân phấn khởi được mùa rau

Trước việc giá rau xanh trên địa bàn TP Hà Nội tăng mạnh thời gian gần đây, Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT đã có 3 đoàn công tác đi kiểm tra tình hình sản xuất rau tại một số tỉnh, thành phía Bắc. Theo số liệu báo cáo của Sở NN&PTNT các địa phương, kết quả sản xuất rau năm 2012 ước đạt xấp xỉ 830.000 ha, sản lượng gần 14 triệu tấn. Trong đó, các tỉnh miền Bắc diện tích năm 2012 là 380.000 ha, sản lượng xấp xỉ 6 triệu tấn.

Về giá rau xanh tăng những ngày qua, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Ninh Bình Trần Đình Toàn cho rằng, giá rau tăng là điều đáng mừng bởi với giá này người nông dân mới có lợi nhuận, từ đó tạo tiền đề cho bà con tái sản xuất. Thực tế, diện tích cây, rau vụ đông của tỉnh Ninh Bình những năm gần đây đều giảm mạnh, mặc dù được tỉnh trợ giá giống tới 50% nhưng bà con vẫn không mặn mà do giá bán thấp, thu không đủ bù đắp chi phí. “Việc tăng giá nếu giữ được ở mức hiện nay theo tôi là điều đáng mừng. Tuy nhiên, sắp tới tất cả các loại rau vụ đông trồng trên đất 2 vụ lúa phải thu hoạch để chuẩn bị cho vụ đông xuân nên chưa chắc giá rau giữ được như hiện nay. Tôi sợ, khi đó giá rau lại rẻ như cho ấy chứ!”, ông Toàn dự báo. Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Quang Đồng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hải Dương chia sẻ, năm 2011, dù diện tích, sản lượng rau tại Hải Dương giảm mạnh nhưng giá vẫn rẻ, khoai tây, cà rốt vứt đầy bờ ruộng, su hào 2.000 đồng 5 củ vẫn không có người mua thì năm nay cả diện tích và sản lượng đều tăng song giá cao gấp đôi thậm chí gấp ba năm ngoái. Từ đó, ông Đồng cho rằng, giá cao như hiện nay có thể do hàng rau quả Trung Quốc đợt này về ít hơn. 

Ông Đồng lấy ví dụ: “Năm ngoái, nông dân trồng cà rốt trên địa bàn tỉnh đều thua lỗ bởi cà rốt Trung Quốc tràn vào nhiều quá, nhưng năm nay tuyệt nhiên không thấy mặt hàng rau, củ, quả Trung Quốc xuất hiện tại chợ đầu mối. Hiện mỗi sào su hào, bắp cải người dân Hải Dương thu về 10 - 15 triệu đồng, mừng thì mừng thật đấy nhưng để phát triển bền vững chưa chắc đã tốt. Thấy giá cao như vậy, sang năm bà con lại ồ ạt trồng rau có khi kết quả lại giống như năm 2011. Do đó, việc quan trọng của chúng ta bây giờ là làm sao phải điều hòa được giữa nơi thiếu và nơi thừa chứ tổng thể thì không thiếu rau”.

Các tỉnh đều dư thừa rau xanh

Cũng bởi giá rau xanh tăng mạnh trên địa bàn Hà Nội cùng với giá rét kéo dài, tư thương lợi dụng đẩy giá và cho rằng Tết sẽ khan hiếm rau xanh, ông Lê Quốc Doanh - Cục trưởng Cục Trồng trọt khẳng định. Kết quả điều tra và dự báo cho thấy, với diện tích và sản lượng rau như hiện nay, dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 lượng rau xanh cơ bản đủ cung cấp phục vụ trước và sau Tết. Trong số 10 tỉnh, thành ở khu vực đồng bằng sông Hồng thì chỉ có duy nhất TP Hà Nội thiếu khoảng gần 200.000 tấn rau, các địa phương khác như Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên… sản lượng rau đều dư thừa từ 30 - 50%. Tại khu vực phía Nam, theo dự báo lượng rau tại đây hiện còn dư thừa khoảng gần 200.000 tấn, có thể cung cấp cho các tỉnh phía Bắc.

Tuy nhiên, do diễn biến thời tiết năm nay rét bất thường, những ngày tới nếu trời trở ấm thì vấn đề rau xanh không đáng ngại, nhưng nếu vẫn tiếp tục đại hàn có thể sẽ khan hiếm rau xanh thực sự. Ông Lê Quốc Doanh lưu ý, với giá rau như hiện nay người nông dân đang có lãi và người tiêu dùng vẫn có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, nếu giá tiếp tục tăng sẽ ảnh hưởng rất lớn tới bộ phận công nhân lao động, những người có mức thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt, sẽ kéo theo việc tăng giá theo dây chuyền các mặt hàng tiêu dùng khác, từ đó dẫn tới nhiều hệ lụy xã hội không tốt.

 

Tuyết Nhung

Theo anninhthudo.vn