Kịp thời đưa vốn ưu đãi của Chính phủ đến người nghèo và các đối tượng chính sách

Thực hiện Nghị định số 78 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, thời gian qua, NHCSXH tỉnh Thái Bình đã khắc phục mọi khó khăn chuyển tải vốn tín dụng đến các đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng, kịp thời.

Từ nguồn vốn đó, hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh có điều kiện sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống.

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp nông dân xã Đông Hòa, TP Thái Bình phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập

Từ việc nhận bàn giao và triển khai ba chương trình, đến nay, NHCSXH tỉnh Thái Bình đã thực hiện 08 chương trình tín dụng với quy mô ngày càng được mở rộng cả về khối lượng đối tượng phục vụ bao gồm: Cho vay hộ nghèo, giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay xuất khẩu lao động, hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở, cho vay hộ cận nghèo và cho vay hộ mới thoát nghèo.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Thái Bình Tạ Tiến Khẩn cho biết: Có thể nói, năm 2016, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Qua rà soát, số hộ nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn chỉ chiếm tỷ lệ 26%, chính vì vậy nguồn vốn chương trình cho vay hộ nghèo không thể giải ngân hết mà phải chuyển sang chương trình khác; nợ quá hạn tiếp tục gia tăng đặc biệt là chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn, một số trường hợp có khả năng trả nợ nhưng cố tình chây ỳ, có trường hợp đã khởi kiện ra cơ quan pháp luật nhưng vẫn chưa thi hành án được; việc phối hợp giữa NHCSXH với chính quyền địa phương cơ sở, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách còn hạn chế dẫn đến một số địa phương đối tượng chính sách chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ…

Nhưng bằng việc triển khai có hiệu quả các giải pháp, NHCSXH tỉnh Thái Bình đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Đến ngày 31/12, tổng nguồn vốn hoạt động của gần 2.393 tỷ đồng, tăng 7,58% so với thời điểm 31/12/2015, trong đó nguồn vốn trung ương cấp 2.221 tỷ đồng, nguồn vốn ủy thác đầu tư tại địa phương gần 22 tỷ đồng và nguồn vốn huy động được cấp bù lãi suất 150 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt 2.392 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch giao, tăng 7,52% so với thời điểm 31/12/2015; tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,14% tổng dư nợ.

Một trong những chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ được NHCSXH tỉnh Thái Bình triển khai đạt hiệu quả cao là cho vay hộ mới thoát nghèo. Từ đầu năm đến nay, chi nhánh đã giải ngân cho gần 11.000 hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền hơn 368 tỷ đồng.

Chúng tôi đến thăm gia đình bà Bùi Thị Hòa và ông Phạm Duy Nhiêm ở thôn Vô Thái, xã Dũng Nghĩa, huyện Vũ Thư. Xuất ngũ trở về địa phương, ông Nhiêm bị mắc chứng bệnh thần kinh lại không được hưởng trợ cấp gì nên mọi gánh nặng trong gia đình dồn hết lên vai bà Hòa.

Bà Hòa tâm sự: “Cả gia đình chỉ trông chờ vào 7 sào ruộng và chăn nuôi thêm để có tiền chi tiêu hàng ngày nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. May mắn thay, gia đình tôi đã được bình xét cho vay 40 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo nên tôi cũng cảm thấy yên tâm hơn bởi tuổi già cũng không có nhiều sức lao động nữa. Với số tiền đó, tôi dự tính sẽ mua 1 con bò về chăn nuôi để tăng thêm thu nhập”.

Ngoài chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo, gia đình bà Hòa còn đang vay 12 triệu đồng từ chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ được NHCSXH tỉnh triển khai thực hiện đã giúp tỉnh có thêm nguồn lực quan trọng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới.

Có thể nói, tín dụng chính sách đã làm cho diện mạo nông thôn được thay đổi, chương trình điện, đường, trường, trạm được nâng cấp, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị được rút ngắn, góp phần không nhỏ cùng tỉnh hoàn thành thắng lợi mục tiêu về giảm nghèo năm 2016.

Đến ngày 31/12/2016, toàn tỉnh có gần 104.000 hộ vay vốn thông qua gần 3.100 Tổ tiết kiệm và vay vốn nhận ủy thác từ các tổ chức chính trị - xã hội với tổng dư nợ đạt 2.385 tỷ đồng, trong đó Hội Nông dân 868 tỷ đồng, Hội Phụ nữ 970 tỷ đồng, Hội Cựu chiến binh 352 tỷ đồng và Đoàn Thanh niên 195 tỷ đồng.

Chị Phạm Thị Luyến - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Đồng Niên, xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ cho biết: “Các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ đều được Tổ thông báo tới tất cả các thành viên; đồng thời tổ chức họp thành viên, xin ý kiến của Trưởng thôn và bình xét công khai, minh bạch trước mỗi một đợt giải ngân. Đến nay, Tổ đang giúp 58 lượt thành viên tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. Do tích cực đôn đốc các thành viên nên kể từ khi thành lập đến nay, 100% tiền gốc và lãi đều được tổ thu nộp đúng kỳ hạn, không phát sinh nợ quá hạn. Qua kiểm tra, các hộ được vay vốn đều sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả”.

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, NHCSXH tỉnh Thái Bình đã tham mưu trình HĐND tỉnh dành 4,5 tỷ đồng nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác đầu tư cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, đồng thời tổ chức kiện toàn ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp bảo đảm đúng thành phần theo quy định với tổng số 378 người trong đó có sự tham gia của 286 Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Chi nhánh còn tích cực triển khai dịch vụ huy động tiền gửi tiết kiệm tại Điểm giao dịch xã theo chỉ đạo của NHCSXH với tổng số tiền huy động gần 3 tỷ đồng.

Để hoạt động tín dụng chính sách được triển khai mang lại hiệu quả cao, năm 2016, các đơn vị trong toàn chi nhánh còn tổ chức tập huấn cho các đối tượng theo chỉ đạo của Trung ương, trong đó có 286 Chủ tịch UBND cấp xã, thị trấn; 2.068 Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố; 159 người đại diện cho ban giảm nghèo cấp xã và gần 5.800 thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Với mục tiêu kịp thời đưa vốn ưu đãi của Chính phủ đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, thời gian tới, NHCSXH tỉnh Thái Bình tăng cường chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động về mọi mặt, bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; tích cực đôn đốc thu hồi nợ đến hạn nhằm hạn chế thấp nhất nợ xấu phát sinh.

Bên cạnh đó, chi nhánh cũng tập trung nâng cao chất lượng cán bộ thông qua kế hoạch đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, tin học; coi trọng hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền để các cấp, các ngành và mọi người dân hiểu đúng, làm đúng các quy định của Nhà nước về chính sách tín dụng ưu đãi, chống thất thoát vốn của Nhà nước. Đồng thời duy trì nghiêm túc, có chất lượng 285 phiên trực giao dịch cố định tại xã, phường, thị trấn, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng.