Lai Châu coi trọng phát triển thị trường nông nghiệp

Tỉnh Lai Châu đang tập trung triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tạo bước đột phá, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Tỉnh định hướng nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp tập trung vào ba lĩnh vực chính là: trồng trọt; chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp.
Thu hoạch chè ở vùng chè nguyên liệu huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu. Ảnh: GIA ANH

Theo đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương triển khai mục tiêu, giải pháp nhằm tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung, khai thác lợi thế từng vùng, tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp với người dân trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp. Lai Châu chuyển một số vùng sang sản xuất lương thực hàng hóa theo hướng chất lượng cao và hướng tới thị trường cao cấp. Thực hiện thử nghiệm, mô hình trình diễn đưa vào cơ cấu sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao thích ứng với từng vùng sinh thái; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chè theo hướng gắn nông dân với doanh nghiệp thông qua hợp đồng, hợp tác kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm. Hiện, toàn tỉnh có hơn 4.309 ha chè, sản lượng chè búp tươi đạt hơn 25 nghìn tấn/năm. Để khai thác hiệu quả tiềm năng về mặt nước, khí hậu, nhất là các hồ thủy điện, Lai Châu phát triển nuôi trồng thủy sản sạch, với bảy cơ sở nuôi cá nước lạnh với thể tích nuôi gần 30 nghìn m3. Tỉnh cũng tập trung bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên gắn với dịch vụ môi trường rừng và khai thác lâm sản ngoài gỗ; đẩy mạnh trồng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất gắn với những cây có giá trị kinh tế cao. Năm 2016, toàn tỉnh có 434.069 ha rừng, độ che phủ đạt 46,8%.

Cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục cải cách hành chính, tháo gỡ các rào cản, thu hút doanh nghiệp, các nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp; tăng cường hoạt động thông tin dự báo, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trên lĩnh vực nông nghiệp; hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng và phát triển các thương hiệu cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh nhằm giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm nhanh nhất, giá trị cao nhất, bảo đảm mục tiêu phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

* Tỉnh Bình Thuận triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, trong đó có Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII). Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo việc đưa nội dung thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị vào sinh hoạt định kỳ ở chi bộ; vào đánh giá, bình xét, phân loại đảng viên, tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ tỉnh; chỉ đạo, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, sinh hoạt của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, xác định và chỉ đạo một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đồng thời, các cấp ủy, chính quyền trong toàn tỉnh đã lựa chọn một số vấn đề trọng tâm, nổi cộm, bức xúc để lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết như tình trạng lấn chiếm đất rừng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống ma túy, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cải cách thủ tục hành chính, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, chấn chỉnh tinh thần thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức...

Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy có chương trình hành động kiên quyết, cụ thể, phát huy vai trò trách nhiệm người đứng đầu; của tổ chức Đảng, chính quyền; các tổ chức chính trị - xã hội, ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị... nhằm tạo nên những chuyển biến thật sự có ý nghĩa trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị gắn chặt với việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, trong toàn Đảng bộ.

Theo PV và TTXVN/nhandan.com.vn