Lãi suất cho vay khó giảm sâu
- Thứ ba - 19/09/2017 03:41
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo ông, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ giãn tiến độ giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 50% xuống 40% thêm 1 năm có là điều kiện để giảm lãi suất?
Đó là một trong những điều kiện tốt để ngân hàng có thể xem xét giảm lãi suất cho vay vốn trung, dài hạn trong thời gian tới đây. Nếu siết lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn như quy định tại Thông tư 06/2017/TT-NHNN, ngân hàng phải tăng huy động tiết kiệm kỳ hạn dài với chi phí cao để cân đối lại nguồn, thì ắt hẳn tác động đến lãi suất đầu ra.
Ông Huỳnh Bửu Sơn, chuyên gia tài chính - ngân hàng |
Vì thế, việc giãn tiến độ giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 50% xuống 40% kể từ đầu năm 2019, thay vì đầu năm 2018, sẽ tác động tích cực lên mặt bằng lãi suất. Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay, khi mặt bằng lãi suất đầu vào của các ngân hàng phải cạnh tranh với các kênh đầu tư khác (bất động sản, chứng khoán…), thì lãi suất cho vay khó có thể kỳ vọng giảm sâu, do chi phí đầu vào khó giảm (để giữ được mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay đã là cố gắng lớn).
Vậy để giảm được lãi suất, cần giải pháp gì, thưa ông?
Muốn mặt bằng lãi suất cho vay giảm được trong thời gian tới, theo tôi, NHNN cần giảm thêm lãi suất tái cấp vốn. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường hiện nay, để làm được điều này, NHNN cũng phải tính toán kỹ lưỡng.
Lãi suất không giảm, thì tín dụng liệu có tăng, nhất là lĩnh vực sản xuất, kinh doanh?
Tín dụng đã cải thiện đáng kể trong 3 quý đầu năm nay khi toàn ngành ngân hàng đã đạt trên 10% tăng trưởng dư nợ tín dụng giữa tháng 8/2017. Điều này cũng có nghĩa, nhu cầu vốn của khách hàng đang dần tăng lên và ngân hàng cũng phải cạnh tranh lãi suất để thu hút người vay, mở rộng thị phần tín dụng.
Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất hiện vẫn là rào cản đối với doanh nghiệp khi có nhu cầu vốn. Dù lãi suất đã giảm so với trước đây, nhưng so với các nước trong khu vực, mặt bằng lãi suất cho vay của Việt Nam vẫn khá cao, nên chi phí sản xuất, kinh doanh tăng, khiến hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam khó có thể cạnh tranh được trong khu vực.
Việc Thủ tướng yêu cầu tăng trưởng tín dụng 21% trong năm 2017, theo ông, có khả thi?
Tín dụng có tăng được hay không còn phụ thuộc vào nhu cầu hấp thụ vốn của nền kinh tế. Nếu nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng trong quý còn lại của năm, nhất là những tháng cận Tết, thì mục tiêu trên là không khó. Thông thường, nhu cầu vốn của khách hàng luôn tăng trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.
Nhưng thực tế hiện nay, không chỉ phía doanh nghiệp ngại lãi suất, chi phí cao, mà ngân hàng cũng phải thận trọng trong cho vay, nhằm hạn chế rủi ro nợ xấu. Vì thế, không ít doanh nghiệp đã gõ cửa ngân hàng, song khó có thể tiếp cận được nguồn vốn, do điều kiện tín dụng khắt khe. Mặt khác, không ít ngân hàng không còn nhiều room tín dụng để cho vay, do đã sử dụng hết trong những tháng đầu năm nay.
http://infomoney.vn