Làm gì để xuất khẩu nông sản đạt mục tiêu?

Ngay những ngày đầu năm mới 2019, dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành Nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ: Tốc độ tăng trưởng GDP trên 3,0%, giá trị sản xuất tăng trên 3,11%, kim ngạch xuất khẩu đạt 43 tỷ USD.
tr8d.jpg

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, để hoàn thành nhiệm vụ Thủ tướng giao là không dễ. Ông cho rằng, nói không dễ vì: sản xuất nông nghiệp của ta chủ yếu vẫn là sản xuất nhỏ, phân tán nên khó đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn cao cũng như số lượng hàng hóa đủ lớn và đồng nhất về chất lượng. Thứ hai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp, khó lường.

Thứ ba, các thị trường nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,... đều gia tăng bảo hộ hàng hoá nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Thứ tư, xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, những bất ổn xung quanh vấn đề Brexit, những bất ổn chính trị trên thế giới cũng ảnh hưởng tới việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam.

Theo các chuyên gia kinh tế, hình thức tổ chức sản xuất, quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ giữa Doanh nghiệp với Nhà nông - Nhà khoa học - Ngân hàng - Truyền thông, và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp của chúng ta tuy có tiến bộ nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, là những điểm yếu cần khắc phục thì mới có thể hoàn thành chỉ tiêu Thủ tướng giao.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu tổ chức tốt liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ thì giải quyết được rất nhiều vấn đề. Bởi tổ chức sản xuất thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã sẽ tiến đến sản xuất tập trung quy mô lớn, áp dụng cơ giới hóa, khoa học công nghệ đồng bộ. Nhờ đó vừa tăng năng suất lao động nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất, giảm số lượng lao động nông nghiệp vừa đảm bảo các yêu cầu về quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, thỏa mãn các yêu cầu nhiều thị trường đề ra.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, tổ chức chuỗi liên kết là việc không mới, chúng ta đã triển khai hơn chục năm nay nhưng hiệu quả chưa như mong muốn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chủ động phối hợp với các bộ ngành, địa phương xây dựng chính sách khuyến khích hợp lý các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chế biến nông sản và cơ chế, chính sách khung cho chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản, tích tụ ruộng đất, khuyến khích tiếp cận công nghệ mới, đẩy mạnh phát triển công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, sớm trình Chính phủ.

Vì sản xuất nhỏ lẻ, không có thương hiệu, chất lượng không đồng nhất,… nên ta chủ yếu xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc, gặp nhiều bất lợi. Nếu sản xuất quy mô lớn, đảm bảo mọi tiêu chuẩn, chất lượng đồng đều, đáp ứng mọi quốc gia thì việc phụ thuộc vào một trường sẽ được xóa bỏ.

Theo Hiền Anh/kinhtenongthon.vn