Làm thế nào để có tôm sạch?
- Thứ năm - 02/10/2014 11:10
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Người nuôi phải có lãi
Trong hai năm trở lại đây, giá tôm luôn trồi sụt. Cuối năm 2013 và đầu quý I/2014, tôm sú 30 con/kg giá 190.000 - 195.000 đồng/kg, tăng 10 - 15%, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg giá 85.000 - 90.000 đồng/kg, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng chỉ mấy tháng sau đó, giá tôm giảm 50% so với cùng kỳ.
Một số nhà quản lý và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu ở ĐBSCL cho rằng nguyên nhân chính là cung vượt cầu. Năm 2013, trúng giá tôm thẻ chân trắng nên nhiều hộ bỏ tôm sú chuyển qua nuôi tôm này, khiến sản lượng tăng đột biến. Song cũng có doanh nhiệp chế biến dám nói thẳng, nguyên nhân chính ở doanh nghiệp chế biến ép người nuôi. Bởi thị trường xuất khẩu không hạn chế, giá tôm nguyên liệu xuất khẩu không giảm. Khi sản lượng tôm nuôi tăng mạnh, đến kỳ thu hoạch rộ, doanh nghiệp mua cầm chừng để ép giá xuống.
Về vấn đề này, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty XNK Thủy sản Minh Phú chia sẻ, nếu giảm giá thì nông dân lỗ, nghỉ nuôi, khi đó doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu.
Chất lượng tôm xuất khẩu là vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm - Ảnh: Vũ Mưa
Kiểm nghiệm cần minh bạch
Ông Lê Văn Quang còn đề cập vấn đề kiểm nghiệm sản phẩm. Theo ông, tôm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang EU, Mỹ, Nhật Bản có giá cao và nhu cầu lớn, doanh nghiệp của ông không đủ hàng để xuất. Nguyên do thiếu tôm sạch. Hiện, tôm đủ tiêu chuẩn xuất đi Nhật, ông Quang mua giá cao hơn 25% so với thị trường, nhưng chỉ được khoảng 15% nhu cầu. Về kiểm nghiệm, Nhật kiểm mẫu 10%, nhưng một lần kiểm nghiệm của Nhật chính xác hơn 7 lần của Việt Nam. Như thế, kiểm nghiệm của Việt Nam gây thêm nhiều tốn kém tiền của, công sức mà chất lượng thấp.
Thực tế, chưa minh bạch trong kiểm nghiệm, chất lượng kiểm nghiệm không đạt yêu cầu đối với nước nhập khẩu, do còn nhiều bất cập. Giám đốc Sở NN&PTNT Long An Lê Minh Đức cho biết: Thông tư 26/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 quy định kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường. Trong đó, khoản 2 điều 9 quy định trường hợp hàng hóa có kết quả thử nghiệm mẫu không phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng, chứng nhận hợp chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng thì người bán hàng được quyền phúc kiểm lần 2, là kết quả cuối cùng. “Tuy nhiên, hầu hết hàng hóa được kiểm nghiệm lần 2 tại cùng 1 đơn vị kiểm nghiệm, đều đạt yêu cầu chất lượng so kết quả lần thứ nhất không đạt. Như thế là có vấn đề”, ông Đức nói.
Đầu tư cho tôm sạch
Nhiều hộ ở ĐBSCL đang mạnh dạn nuôi tôm trong nhà lưới có trải bạt. Ông Nguyễn Văn Mừng ở huyện Long Phú (Sóc Trăng) cho biết: Để có 1.000 m2 nhà lưới cần đầu tư khoảng 170 triệu đồng, thời hạn sử dụng 10 năm nhưng qua thực nghiệm chỉ 2 năm đã hoàn vốn. Tuy nhiên, ngân hàng cho vay cao lắm 8 triệu đồng.
Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu Lương Ngọc Lân cũng nói, tỉnh này có mô hình nuôi tôm chất lượng cao nhưng chính sách tín dụng chưa khuyến khích phát triển. Bạc Liêu còn thiếu cả hệ thống kỹ thuật quan trắc môi trường. Tại tỉnh này đang có 33 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản (chủ yếu là tôm) nhưng chưa doanh nghiệp nào liên kết với nông dân. Quy trình nuôi chuẩn vẫn chưa có. Khuyến cáo người nuôi tham gia bảo hiểm để tránh rủi ro nhưng chưa có bộ tiêu chí về thống kê thiệt hại, dẫn đến khi gặp rủi ro thì không có tiền hỗ trợ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Hồng Sa nhấn mạnh vấn đề quy hoạch để có tôm sạch. Quy hoạch để đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng mối liên kết chuỗi theo chiều ngang và dọc. Phó trưởng ban chỉ đạo Tây Nam bộ Dương Quốc Xuân đồng quan điểm, phải qui hoạch và quản lý quy hoạch. “Quy hoạch và quản lý quy hoạch để tập trung đầu tư cho sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Chúng ta thôi nói vì quốc tế chung chung mà trước hết vì cuộc sống của người dân trong vùng và sự phát triển chung của đất nước”, ông Xuân nhấn mạnh.
>> Ngày 1/8/2014, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 20/CT-TTg, về việc ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất. Chỉ thị cho biết, tình trạng cố ý đưa tạp chất vào tôm “diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt vào các thời điểm khan hiếm nguyên liệu”. |