Lặn lội mở hướng cho cá chình

Lặn lội mở hướng cho cá chình
Cũng như một số nghề nuôi trồng khác, nuôi cá chình lệ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, khi giá cá thương phẩm có lúc trên 700.000 đồng/kg rồi rớt xuống mức 370.000 đồng/kg.

Trước thực trạng này, chính quyền huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) đã chủ động sang Hàn Quốc tìm đối tác và cho ra đời một liên doanh ươm nuôi, chế biến cá chình phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu. 

Nghề nuôi cá chình - loài đặc sản quý hiếm mà từ trước đây người ta vẫn hay thống kê, quản lý tới số con (chứ không phải tính trên diện tích, sản lượng) - đã nhen nhóm từ khá lâu tại một số tỉnh Tây Nam bộ và cả TP.HCM.

Mặc dù vốn đầu tư không nhỏ nhưng trong thực tế nhiều người đã thu lợi nhuận trên 100%, tức một vốn một lời. 

Từ con “cá lạ”

Ông Nguyễn Hoàng Vũ - bí thư xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, một trong những người nuôi cá chình đầu tiên ở địa phương này - kể: “Cách đây vài năm, một chủ vó (phương tiện đánh bắt thủy sản trên sông rạch) ở kênh Xáng tình cờ bắt được con cá bự chảng. Thấy “con gì lạ quá”, chủ nhà không dám ăn bèn bỏ vô thau bưng ra chợ xã bán hú họa.

Thời may có người trông thấy biết là cá chình, hỏi mua với giá 300.000 đồng/kg. Chẳng mấy chốc, chuyện người chủ vó bán được con cá lạ gần 2 triệu đồng đã lan truyền khắp xóm...”.

Sau lần đó, người dân Vĩnh Lộc dần quen mặt loài cá đặc sản này, khi chỉ trong phạm vi ấp Vĩnh Thạnh, dọc bờ kênh Xáng lần lượt có gần 20 hộ xây bể ximăng hoặc đào vuông thả nuôi cá chình.

“Dạo đó, chưa ai ươm được con giống từ bạc tử (tên gọi phổ thông của cá chình con, được vớt từ các tỉnh ven biển miền Trung, lớn cỡ cây tăm, trọng lượng 5.500-6.500 con/kg) lên chừng 20-50 con/kg để có thể thả nuôi. Vì vậy tôi phải mua gom hơn 100 con giống trọng lượng cỡ 5-10 con/kg đánh bắt ngoài tự nhiên với giá 130.000-150.000 đồng/con.

Sau khoảng 18 tháng, cá cho trọng lượng chừng 2kg/con. Với giá bán dao động khoảng 440.000 đồng/kg, trừ chi phí thức ăn, công chăm sóc, tôi vẫn còn lời chừng 500.000 đồng/con” - ông Vũ nhớ lại. 

Thấy cá chình dễ nuôi, dễ bán, ông Vũ tiếp tục đầu tư hơn 100 triệu đồng mua con giống thả tiếp. Từ mô hình này, nhiều hộ dân đang nuôi tôm sú, cá bống tượng trong xóm cũng bắt tay thử nghiệm. Ban đầu mỗi hộ nuôi chừng vài chục con để vừa học tập kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi, vừa để so sánh với các loài thủy sản khác xem hiệu quả ra sao.

Ông Nguyễn Văn Hữu, ấp Vĩnh Thạnh, đã mạnh tay đầu tư cả trăm triệu đồng mua hơn 800 con giống về thả nuôi trên mấy vuông tôm sau nhà. Hôm chúng tôi đến, ông Hữu vừa sang ao, tuyển cá lớn bán đợt đầu. Dù mới chỉ bán chưa tới một phần ba số con giống đã thả, nhưng ông Hữu đã thu về gần đủ số vốn đầu tư.

“Trong vài tháng tới, tui bán hết hơn 600 con còn lại, hi vọng thu được lợi nhuận cao” - ông Hữu phấn khởi cho hay.

Sau Vĩnh Lộc, các địa phương lân cận như Ninh Hòa, Ninh Thạnh Lợi A... cũng đầu tư nuôi cá chình. Hàng trăm hộ đã cất được nhà mới nhờ nghề mới này. Con “cá lạ” một thời với người dân Hồng Dân giờ đã dần thành quen.

 
Thu hoạch cá chình ở cơ sở của ông Nguyễn Hoàng Vũ, xã Vĩnh Lộc - Ảnh: Tấn Đức

Thu hoạch cá chình ở cơ sở của ông Nguyễn Hoàng Vũ, xã Vĩnh Lộc - Ảnh: Tấn Đức


Triển vọng mới

Mấy ngày qua, ông Võ Văn Quang - chủ nông trại nuôi cá chình thương phẩm ở ấp Ninh Thạnh 2, xã Ninh Hòa - mừng ra mặt khi nghe cán bộ khuyến ngư xã báo tin địa phương đã xúc tiến thành lập liên doanh nuôi - chế biến - tiêu thụ cá chình thương phẩm với Công ty Seil SuSan (Hàn Quốc).

“Hồi nào tới giờ, mỗi khi cần bán cá, chúng tôi đều bốc điện thoại gọi cho vựa ở Bạc Liêu, Cà Mau để họ cho giá. Tuy có nhiều người mua nhưng chung quy đều chở lên TP.HCM giao lại cho thương lái, sau đó phần lớn được đóng thùng bán qua Trung Quốc. Thương lái Trung Quốc cho giá bao nhiêu, vựa mua bấy nhiêu, người nuôi cá như chúng tôi không biết đâu mà lần. Bây giờ sắp có chỗ tiêu thụ ổn định, giá cả cũng biết trước từ đầu nên không còn phải lo” - ông Quang chia sẻ. 

Cùng với tin vui này, những ngày qua người nuôi cá chình ở Hồng Dân còn đón nhận thông tin trại giống cá chình Hoàng Thông ở thị trấn Phước Long (Bạc Liêu), địa bàn giáp ranh với Hồng Dân, đã ươm nuôi thành công cá chình bạc tử lên thành 20-50 con/kg để có thể thả nuôi.

Kết quả này sẽ giúp giảm đến 50% chi phí đầu tư mua con giống của ngư dân. 

Ông Út Nhỏ, chủ trại giống Hoàng Thông, cho biết ươm nuôi cá chình giống kích cỡ càng nhỏ càng khó khăn.

Năm 2010, trại của ông ươm được cá trọng lượng khoảng 200 con/kg lên thành cá cỡ 50 con/kg là nhờ ông đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để tiếp nhận chuyển giao công nghệ của Trung tâm tư vấn sản xuất dịch vụ công nghệ thuộc Viện Thủy sản III Nha Trang. Nhưng việc ươm cá chình bạc tử lên thành cá nuôi thì chưa ai làm.

 


Ươm nuôi thành công cá giống

Ban đầu ươm thử nghiệm, tỉ lệ ươm cá chình bạc tử hao hụt trên 90%. Nhưng sau thời gian cải tiến, với sự hỗ trợ của các chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong nước, ông Út Nhỏ đã hoán đổi “tỉ lệ cá chết” thành “tỉ lệ cá sống”.

Mới đây, cơ sở của ông đã nhập trực tiếp con giống bạc tử từ Philippines với giá hơn 1.000 USD/kg về ươm. Với thành công này, trại giống Hoàng Thông đã được chọn tham gia chuỗi liên kết nuôi - chế biến - tiêu thụ sản phẩm cá chình giữa Bạc Liêu với đối tác Hàn Quốc.

“Mục tiêu của chúng tôi là trong năm 2015 cung ứng khoảng 1 triệu con giống và năm 2016 nâng lên 2 triệu con giống, đủ sức đáp ứng nhu cầu nuôi theo chương trình liên kết với Hàn Quốc” - ông Út Nhỏ cho biết. 

Đối với nhiều người nuôi cá chình, đây là một thông tin đầy hoan hỉ. Bởi trước giờ nhiều người vẫn phải mua con giống đánh bắt ngoài tự nhiên với giá lên tới 130.000-150.000 đồng/con (cỡ cá trọng lượng 10 con/kg), cao hơn gấp đôi so với giá cá ươm từ bạc tử.

Đã vậy, do mua con giống không rõ nguồn gốc nên nhiều trường hợp cá mang về nuôi một thời gian bị nổi đầy ao, bắt lên mổ ra thấy còn nguyên lưỡi câu và dây gân trong bụng. Lại có trường hợp nuôi hoài nhưng cá không chịu lớn do con giống đánh bắt bằng xung điện, bằng các loại thuốc nhử, khiến người nuôi bị thiệt hại nặng. 

Bên cạnh đó, lợi thế về mặt tự nhiên của Hồng Dân (và cả vùng nuôi cá chình hiện nay ở Việt Nam) so với Hàn Quốc cũng được nhiều người kỳ vọng.

Kỹ sư thủy sản Nguyễn Văn Thống - cán bộ nông nghiệp xã Ninh Hòa, một trong năm người có thời gian tham quan, học tập kinh nghiệm nuôi cá chình trong bốn tháng tại vùng nuôi của Công ty Seil SuSan (Hàn Quốc) - kể:

“Do điều kiện khí hậu, bên đó họ phải nuôi cá trong nhà kính và tốn thêm chi phí cho việc dùng điện hoặc dầu để chạy các thiết bị nâng nhiệt cho cá. Nhưng nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, họ nuôi vẫn có lời. Hi vọng khi những kỹ thuật nuôi của họ được chuyển giao cho ngư dân mình sẽ mở ra nhiều triển vọng cho đối tượng nuôi này tại Bạc Liêu và cả nước”. 

Sau chuyến đi Hàn Quốc tham quan, học hỏi mô hình, kỹ thuật nuôi cá chình của năm kỹ sư, ông Võ Văn Út, bí thư Huyện ủy Hồng Dân, cho biết sắp tới sẽ có khoảng 40 người, trong đó có cả ngư dân, tiếp tục lên đường sang Hàn Quốc theo kiểu vừa làm vừa học thực tế suốt cả quá trình nuôi, từ khi thả giống tới lúc thu hoạch.

“Địa phương cũng đang xúc tiến quy hoạch vùng nuôi cá chình với tổng diện tích khoảng 800ha để đảm bảo cung ứng nguyên liệu cho nhà máy chế biến cá chình đầu tiên, công suất dự kiến 2,5 tấn nguyên liệu/ngày sẽ hoạt động vào đầu năm 2015. Cửa ra cho con cá chình đang rộng mở” - ông Út nói.

Tiến sĩ Dương Nhật Long, trưởng bộ môn kỹ thuật nuôi thủy sản nước ngọt khoa thủy sản Đại học Cần Thơ, đánh giá: “Nuôi cá chình cho hiệu quả kinh tế cao, nhưng hạn chế là vốn đầu tư lớn và thời gian nuôi dài ngày.

Việc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu hợp tác với một công ty của Hàn Quốc trong chuyển giao quy trình kỹ thuật nuôi, chế biến và tiêu thụ cá chình sẽ góp phần giải quyết đầu ra cho sản phẩm với giá có lợi hơn cho người nuôi.

Cùng lúc đó, ươm nuôi thành công cá chình giống có trọng lượng nhỏ hơn góp phần cung ứng con giống cho thị trường với giá rẻ hơn, cũng như khắc phục được tình trạng người nuôi phải mua con giống không rõ nguồn gốc, không đồng cỡ. Đây là những yếu tố thuận lợi để phát triển nghề nuôi cá chình”.


TTO