Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản: Cơ hội đang rộng mở

Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn trên địa bàn tỉnh là rất lớn, nhất là tại các khu công nghiệp, trường học. Tuy nhiên, một số hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) và người dân vẫn còn gặp khó khăn, lúng túng trong việc xây dựng quy trình sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm. Thực tế này đòi hỏi cần phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần hình thành nền nông nghiệp hàng hóa.
Xã Thanh Ninh (Phú Bình) hiện có gần 20ha ớt, mỗi sào cho thu lãi khoảng 20 triệu đồng. Trong ảnh: Nông dân xóm Phú Thanh thu hoạch ớt thương phẩm. Ảnh: Quỳnh Trang

Từ năm 2015, Công ty TNHH Kibaco (Bắc Ninh) đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm ớt của người dân ở các xã Tân Hòa, Lương Phú, Tân Đức (Phú Bình) với diện tích hơn 10ha. Tham gia hợp đồng, các hộ dân được Công ty cung cấp giống ớt Nun 207 và hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc. Tuy nhiên, đến kỳ thu hoạch (tháng 6-2016), do giá ớt trên thị trường tăng cao hơn so với giá trong hợp đồng nên các hộ dân không bán cho Công ty mà lại mang bán cho tư thương.

 

Được biết, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, đây không phải là lần đầu tiên người dân tự ý phá vỡ hợp đồng kinh tế, gây tổn thất cho DN. Thực tế, một số sản phẩm như dưa chuột, bí xanh... cũng đã từng bị nông dân đem bán ra thị trường khi giá cao hơn giá hợp đồng với các DN. Từ sự việc trên có thể thấy mối liên kết giữa các DN, HTX và bà con nông dân còn lỏng lẻo, chưa thực sự gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau. Nhiều hộ dân chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, chưa tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hóa, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà chưa thấy được lợi ích lâu dài trong vấn đề sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ổn định, dẫn đến tình trạng "tham bát bỏ mâm". Ngoài ra, nhiều người dân vẫn còn tâm lý e ngại, chưa mặn mà ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với DN vì chưa biết hiệu quả sẽ như thế nào. Bởi ngoài hiệu quả kinh tế, vấn đề vốn và thông tin giá cả thị trường cũng là điều nhà nông quan tâm. Ông Nguyễn Hữu Thành, thành viên HTX rau an toàn Nhã Lộng (Phú Bình) cho biết: Nhận được thông tin tới đây sẽ có DN đến đặt hàng thu mua sản phẩm, chúng tôi rất phấn khởi. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn còn băn khoăn về giá cả và phương thức thu mua của Công ty.

 

Thực tế, trước đây đã có nhiều DN đến tìm hiểu về các sản phẩm nông nghiệp sạch trên địa bàn tỉnh (như rau, củ, quả, thịt lợn, thịt gà...) và đặt vấn đề liên kết tiêu thụ với số lượng lớn. Nhưng đa phần các DN đều yêu cầu nông dân phải sơ chế, sau đó đóng gói bao bì, có nhãn mác thì họ mới thu mua. Điều này đối với nông dân là khó thực hiện. Anh Phan Văn Huy, ở xóm Bàn Đạt, xã Bàn Đạt (Phú Bình) cho biết: Trang trại gà của nhà tôi mỗi năm cung cấp cho thị trường trên 30 tấn gà thịt/năm. Đã có DN đến đặt mua hết cả đàn nhưng họ lại yêu cầu chúng tôi phải giết mổ sạch sẽ, đóng gói và có nhãn mác đàng hoàng. Làm được điều này với chúng tôi là không thể.

 

Tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, hiện nay, việc liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang được thực hiện ở các nội dung: Liên kết cung ứng đầu vào, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm. Các nội dung liên kết này được thực hiện theo hình thức hợp đồng. Việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã phần nào giúp người dân ổn định được đầu ra, từng bước thay đổi tập quán trong sản xuất và kinh doanh từ nhỏ lẻ manh mún, lạc hậu sang sản xuất có tổ chức, theo quy hoạch, áp dụng kiến thức, khoa học kỹ thuật tiến bộ. Đồng thời giảm dần việc sản xuất tự phát, dẫn đến sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra bị dư thừa. Tuy nhiên, các hình thức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn ở quy mô nhỏ.

 

Nhận thấy nhu cầu của người dân về sản phẩm an toàn rất lớn, Công ty cổ phần chế biến nông sản Thái Nguyên đã mạnh dạn đi tiên phong trong việc liên kết bao tiêu đầu ra với các hộ sản xuất. Anh Đỗ Văn Cương, Giám đốc Công ty cho biết: Để bà con nông dân nắm được những nội dung cơ bản, chúng tôi đã tổ chức hội nghị thống nhất việc thực hiện các tiêu chí về chuồng trại, con giống, thức ăn, sử dụng thuốc kháng sinh trong lĩnh vực chăn nuôi; các tiêu chí về đất đai, nguồn nước, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong lĩnh vực trồng trọt cho hơn 100 hộ sản xuất đầu mối tham gia. Trong quá trình sản xuất, hàng hóa phải đảm bảo qua dây chuyền sạch, an toàn từ khâu xuống giống đến khâu thu hoạch, sơ chế và bảo quản. Ngoài hỗ trợ người dân về các thủ tục chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm, Công ty cam kết sẽ thu mua sản phẩm của bà con với giá cao hơn giá thị trường từ 10-15%.

 

Thực tế, tình trạng phá vỡ hợp đồng giữa người sản xuất và DN, ngoài nguyên nhân từ phía người sản xuất thì cũng có một phần từ phía DN, đó là họ chưa thực sự quan tâm đến lợi ích thỏa đáng của người sản xuất. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự lỏng lẻo trong mối quan hệ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiện nay. Vì vậy, mới đây, tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XIII đã thông qua Nghị quyết về việc “Ban hành quy định chính sách hỗ trợ đặc thù khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020”. Đây cũng được xem là giải pháp để thu hút các DN đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, phục vụ Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

 

Để tạo mối liên kết bền vững, thiết nghĩ, ngoài xác định rõ trách nhiệm của các bên tham gia, người sản xuất cũng phải chủ động chia sẻ khó khăn cùng DN, và giữ theo đúng hợp đồng đã cam kết. Về phía các DN cũng phải có trách nhiệm, quan tâm đến quyền lợi, lợi ích của người sản xuất, đồng thời xây dựng chiến lược từ sản xuất đến kinh doanh, đảm bảo thị trường tiêu thụ ổn định. Ngoài ra, Nhà nước, nhà khoa học cũng cần nâng cao hơn nữa vai trò định hướng, tư vấn kỹ thuật và hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho nông sản. Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ từng bước giải quyết những bất cập trong liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản hiện nay, góp phần phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững

 

Lương Hạnh
Nguồn: baothainguyen.org