Lúa mọc mầm, thương lái bặt tăm

Lúa mọc mầm, thương lái bặt tăm
Những ngày này lúa hè thu ở các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang đã chín rục nhưng không có người mua. Ngày 2-6, giá lúa tươi được thương lái đưa ra chỉ có 3.500 đồng/kg, tức dưới giá thành sản xuất gần 1.000 đồng/kg.

Tại huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp), những ngày này hàng trăm hecta lúa đã chín rục và bị mưa dông quật ngã nằm bẹp dưới ruộng. Do đã quá ngày thu hoạch, lại bị ngâm nước nên lúa nẩy mầm dù còn nằm trên bông. “Lúa thóc thế này chỉ còn đem cho vịt ăn chứ đâu có ai mua mà bán” - một chủ ruộng ở xã Phú Điền thở dài ngao ngán.

Mong huề vốn

Dọc cánh đồng xã Phú Điền, chúng tôi đếm được hàng chục thửa ruộng chưa thu hoạch nhưng hạt bị nẩy mầm. Thửa ruộng 1,3ha của ông Nguyễn Văn Mạnh hiện coi như bỏ vì mầm lúa đã dài tới 5cm, trở thành mạ: “Bây giờ năn nỉ bán giá 3.000 đồng/kg cũng không ai chịu mua. Lúa này không thể xay xát được nữa”. Cạnh đó, thửa ruộng của ông Trương Đình Chí cũng đã xanh mạ. Ông Chí ngồi bất động trên bờ ruộng cả tiếng đồng hồ chẳng nói chẳng rằng, thỉnh thoảng buông tiếng thở dài nghe đứt ruột!

Tại xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười cũng có rất nhiều nông dân “lên ruột” vì lúa đã quá ngày thu hoạch 10-15 ngày nhưng không có ai mua nên phải bỏ lúa chín rục trên ruộng. Bà Nguyễn Thị Sáu có 6.000m2 lúa đã quá ngày thu hoạch hơn 15 ngày nhưng vẫn chưa tìm được thương lái. Bà chấp nhận bán rẻ 3.500 đồng/kg nhưng thương lái cũng bặt tăm: “Tui chỉ cầu bán được huề vốn để có tiền trả tiền phân, thuốc cho người ta nhưng cũng không được. Lúa lên mộng rồi ai mà mua nữa. Mùa này coi như đã trắng tay chứ hết cách rồi”.

Ông Võ Văn Dũng, phó Phòng NN&PTNT huyện Tháp Mười, cho biết vụ hè thu này toàn huyện xuống giống khoảng 37.700ha, trong đó đã thu hoạch dứt điểm khoảng 30.000ha với năng suất khoảng 6 tấn/ha. Còn lại hơn 7.000ha đang gặp mưa và có hiện tượng “tái sinh” trên thân cây lúa.

Tại cánh đồng huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) lúa hè thu cũng chín rục. Nhiều nông dân đã thu hoạch lúa chất đống trên đường nhưng thương lái chẳng thấy đâu. Ông Trần Văn Thì ở xã Thạnh Lộc cho biết thu hoạch 10ha lúa được 80 tấn nhưng cả tuần nay không bán được. “Tuần trước thương lái bỏ tiền cọc 10 triệu đồng mua lúa giá 4.150 đồng/kg. Khi tui thu hoạch gọi điện nhưng họ không tới, nay họ bảo chỉ lấy lúa nếu tui đồng ý giá 3.600 đồng/kg” - ông Thì bức xúc.

Theo tính toán của nông dân, giá thành sản xuất lúa hè thu này khoảng 4.100-4.500 đồng/kg. Những nơi lúa bị đổ ngã do mưa dông thì chi phí thu hoạch sẽ tăng cao hơn. Tuy nhiên giá lúa hiện nay chỉ còn 3.150-3.500 đồng/kg thì tất cả đều bị lỗ khoảng 1.000 đồng/kg. Những người sản xuất càng nhiều thì càng lỗ nặng.

Doanh nghiệp án binh bất động

Ông Nguyễn Văn Đôn - giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) - cho biết sở dĩ lúa không có người mua là do các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hạn chế, thậm chí không mua lúa. Riêng Công ty Việt Hưng đã giảm tới 90% sản lượng mua vào hằng ngày. Bình thường công ty này mua 500-700 tấn gạo/ngày nhưng hiện chỉ mua cầm chừng khoảng 50 tấn/ngày để công nhân có việc làm. “Chúng tôi biết nông dân rất khổ nhưng không còn cách nào khác. Gạo mua tạm trữ từ vụ đông xuân vẫn còn trong kho chưa bán hết, nay không dám mua vào ồ ạt nữa. Các DN sợ rằng nếu mua vào nhiều mà giá lúa gạo giảm nữa thì rất mệt” - ông Đôn nói.

Theo một số DN, với giá thành sản xuất lúa vụ hè thu 4.142 đồng/kg tính ra giá gạo 5% tấm phải là 430 USD/tấn. Tuy nhiên giao dịch gạo trên thị trường hiện nay chỉ 380 USD/tấn. Không chỉ nông dân lỗ mà DN cũng gặp khó khăn. Chính vì thế DN phải “án binh bất động” chờ giải pháp tạm trữ của Chính phủ. Trong khi đó lúa hè thu ở các tỉnh ĐBSCL đang vào cao điểm thu hoạch rộ. Giá lúa ngày càng giảm mà không bán được càng làm nông dân rơi vào túng quẫn.

Ông Chung Văn Hoàng, thương lái ở huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang), cho biết do các DN xuất khẩu không mua gạo nên tất cả thương lái đều “chết”. Lý do là hôm nay mua lúa giá cao, đem về sấy, xay xát xong thì DN mua vào giá thấp. Bị lỗ liên tục nên thương lái chấp nhận mất tiền đặt cọc với nông dân để “ngồi nhà nghỉ cho khỏe”.

Ngày 29/5, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xem xét tiến hành mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ hè thu để hạn chế tình trạng giá “lao dốc” như hiện nay. Về cơ chế thu mua, Phó thủ tướng giao Hiệp hội Lương thực VN phối hợp với UBND các tỉnh tính toán chỉ tiêu của từng tỉnh. Trong khi đó, theo ông Võ Thành Đô - phó cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) - đơn vị giám sát mua tạm trữ, bắt đầu từ ngày 15-6 các DN sẽ triển khai mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo (tương đương 2 triệu tấn lúa). Do chưa có cơ chế tạm trữ mới nên phương thức mua tạm trữ vẫn tiến hành như các lần tạm trữ trước đây, đó là giao cho Hiệp hội Lương thực VN (VFA) phân bổ chỉ tiêu cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, VFA phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương khi phân giao chỉ tiêu và chỉ đạo các thương nhân thực hiện việc mua lúa gạo theo điều 13 nghị định 109 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Một lãnh đạo Cục Trồng trọt đề nghị nên thay đổi phương thức mua tạm trữ. Đó là đưa tín dụng về cho nông dân để họ tự tạm trữ, khi nào giá tốt mới bán. Khi đó chủ trương để người nông dân tự quyết định giá cả hàng hóa mới trở thành hiện thực.

 

 

Kiến nghị giao địa phương mua tạm trữ ngay

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT đến nay các tỉnh ĐBSCL gieo sạ gần 1,2 triệu ha lúa hè thu. Dự kiến sản lượng thu hoạch 9 triệu tấn. Còn Bộ Tài chính công bố giá thành sản xuất vụ này là 4.142 đồng/kg. Tính ra giá lúa phải đạt 5.383 đồng/kg thì nông dân mới có lãi được 30%. Ngày 2-6, ông Nguyễn Văn Dương, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ cho triển khai mua tạm trữ ngay. Trung ương phân bổ chỉ tiêu cho tỉnh để các DN trong tỉnh triển khai mua. Nếu chờ đến ngày 15-7 hoặc 15-8 thì lúa ở tỉnh Đồng Tháp đã thu hoạch xong.

Ông Cao Văn Hóa, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, nói hiện có 40.000ha lúa hè thu ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành đã và đang thu hoạch nhưng không bán được hoặc bán với giá rất thấp. “Đầu tuần tới chúng tôi sẽ có báo cáo khẩn với UBND tỉnh để kiến nghị Chính phủ cho mua tạm trữ ngay lập tức vì nếu kéo dài thì nông dân sẽ “chết”” - ông Hóa nói.

 

Theo TTO