Mất hơn 1 tỷ USD để nhập... ngô?

Chỉ trong chưa đầy 6 tháng đầu năm, nước ta đã nhập khẩu tới 2,33 triệu tấn ngô (cao hơn cả năm 2013) với kim ngạch gần 600 triệu USD. Theo đánh giá Cục Chăn nuôi, đây là con số cao kỷ lục từ trước đến nay, mà nguyên nhân được cho là mất cân đối cung- cầu trong nước ngày càng lớn.
Mất hơn 1 tỷ USD để nhập... ngô?

Sẽ nhập khẩu trên 4,5 triệu tấn ngô?

Theo dự báo của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), tổng sản lượng ngô cần sử dụng để làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi ở nước ta trong cả năm 2014 sẽ vào khoảng 6,854 triệu tấn. Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong vòng chưa đầy nửa năm cả nước đã nhập khẩu đến 2,33 triệu tấn ngô, tức tăng gấp 2,4 lần so với cùng thời điểm này năm ngoái và giá trị thì tăng tới 87,1%. Với đà này, nhiều khả năng đến hết năm nay, nước ta sẽ nhập khẩu đến trên 4,5 triệu tấn ngô (tức chiếm 2/3 nhu cầu), tức sẽ mất khoảng hơn 1 tỷ USD.

Ông Nguyễn Xuân Dương- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: “Việc nhập khẩu ngô tăng vọt trong thời gian qua chủ yếu là do, chăn nuôi tập trung theo quy mô công nghiệp trong nước tăng, trong khi nguồn nguyên liệu trong nước lại giảm do khó mở rộng diện tích trồng ngô”. Theo ông Dương, nếu kéo dài tình trạng này sẽ rất bất lợi vì chúng ta phải phụ thuộc nhiều vào biến động giá nguyên liệu trên thị trường thế giới.

Có một nghịch lý khác trong sản xuất ngô hiện nay là, giá ngô nhập khẩu lại… rẻ hơn giá ngô sản xuất trong nước. Cụ thể, hiện giá ngô đang được chào bán trên các sàn giao dịch hiện nay chỉ là 245-248USD, tức chỉ tương đương 5.800-5.900 đồng/kg.

Trong khi đó, giá ngô trong nước luôn ở mức từ 6.200 đồng/kg. Ông Nguyễn Trọng Linh- trợ lý Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P cho biết: “Chúng tôi luôn chủ động thu mua ngô trong nước, song so với giá thành nhập khẩu, rõ ràng giá ngô trong nước đang gặp bất lợi, đó chính là khó khăn cho người nông dân.

Song chúng tôi vẫn cam kết, luôn đảm bảo thu mua cho nông dân tối thiểu ở mức 6.250 đồng/kg”. Tuy nhiên, theo ông Linh, dù có thu mua đến mức đó thì trong khoảng 4 tháng (từ tháng 4 đến tháng 7), trong nước cũng không có ngô để thu mua.

Ông Trần Thanh Quang - Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Tập đoàn Quang Minh cũng cho biết, hàng tháng công ty ông phải chi tới hàng tỷ đồng để nhập khẩu 60-80 tấn ngô. “Chúng tôi cũng rất muốn thu mua ngô ở trong nước, nhưng ngoài Sơn La ra, hầu như không có vùng nào có thể đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng và chất lượng”.

Ngô thiếu, lúa thừa

Trong khi nhập khẩu ngô tăng, ngược lại xuất khẩu gạo nước ta tiếp tục sụt giảm trong 6 tháng đầu năm với kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt có 3,2 triệu tấn, khiến sản lượng lúa trong nước dư thừa lớn. Chính vì điều này, nên trong thời gian qua được sự cho phép của Chính phủ, Bộ NNPTNT đã triển khai thúc đẩy chuyển đổi một phần diện tích từ trồng lúa sang trồng ngô, song việc này hiện vẫn đang tiến triển khá chậm chạp.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết: “Hiện nay, chúng tôi lựa chọn cây ngô làm cây ưu tiên để tập trung chỉ đạo, tạo ra sự chuyển biến. Đối với đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta đã có những tiến bộ kỹ thuật, bao gồm những giống năng suất cao, các giải pháp kỹ thuật phù hợp và Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ cho nhân dân. Vấn đề chính là tập trung làm rõ về quy hoach, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân, kết nối về thị trường để nông dân yên tâm sản xuất và tình hình có chuyển biến tích cực”.

Một trong những nguyên nhân quan trọng khác khiến việc chuyển đổi sang trồng ngô chậm là do năng suất ngô của chúng ta còn quá thấp (bình quân mới đạt 4,4 triệu tấn/ha), trong khi đó chi phí sản xuất lại cao. Như tại khu vực phía Bắc theo ông Lê Văn Dũng- Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Phúc, dù địa phương đã có chính sách cho nông dân tiền mua giống song nhiều người vẫn không mặn mà với trồng ngô.

“Thực tế cho thấy, chi phí giống chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp trong sản xuất ngô, trong khi đó chi phí lớn nhất là phân bón khi mỗi sào ngô cần tới vài chục kg phân đạm các loại. Chính vì thế, chúng ta cần có chính sách hỗ trợ nông dân về giá phân bón và giải pháp kỹ thuật thì phù hợp hơn”- ông Dũng cho biết.

Theo dự kiến từ nay đến cuối năm, Bộ NNPTNT sẽ chỉ đạo chuyển đổi khoảng 80.000-90.000ha đất trồng lúa hiệu quả thấp sang các cây trồng hàng năm như ngô, đậu tương, vừng, lạc và rau màu khác. Trong đó, riêng khu vực ĐBSCL được ưu tiên hỗ trợ tối đa không quá 2 triệu đồng/ha để thực hiện chuyển đổi. Còn tại khu vực phía Bắc, hiện Bộ NNPTNT đang nghiên cứu đề xuất chính sách phù hợp về chuyển đổi, trong đó sẽ ưu tiên về hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật.
 

Trong khi đó, tại phía Nam, đến thời điểm này dù Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ký quyết định hỗ trợ về giống để chuyển đổi 112.000ha đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng ngô, song nhiều địa phương vẫn còn băn khoăn, e ngại. TS Lê Văn Bảnh- Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long cho biết: “So với trồng lúa, ngô là cây trồng còn mới của vùng, nên việc cơ giới hóa còn hạn chế.

Hơn nữa, chúng ta chưa có quy hoạch chi tiết vùng nào trồng ngô, nên việc thu mua sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Giải pháp cần thiết là phải ban hành ngay quy hoạch cụ thể xem vùng nào trồng ngô, vùng nào trồng lúa để bà con nông dân thực hiện”.

Theo danviet.vn