Mía đường trước sức ép hội nhập: Chiến lược lâu dài, liên kết với nông dân

Chủ động đổi mới, tăng cường liên kết chặt chẽ với người nông dân xây dựng vùng nguyên liệu hàng hóa, đầu tư vào các sản phẩm sau đường... đang là hướng đi mang tính chiến lược lâu dài của ngành mía đường tỉnh Gia Lai trước sức ép hội nhập.
Xây dựng cánh đồng mía lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất ở huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai giúp giảm chi phí sản xuất. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN
Gia Lai hiện có 2 doanh nghiệp sản xuất mía đường là Nhà máy đường An Khê (thuộc Công ty cổ phần đường Quảng Ngãi) và Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai đứng chân trên địa bàn khai thác vùng nguyên liệu mía rộng lớn hơn 41.000 ha. 

Để khuyến khích người trồng mía đồng hành cùng doanh nghiệp trong giai đoạn hội nhập đầy thách thức, ngay trong năm 2017, Nhà máy đường An Khê đã tập trung mọi nguồn lực triển khai đồng bộ 3 chương trình lớn gồm cơ giới hóa; hóa học hóa (cung cấp phân bón đặc hiệu cho cây mía), sinh học hóa (cung cấp nguồn giống và cải tạo đất) và tối ưu hóa trong quản lý nông, công nghiệp vào chuỗi sản xuất để tăng năng suất, sản lượng, giảm chi phí đảm bảo lợi nhuận hài hòa giữa người trồng mía và đơn vị. 

Yếu tố mang tính bền vững chính là việc Nhà máy đường An Khê đã chủ động liên kết với người nông dân mở rộng các cánh đồng lớn tạo tiền đề ứng dụng công nghệ canh tác (cày, bừa và trồng) bằng định vị vệ tinh không người lái giúp giảm tối đa chi phí định mức đầu tư. Ngoài ra, việc canh tác trên cánh đồng lớn cũng mang lại hiệu quả tối ưu đưa năng suất mía tăng vượt bậc, từ 60 tấn/ha tăng lên hơn 100 tấn/ha, cá biệt có nơi đạt tới 130 tấn/ha giúp tạo thêm lợi nhuận cho người nông dân. 

Anh Đinh Gen, xã Konlơngkhơng, huyện KBang chia sẻ, năm nay là năm đầu tiên gia đình anh đưa 4 ha mía tham gia cánh đồng lớn. Được sự hỗ trợ của nhà máy đưa cơ giới hóa vào sản xuất nên năng suất mía của gia đình đạt 100 tấn/ha, tăng 40 tấn/ha so với mọi năm. Mặc dù giá mía năm nay giảm nhiều, song năng suất tăng cao nên thu nhập vẫn ổn định. 

Tham gia cánh đồng lớn, người nông dân được Nhà máy đường An Khê cam kết hỗ trợ mía giống, các loại vật tư chăm sóc ban đầu không tính lãi suất và bao tiêu toàn bộ sản phẩm tạo cơ sở để người nông dân yên tâm gắn bó với đồng ruộng của mình. Điển hình như cánh đồng mía lớn rộng hơn 120 ha của nhóm 26 hộ nông dân ở thôn JLao, xã KôngPla liên kết hình thành do ông Nguyễn Văn Qui làm nhóm trưởng phát huy tối đa hiệu quả kinh tế. 

“Năm nay do ảnh hưởng của kinh tế hội nhập nên thu nhập của nông dân trồng mía giảm mạnh. Mặc dù giá đường trên thị trường giảm tới 45% so với năm trước, nhưng Nhà máy đường An Khê thu mua mía nguyên liệu của nông dân chỉ giảm giá 15%. Cùng với đó là những chế độ ưu đãi về chi phí đầu tư ban đầu khi tham gia cánh đồng lớn nên các hộ quyết tâm gắn bó với Nhà máy và xác định cây mía là cây trồng chủ lực gắn với đầu ra ổn định", ông Qui cho biết. 

Đến thời điểm này, Nhà máy đường An Khê đã tạo dựng được vùng nguyên liệu mía 30.000 ha trên địa bàn 4 huyện phía Đông Gia Lai; trong đó 70% diện tích được cơ giới hóa và trong số này 40% được trồng và thu hoạch bằng máy đưa năng suất mía bình quân toàn vùng lên 72 tấn/ha cao hơn bình quân chung của cả nước. 

Ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy đường An Khê cho biết, hiện tại Nhà máy đã xây dựng được hơn 100 cánh đồng lớn với hơn 4.000 ha. Để tiếp tục tăng sức cạnh tranh trong gian đoạn hội nhập, đơn vị xác định mục tiêu là ưu tiên xây dựng cánh đồng lớn và phấn đấu đến năm 2020 phải đạt 30% diện tích cánh đồng lớn và 85% diện tích được cơ giới hóa với năng suất bình quân đạt 85 tấn/ha. 

Ngoài ra, để tăng giá trị cho các sản phẩm mía đường, Nhà máy đường An Khê cũng đã kịp thời hoàn thiện và đưa Nhà máy điện sinh khối đi vào hoạt động cung cấp 70 MW công suất hòa lưới điện quốc gia từ tháng 2, mang lại lợi nhuận tăng thêm khoảng 1,5 tỷ đồng/ngày. 

Định hướng trong những năm sắp tới, ngoài việc nâng công suất của nhà máy từ 18 tấn mía/ngày hiện nay lên 25 tấn mía/ngày trong năm 2022, Nhà máy đường An Khê sẽ xây dựng dây chuyền đường luyện RE để sản xuất đường sạch cung ứng ra thị trường trong nước và quốc tế, xây dựng Nhà máy phân vi sinh và cồn Ethanol từ các sản phẩm sau đường để tăng thêm hiệu quả thu nhập cho người trồng mía, ông Phước cho biết. 

Về phía Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai, thời điểm này tuy mới chỉ xây dựng được 30 cánh đồng lớn với khoảng 300 ha trên tổng diện tích vùng nguyên liệu 11.000 ha trên địa bàn các huyện phía Đông Nam tỉnh, song đơn vị cũng đã có hướng đi riêng để ứng phó với hội nhập sâu rộng. 

Câu chuyện tìm giải pháp tiết giảm chi phí của doanh nghiệp cũng không nằm ngoài xu thế chung của các doanh nghiệp kinh doanh mía đường; trong đó, việc gắn kết mật thiết với người nông dân xây dựng cánh đồng lớn đưa cơ giới hóa vào sản xuất là nhiệm vụ đặt ra hàng đầu. 

Song song với nhiệm vụ này, thời gian qua, doanh nghiệp cũng đã hỗ trợ cho các nông hộ xây dựng hệ thống quản lý nước tưới tiên tiến (tưới béc, tưới dây phún, tưới súng ducar…) trên hơn 1.000 ha giúp tăng năng suất cây mía vùng thường xuyên chịu hạn.  

Một trong những lợi thế sẵn có là ngay từ những năm 1997, công ty đã có Nhà máy nhiệt điện công suất 34 MW cung cấp điện cho toàn công ty và hòa lưới điện quốc gia với công suất 20 MW mang lại doanh thu khoảng 60 tỷ đồng/vụ ép. Đây là tiền đề thuận lợi để doanh nghiệp mạnh dạn tham gia hội nhập. 

Ông Nguyễn Bá Chủ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai kiến nghị, ngoài sản phẩm đường, công ty còn phát điện lên lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, giá bán điện chưa phù hợp bởi giá điện đồng phát từ các nhà máy mía đường là 5,8 cent/kWh, trong khi đó giá điện sinh khối là 7,3 cent/kWh. Do đó, Nhà nước nên xem xét giá điện đồng phát từ bã mía tương đương với giá điện sinh khối giúp doanh nghiệp giảm giá thành, có điều kiện hỗ trợ nông dân trong trồng và phát triển cây mía. 

Trao đổi về vấn đề này, ông Huỳnh Vĩnh Hương, Phó Chủ tịch huyện Ia Pa cho rằng, niên vụ 2018 - 2019, toàn huyện Ia Pa có khoảng 6.000 ha mía, là một trong những vùng nguyên liệu lớn nhất của Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai. Giải pháp đối mặt với thời kỳ hội nhập là công ty, địa phương và người nông dân cùng đồng hành với nhau để giải quyết bài toán này. 

Về phía công ty cũng đã có những động thái hết sức tích cực và địa phương cũng đã chủ động phối hợp với công ty để giải quyết những khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, về lâu dài, địa phương cũng đã có những giải pháp cụ thể như rà soát lại quy hoạch vùng trồng mía, bởi diện tích mía hiện nay đã vượt qui hoạch 1.000 ha. 

Ngoài ra, địa phương cũng sẽ xác định lại vùng nguyên liệu thật sự phù hợp, đi đôi với phát động phong trào cánh đồng lớn và hạn chế tối đa đầu tư manh mún nhỏ lẻ. 

“Một giải pháp mang tính căn cơ trong thời gian tới đó là tích cực phối hợp với công ty để hình thành nên các hợp tác xã kiểu mới, các tổ hợp tác, các nhóm sản xuất, đặc biệt là các tổ chức này sẽ đi sâu vào cánh đồng lớn. Chỉ có cánh đồng lớn và các tổ chức liên kết bền vững mới phát huy được thế mạnh và cạnh tranh hiệu quả trong thời kỳ này", ông Hương khẳng định.

*Các công ty mía đường ở Đắk Lắk đang chủ động liên kết với nông dân, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, phát triển các sản phẩm hàng hóa sau đường, tăng thêm thu nhập cho người trồng mía và từng bước khắc phục những khó khăn trước thách thức hội nhập. 
Các nhà máy mía đường ở Đắk Lắk cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm trước thách thức hội nhập. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN
Tỉnh Đắk Lắk có vùng nguyên liệu mía đường lớn thứ 2 ở Tây Nguyên với diện tích hơn 20.000 ha. Năng suất mía bình quân hàng năm đạt 67 tấn/ha. Hiện tỉnh có 2 nhà máy mía đường là Nhà máy đường 333 (Công ty cổ phần Mía đường 333) và Nhà máy Mía đường Đắk Lắk (Công ty cổ phần Mía đường Đắk Lắk) hợp đồng thu mua toàn bộ mía nguyên liệu cho nông dân. 

Nhà máy Mía đường Đắk Lắk có công suất thiết kế 2.500 tấn mía/ngày. Niên vụ mía năm 2017-2018, nhà máy đã ký hợp đồng thu mua 5.000 ha mía nguyên liệu tại huyện Ea Súp, Buôn Đôn và vùng lân cận với giá 800.000 đồng/tấn, giảm từ 20- 30% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, với giá đường nhà máy bán ra hiện chỉ đạt 10.500 -11.000 đồng/kg, ngang bằng với các công ty của Thái Lan, đơn vị đang lỗ 600 đồng/kg. 

Theo ông Nguyễn Bá Thành, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần mía đường Đắk Lắk, mặc dù đơn vị đang sản xuất thua lỗ nhưng với quyết tâm “đứng vững”, tạo sự tin cậy cho người trồng mía, công ty đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, trước mắt để xây dựng ổn định vùng nguyên liệu, giảm giá thành sản xuất, công ty đã chủ động di dời Nhà máy Mía đường từ Khu công nghiệp Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông về vùng mía nguyên liệu chính của công ty tại huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Với quyết định di dời “táo bạo” đã rút ngắn quãng đường vận chuyển giữa hai tỉnh là 100 km, giảm 70% cước phí vận chuyển mía nguyên liệu từ nông hộ đến nhà máy. 

Đồng thời, công ty cũng đã chủ động xây dựng trang trại sản xuất các giống mía chất lượng cao, ngắn ngày (giống Thái Lan) như KK3, LK9211, trên diện tích 200 ha tại xã Ya T’Mốt, huyện Ea Súp để cung cấp cho người dân, không để người nông dân “tự bơi” để tìm kiếm giống. 

Người trồng mía cũng được công ty đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tương đương 30 triệu đồng/ha trồng mới, 15 triệu đồng/ha lưu gốc, hỗ trợ 10 triệu đồng cho mỗi giếng khoan tưới 5 ha mía và nhiều ưu đãi khác để người trồng mía yên tâm sản xuất giữ vững vùng nguyên liệu. 

Theo ông Thành, với sự đầu tư về nhiều mặt, công ty đã xây dựng được nguồn nguyên liệu ổn định với diện tích trên 5.000 ha, năng suất mía nguyên liệu tăng từ 65 tấn/ha vụ mía 2016-2017 lên 75 tấn/ha vụ 2017-2018. 

Trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mía, sử dụng cơ giới hóa vào việc trồng, chăm sóc và thu hoạch để giảm thiểu ngày công lao động. Công ty phấn đấu nâng công suất nhà máy lên 3.500 tấn/ngày, năng suất cây mía đạt 90 đến trên 100 tấn/ha. 

Về phía Công ty cổ phần Mía đường 333, hiện công ty có vùng mía nguyên liệu rộng lớn hơn 8.000 ha ở 2 huyện Ea Kar và M’Đrắk. Phần lớn diện tích mía được trồng ở những chân đất không bằng phẳng, sản xuất nhỏ lẻ, khó khăn trong việc thực hiện cơ giới hóa. 

 

 


Tuy nhiên, để tạo lợi thế cạnh tranh, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, công ty đang thực hiện cơ giới hóa một phần, giúp giảm 30% chi phí thu hoạch mía. 

Công ty cũng đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Ea Kar triển khai thí điểm Mô hình “Dồn điền đổi thửa” trên diện tích 50 ha, đầu tư toàn bộ giống mía mới, phân bón, chi phí sản xuất cũng như tập trung cơ giới hóa toàn bộ diện tích cho người nông dân. 

Bà Trần Thị Tình, xã Ea Sar, huyện Ea Kar cho biết, gia đình có 3 ha đất trồng mía tham gia vào mô hình dồn điền đổi thửa vụ mía 2016-2017 và được Công ty cổ phần Mía đường 333 đầu tư toàn bộ từ khâu giống, phân bón, thu hoạch, vận chuyển. 

Gia đình bà chỉ việc phối hợp với công ty để chăm sóc vùng mía nguyên liệu. Trước đây, với việc tự chăm sóc năng suất mía của gia đình chỉ đạt từ 60- 65 tấn/ha, vụ mía năm nay năng suất đã lên 85 tấn/ha, trừ chi phí gia đình thu lãi hơn 10 triệu đồng/ha. 

Theo ông Đoàn Ngọc Sơn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường 333, để khắc phục những khó khăn trước sức ép hội nhập, công ty đã đầu tư thay mới toàn bộ hệ thống máy móc của Nhà máy Đường 333 bằng thiết bị của Ấn Độ và châu Âu, nâng cao công suất chế biến lên 3.500 tấn/ngày, gấp 7 lần so với những năm đầu hoạt động. 

Về phương án lâu dài, công ty đang phát triển đa dạng hóa các sản phẩm sau đường như sản xuất điện, bánh kẹo, phân vi sinh. Hiện nhà máy mía đường của công ty đã tự sản xuất được nguồn điện sinh khối từ phế phẩm bã mía với công suất 7 MW. 

Công ty đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam chấp thuận đấu nối vào lưới điện quốc gia, trong thời gian tới có thể cung ứng điện ra bên ngoài, mang lợi nhuận về cho đơn vị. 

Ngoài sản xuất điện sinh khối, hiện công ty đã sản xuất thêm được nước khoáng đóng chai vina 333. Công ty đang tiếp tục đầu tư sản xuất bánh kẹo, cồn ethanol pha xăng E5, phân vi sinh. Với những giải pháp phù hợp, công ty đã từng bước đáp ứng được yêu cầu phát triển trong thời kỳ hội nhập, khắc phục những hạn chế, bất cập lâu nay của ngành mía đường. 

Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, quy hoạch vùng mía nguyên liệu của tỉnh đến năm 2020 là 20.000 ha, diện tích này sẽ được tỉnh giữ vững và không mở rộng thêm. 

Để người trồng mía và các doanh nghiệp sản xuất đường cùng tồn tại và phát triển trong xu thế hội nhập, chính quyền, người dân, doanh nghiệp cần tăng cường liên kết đầu tư về chiều sâu cơ giới hóa máy móc trong sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. 

Tỉnh cũng khuyến khích nông dân trồng mía thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã để cùng nhau sản xuất và thương thảo cùng nhà máy khi vào vụ; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân trồng mía tiếp cận các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất. 

Theo ông Trương Hồng, quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, hiện năng suất mía nguyên liệu của các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng chỉ đạt từ 65 đến 75 tấn/ha. 

Bên cạnh đó, để đáp ứng thị trường mía đường trước thách thức hội nhập, các đơn vị, doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ với nông dân nghiên cứu, lựa chọn những giống mía cho năng suất cao, chất lượng tốt đưa vào trồng đại trà, nâng cao năng năng suất mía lên từ 90 tấn lên đến hơn 100 tấn/ha. Các nhà máy mía đường cần đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm đường để có thể cạnh tranh được với các nước trong khu vực. 

Về giải pháp lâu dài, theo ông Trương Hồng, các ngành, địa phương cần quy hoạch phát triển cây mía thật tốt, khuyến cáo người dân chỉ trồng cây mía ở một vùng nhất định. Đồng thời, quy hoạch vùng nguyên liệu mía gắn với các nhà máy để doanh nghiệp và nông dân cùng hỗ trợ nhau trong sản xuất và thu mua mía.
 

 

Nguyễn Hoài Nam - Phạm Cường (TTXVN)