Một số thông tin về thị trường gạo thế giới
- Thứ sáu - 02/05/2014 22:46
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc dự kiến xuất khẩu gạo tăng 8% so với 2013
Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), 5 nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới là Ấn Độ, Pa-ki-xtan, Thái Lan, Mỹ và Việt Nam có lượng gạo dự trữ cho các năm 2013 - 2014 là 48,4 triệu tấn, tăng 3%. Lượng gạo trên thế giới sản xuất năm 2013 tăng và là năm thứ 9 tăng, bất kể có những thiên tai và biến đổi khí hậu. Dự kiến năm 2014, lượng gạo trên thế giới đạt 751 triệu tấn, tăng 0,8% so với năm 2013.
Năm 2014, dự kiến gạo xuất khẩu của Ấn Độ là 9,5 triệu tấn và Ấn Độ đứng số 1 về lượng gạo xuất khẩu. Năm 2014 gạo xuất khẩu của Thái Lan tăng lên và Thái Lan vẫn là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 trên thế giới với 8,7 triệu tấn (tăng 2 triệu tấn so với năm 2013) và Việt Nam đứng thứ 3 với 7,2 triệu tấn.
Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới. Năm 2014, dự kiến Trung Quốc nhập 3,3 triệu tấn gạo, trong khi đó Philippines nhập 1,2 triệu tấn và Indonesia nhập 1,1 triệu tấn.
Hàn Quốc sẽ thúc đẩy mở cửa thị trường gạo
Chính phủ Hàn Quốc đã bắt đầu các thủ tục liên quan đến việc mở cửa thị trường gạo như báo cáo biểu thuế sửa đổi lên Quốc hội để được phê chuẩn trước khi thông báo với Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Theo luật hiện hành, Chính phủ không nhất thiết phải xin sự chấp thuận của Quốc hội liên quan đến công tác thương mại. Tuy nhiên, Chính phủ Hàn Quốc vẫn tiến hành các thủ tục như trên do muốn nhận được sự đồng thuận của Quốc hội vì vấn đề mở cửa thị trường gạo sẽ vấp phải sự phản đối quyết liệt của nông dân. Quá trình mở cửa thị trường lúa gạo được bắt đầu từ bước đệ trình danh mục ưu đãi (Schedule of concessions) lên Tổ chức thương mại thế giới. Đây là danh mục cam kết của quốc gia được đàm phán dưới sự giám sát của WTO, định ra các thời hạn, điều kiện và chất lượng mà hàng hóa nhập khẩu sẽ phải đáp ứng. Ban thư ký của WTO sẽ tiến hành các thủ tục như thông qua sự phê chuẩn của các nước thành viên. Nếu thủ tục này được hoàn tất thì WTO sẽ gửi văn bản xác nhận dưới danh nghĩa của Tổng Giám đốc WTO đối với Hàn Quốc Sau đó, Quốc hội Hàn Quốc sẽ thông qua danh mục ưu đãi trên. Tuy nhiên, hiện tại vấn đề nằm ở chỗ chưa thể dự đoán sẽ mất bao lâu để có được sự chấp thuận của WTO. Chẳng hạn, Nhật Bản đã mất hai năm trong khi Đài Loan mất 5 năm liên quan đến thủ tục này.
Ngoài ra, khi danh mục ưu đãi được trình lên WTO thì Hàn Quốc phải mở cửa thị trường gạo ngay sau khi thời gian ân hạn thuế kết thúc. Tức là nếu Seoul bày tỏ ý định mở cửa thị trường gạo thì thị trường này sẽ mở cửa hoàn toàn bất chấp có được sự phê chuẩn của Quốc hội Hàn Quốc hay không từ ngày 1/1/2015 tới. Do đó, có thể nói, quyền phê chuẩn vấn đề thương mại của Quốc hội không còn hiệu lực. Vậy nên Chính phủ Hàn Quốc quyết định tiến hành cả xin Quốc hội phê chuẩn và trình lên WTO về mở cửa thị trường lúa gạo.
Tại Vòng đàm phán U-ru-goay năm 1994, các nước tham gia đàm phán thương mại đa phương, trong đó có Hàn Quốc đã đồng ý cắt giảm thuế quan và thúc đẩy tự do hóa tất cả hàng hóa được giao dịch trên phạm vi quốc tế. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của gạo, Hàn Quốc đã hoãn mở cửa thị trường này trong 10 năm. Thay vào đó, mỗi năm Hàn Quốc có nghĩa vụ phải nhập một lượng gạo nhất định tương đương 4% tổng lượng tiêu thụ tối đa trong nước.
Đến năm 2004, tức là thời điểm 10 năm sau, Hàn Quốc lại một lần nữa hoãn mở cửa thị trường này thêm 10 năm nữa đến năm 2015 với điều kiện tăng lượng nhập khẩu bắt buộc hàng năm lên 7,96% lượng tiêu thụ trong nước, tức khoảng 408.700 tấn gạo/năm.
Các tổ chức nông dân và các đảng đối lập cho rằng cần phải tiếp tục hoãn thời điểm mở cửa thị trường gạo. Tuy nhiên, điều này được cho là rất khó vì gần đây, Chính phủ Phi-lip-pin yêu cầu ân hạn năm năm thuế và cam kết sẽ nâng lượng nhập khẩu lên tới 2,3 lần so với hiện nay cho đến năm 2017 nhưng cuối cùng đã thất bại. Được biết, một số nước, trong đó có Mỹ đã yêu cầu mở cửa thị trường các mặt hàng khác để đổi lấy việc hoãn thời gian mở cửa thị trường gạo.
Theo Chính phủ, Hàn Quốc nên có chiến lược tính toán kỹ lưỡng hơn chẳng hạn như áp đặt thuế quan 300-500% thay vì tăng lượng bắt buộc phải nhập khẩu để giảm thiệt hại cho nông dân Hàn Quốc.
Thái Lan tăng cường sản xuất gạo đồ
Thái Lan sẽ tăng cường sản xuất gạo đồ sau khi thất bại trong phiên đấu thầu bán 800.000 tấn gạo trắng cho Phi-líp-pin khi mức giá chào bán của Thái Lan cao hơn so với Việt Nam khoảng 40 USD/tấn. Theo Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu gạo, hiện nhu cầu gạo đồ trên thế giới ở mức cao, trong khi Thái Lan lại có nhiều lợi thế sản xuất loại gạo này với chi phí thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh nhất là Ấn Độ. Giá bán gạo đồ của Thái Lan hiện ở mức 405 USD/tấn so với 420 USD/tấn của Ấn Độ.
Hiện nay các nhà nhập khẩu gạo đều cho rằng Thái Lan sẽ tiếp tục giảm giá bán gạo trong thời gian tới do sức ép phải giải phóng số gạo tồn kho để trả nợ cho người nông dân. Trong 2 tháng đầu năm Thái Lan đã xuất khẩu được 1,4 triệu tấn tăng 40% so với cùng kỳ năm 2013 và dự báo sẽ xuất khẩu được 7,5 triệu tấn trong năm nay, tăng 13,5% so với mức 6,6 triệu tấn năm 2013.
Nguồn:moit.gov.vn