Mùa xoài buồn ở thủ phủ xoài

Chưa bao giờ người trồng xoài tại thủ phủ xoài huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa lại khốn đốn như năm nay. Diện tích trồng ồ ạt nhưng thiếu đầu ra ổn định đã đẩy giá xoài rớt… sát đáy.
Người dân Cam Lâm thu hoạch xoài Úc
Thương hiệu xoài Cam Lâm

Huyện Cam Lâm là một trong những vùng cát đầy nắng gió của tỉnh Khánh Hòa. Ở Cam Lâm rất khó để trồng các loại nông sản, nhưng với cây xoài thì hoàn toàn ngược lại. Xoài trồng trên đất cát Cam Lâm không chỉ sống tốt mà còn đem lại thu nhập ổn định cho nông dân nơi đây. Đại đa số hộ trồng xoài nơi đây đều có cuộc sống khá giả, nhiều hộ thành tỷ phú nhờ xoài. Bà Nguyễn Thị Lài, một hộ trồng xoài tại Cam Lâm cho biết, thấy nghề trồng xoài cho thu nhập khá nên bà mạnh dạn đầu tư và đã có trong tay hơn 5ha đất trồng xoài cát Hòa Lộc. “Ngay từ khi xoài ra hoa đã có thương lái tới tận vườn thu mua, trả tiền ngay. Họ tự chăm sóc đến khi thu hoạch, lời lỗ họ chịu. Với vườn xoài này, tôi thu hoạch hơn nửa tỷ đồng/năm”, bà Lài cho hay. 
 
Xoài Cam Lâm được trồng vào những năm đầu của thế kỷ XX, đến những năm 1960 đã hình thành vùng xoài tập trung trên địa bàn huyện với đại đa số là xoài Canh nông (xoài Tây, xoài Thủy Triều). Nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật liên tục để ghép, chuyển đổi đã cho ra nhiều giống xoài chất lượng như, xoài cát Hòa Lộc cơm vàng tươi, chắc, ít xơ, ngọt và thơm dịu; giống xoài Úc hạt nhỏ, mùi thơm, vị ngọt nhẹ, cơm vàng, chắc; xoài Canh nông địa phương có vị chua the, ngọt nhẹ. Ông Nguyễn Văn Ngọc ở Cam Hải Tây cho biết, nhà ông có 200 gốc xoài các loại, có gốc đã 60 tuổi. Bình quân mỗi năm vào thời điểm chính vụ, ông thu hoạch 20 tấn xoài, trừ chi phí các loại thu lãi 300 - 350 triệu đồng, nhờ đó mà gia đình ông có một cơ ngơi khang trang, 8 người con được học hành đến nơi đến chốn và thành đạt. Ông Diệp Thế Thanh, Chủ tịch Hội những người trồng xoài Cam Lâm, cho biết, xoài Cam Lâm là một trong những thương hiệu lớn, việc xây dựng thành công làng nghề truyền thống đã làm thay đổi đời sống của hàng ngàn gia đình nông thôn vốn nghèo khó.

Giá xoài lao dốc không phanh 

Tháng 4-2016, Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu “xoài Cam Lâm” cho 3 loại xoài Canh nông, Hòa Lộc và Úc. Sau sự kiện này, xoài Cam Lâm ngày được nhiều người biết đến, mua nhiều hơn, nên diện tích trồng xoài cũng tăng theo. Thế nhưng, khó khăn cũng bắt đầu từ chỗ diện tích xoài tăng nhanh. Theo thống kê sơ bộ của Phòng Nông nghiệp huyện Cam Lâm, toàn huyện đã có hơn 4.700ha, sản lượng thu hoạch hơn 32.900 tấn/năm. Tính trung bình đạt 7 tấn/ha, giá bán trung bình 25.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí bình quân, nông dân có lãi từ 150 - 180 triệu đồng/ha. Tùy theo giống xoài và trình độ canh tác tốt, có nhà vườn đã thu vượt trội lên đến trên 300 - 400 triệu đồng/ha. Với giá bán 9.000 đồng/kg xoài Canh nông, 30.000 đồng/kg xoài cát Hòa Lộc, từ 30.000 đồng/kg đến 70.000 đồng/kg xoài Úc, tùy thời điểm đầu vụ hoặc trái vụ mà có giá dao động, cây xoài Úc trở thành nguồn thu chủ lực của người dân Cam Lâm. Năm 2014 xoài Úc đã đạt giá 130.000 đồng/kg, còn thông thường ở mức 50.000 - 80.000 đồng/kg; thế nhưng, vào thời điểm này giá xoài Úc chỉ còn 25.000 đồng/kg khiến người dân méo mặt. Đã vậy, xoài giờ đây tiêu thụ rất khó, khiến nguy cơ đổ bỏ cao.

Từ trước năm 2012, xoài Úc ở Cam Lâm chủ yếu được tiêu thụ nội địa. Nhưng từ năm 2012 trở đi, xoài Úc được thương lái Trung Quốc lùng mua. Để cạnh tranh với chủ vựa địa phương, thương lái Trung Quốc sẵn sàng đẩy giá lên cao, có thời điểm chính vụ thu hoạch, họ thu mua với giá hơn 60.000 đồng/kg; thời điểm trái vụ, xoài Úc lúc nào cũng vượt ngưỡng 100.000 đồng/kg. Đại diện Phòng NN-PTNT huyện Cam Lâm cho biết, nếu như năm 2014, diện tích xoài Úc chỉ mới có 275ha (trồng mới) thì đến cuối năm 2015, diện tích xoài Úc đã lên đến gần 1.800ha (trồng mới và ghép). Trong năm 2016, diện tích trồng, ghép xoài Úc vẫn tăng. Vì thế, việc phát triển “nóng” diện tích trồng đã khiến cung vượt cầu. Theo Hội những người trồng xoài Cam Lâm, giá xoài Úc năm nay giảm thê thảm là do nguồn cung quá dồi dào, trong khi đó lại chỉ phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu Trung Quốc.
Theo ông Nguyễn Trí Tuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm, thời gian tới huyện sẽ thành lập Ban quản lý nhãn hiệu chứng nhận xoài Cam Lâm để tiếp tục thực hiện các thủ tục đăng ký theo quy định về cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận này, đồng thời sẽ có các hoạt động kiểm soát chặt chẽ chất lượng xoài, diện tích xoài và tăng cường tìm thị trường đầu ra, không để chỉ phụ thuộc vào một thị trường như hiện nay.

Theo VĂN NGỌC/sggp.org.vn