Năm 2018, ngành cá tra Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu đạt khoảng 2 - 2,2 tỉ USD

Năm 2018, ngành cá tra Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu đạt khoảng 2 - 2,2 tỉ USD
“Dù gặp nhiều rào cản tại thị trường Mỹ và EU nhưng trong năm qua, ngành cá tra đã lập nên kỳ tích nhờ xuất khẩu thuận lợi. Trong nước, giá cá tra giống và giá cá tra thương phẩm luôn ở mức cao giúp những người nuôi, ương dưỡng giống và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra đều có lời”. Đó là nhận định của đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tại hội nghị Triển khai nhiệm vụ phát triển ngành hàng cá tra năm 2018 được tổ chức vừa qua tại TP.Cần Thơ.


Chế biến cá tra xuất khẩu

Tính đến hết năm 2017, diện tích nuôi cá tra cả nước là 5.230ha (tăng 3,5% so cùng kỳ). Trong đó, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với 5 tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long và Bến Tre chiếm đến 95% diện tích.

Từ những tháng cuối năm 2017, giá cá tra giống luôn ở mức cao, thời điểm thấp nhất là 22.000 - 27.000 đồng/kg, thời điểm cao nhất là 60.000 - 65.000 đồng/kg. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2018, giá cá tra giống trung bình 64.000 -75.000 đồng/kg cỡ 30 con/kg và 70.000 - 81.000 đồng/kg cỡ 50 con/kg.

Theo Tổng Cục Hải quan, trong năm 2017, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt khoảng 1,78 tỉ USD, tăng 4,3% so với năm 2016, đóng góp 21,45% vào giá trị xuất khẩu của ngành thủy sản. Năm 2017, hai thị trường truyền thống của Việt Nam là Hoa Kỳ và EU đã giảm lần lượt là 11% và 22,3% so với năm 2016. Trong khi đó, Trung Quốc đã vươn lên vị trí số 1 nhập khẩu cá tra Việt Nam (chiếm tỉ trọng 23% so với 17,8% của năm 2016).

Năm 2018, dự kiến xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, trong đó cá tra đạt từ 2 - 2,2 tỷ USD (chiếm 31,5% kim ngạch toàn ngành thủy sản). Song để đạt mục tiêu này, ngành cá tra đang gặp không ít khó khăn, thách thức liên quan đến thời tiết bất thường, khó dự báo; việc bảo hộ mậu dịch của các nước, đặc biệt ở một số thị trường quan trọng như Hoa Kỳ, EU...

Bên cạnh đó, chất lượng cá giống ngày càng suy giảm, khiến tỷ lệ hao hụt cao ở giai đoạn nuôi thương phẩm, hiệu quả sản xuất thấp. Vào những tháng đầu năm 2018, tình hình dịch bệnh đã xảy ra ở giai đoạn cá giống tại một số địa phương sản xuất trọng điểm, ảnh hưởng đến những tháng tiếp theo. Ngoài ra, việc mở rộng diện tích không dựa trên khả năng tiêu thụ và không liên kết chặt chẽ đầu ra với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu có thể gây dư thừa, sụt giảm giá.

Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, hiện tỷ lệ nuôi từ bột lên cá hương tại nhiều cơ sở sản xuất cá tra giống đạt tỷ lệ cá sống không quá 20%. Tỷ lệ hao hụt trong nuôi cá tra thương phẩm cũng rất cao khoảng 40 - 50%. Ông Huỳnh Văn Mừng - Giám đốc Công ty Sản xuất cá tra giống Mừng Liêm (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) cho biết: “Mỗi năm, đơn vị sản xuất từ 2 - 3 tỉ con giống, trong đó tỉ lệ sống từ 12 - 15%, còn giống bên ngoài chỉ sống được khoảng 6%”.

Theo ông Ong Hàng Văn - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang (tỉnh Đồng Tháp): “Trong những tháng đầu năm 2018, cá tra giống 30 con/kg có giá 55.000 đồng, sau Tết đến nay tăng lên 75.000 đồng nhưng vẫn không có con giống. Có thể thấy một thực trạng, ngành cá tra hiện nay có nhà máy, có thị trường và vốn đầu tư nhưng lại không có giống. Chính vì thiếu nguồn giống chất lượng nên tỷ lệ hao hụt khi nuôi từ cá giống lên cá thịt là rất lớn. Với đà này, sản lượng không thể bằng năm 2017”.

Các doanh nghiệp sản xuất cá tra cũng lưu ý, dù kim ngạch xuất khẩu đang ở mức cao nhưng thị trường nhiều nước trên thế giới vẫn tiềm ẩn rủi ro, nhất là thị trường Hoa Kỳ tiếp tục áp mức thuế suất chống bán phá giá cao và luôn có những rào cản kỹ thuật gây khó cho cá tra Việt Nam. Đối với thị trường Trung Quốc liên tục gia tăng việc nhập khẩu cá tra với số lượng lớn; song cần phải đề phòng sự bất thường của thị trường này do không ổn định. Vì lẽ đó, người nuôi cá tra ở ĐBSCL cần suy tính kỹ trước khi ùn ùn mở rộng diện tích.

Năm 2017, tuy có nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu thủy sản, đặc biệt xuất khẩu cá tra đã đạt 1,8 tỉ USD. Những tháng đầu năm 2018, ngành thủy sản có nhiều tín hiệu vui, đặc biệt giá cá tra nguyên liệu rất tốt, kéo theo giá cá giống tăng lên. Tuy nhiên, điều lo ngại nhất là kiểm soát tốt chất lượng giống và kiểm soát tốt phát triển các vùng nuôi ngoài quy hoạch và thị trường.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, mục tiêu xuất khẩu của ngành cá tra được Chính phủ và Bộ giao năm nay phải đạt từ 2 - 2,2 tỉ USD. Thực tế, đây là một con số không dễ dàng, để đạt được mục tiêu này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn. Vì từ trước đến nay Việt Nam chỉ xuất khẩu đạt khoảng 1,6 - 1,8 tỉ mà nay vượt lên con số hơn 2 tỉ USD thì không phải chuyện đơn giản, đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu toàn ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp, các địa phương và vùng nuôi.

Theo Báo Đồng Tháp Online