Nâng cao giá trị nông sản, tìm đầu ra cho vải, quế

Nâng cao giá trị nông sản, tìm đầu ra cho vải, quế
Hiện, nhiều địa phương các tỉnh miền núi phía Bắc đang chú trọng nâng cao giá trị hàng nông sản, tìm đầu đầu ra cho cây ăn quả, cây dược liệu.

Thái Nguyên: Góp phần nâng cao giá trị nông sản  

t-n-12.jpg

 Nuôi gà bằng giun quế tại HTX dịch vụ chăn nuôi, trồng trọt Phấn Mễ (Phú Lương).

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 210 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp (tăng 65 HTX so với năm 2012). Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, phần lớn các HTX có sản xuất kinh doanh ổn định, góp phần tạo công ăn việc làm cho các thành viên và người lao động.

Nhiều HTX đã vươn lên tổ chức sản xuất kinh doanh tốt, mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động sản xuất, kinh doanh để tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường. Bước đầu đã xuất hiện một số mô hình HTX nông nghiệp hiệu quả cao, thực hiện tốt một số dịch vụ cung ứng cho thành viên như: cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, một số HTX còn thực hiện tổng hợp cả dịch vụ đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Các HTX tiêu biểu có thể kể đến như: HTX Chăn nuôi, trồng trọt Đông Thịnh (Phú Bình), HTX Chè La Bằng (Đại Từ), HTX Dịch vụ chăn nuôi, trồng trọt Phấn Mễ (Phú Lương)…

Trong số các HTX nông nghiệp thì HTX chè có số lượng nhiều hơn cả bởi đó là sản phẩm thế mạnh của địa phương và có điều kiện để phát triển ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê chưa đầy đủ thì toàn tỉnh hiện có gần 100 HTX sản xuất, chế biến cũng như hoạt động thương mại, kinh doanh chè. Được thành lập từ năm 2011, đến nay, HTX Chè Nguyên Việt, ở xã Minh Lập (Đồng Hỷ) đã phát triển lên 20 thành viên. Sản phẩm của HTX được sản xuất từ vùng nguyên liệu 15ha ở Trại Cài, trong đó 10ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Bà Uông Thị Lan, Giám đốc HTX cho biết: Từ khi thành lập đến nay, tuy có những thời điểm gặp rất nhiều khó khăn nhưng HTX vẫn luôn giữ vững chất lượng sản phẩm và chú trọng xây dựng thương hiệu. Toàn bộ diện tích chè nguyên liệu đều được các gia đình thành viên HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Cùng với đó, HTX còn chủ động đứng ra cung ứng phân bón, vật tư, phối hợp với Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng chè cho các thành viên, đặc biệt là về quy trình, cách thức chế biến sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau 7 năm đi vào hoạt động, HTX đã từng bước xây dựng được thương hiệu và tìm được chỗ đứng vững chắc cho sản phẩm chè của HTX trên thị trường. Năm 2017, doanh thu của HTX đạt gần 4 tỷ đồng; thu nhập bình quân của các thành viên đạt hơn 4 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh đầu ra ổn định, hiệu quả kinh tế được nâng lên rõ rệt là những lợi ích mà chị Nguyễn Thị Hương, thành viên HTX Nông nghiệp xanh T&D Tức Tranh (Phú Lương) nhận thấy khi tham gia vào HTX: Tôi và các thành viên có điều kiện gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, sản phẩm làm ra bán cho HTX theo giá thỏa thuận. Với 5.000m2 trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP, mỗi lứa, tôi thu được khoảng 3 tạ chè búp khô, giá bán trung bình từ 200.000-250.000 đồng/kg. Trong khi đó, khi chưa tham gia vào HTX, gia đình tôi phải tự lo bươn trải từ việc mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, rồi tìm người mua chè. Có những năm thời tiết thuận lợi, chè được mùa thì mất giá. Ngược lại, có năm được giá thì lại mất mùa, chè bán ra với giá chỉ từ 100.000-150.000 đồng/kg.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Huy Nhỡn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Không chỉ có chè mà nhiều sản phẩm nông nghiệp của các HTX ngày càng có giá trị kinh tế cao hơn trước bởi đã biết khai thác thế mạnh sẵn có của địa phương, chú trọng đầu tư sản xuất theo quy mô lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm và đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại… Nhờ đó, giá trị nông sản được nâng cao và góp phần hạn chế tình trạng ép giá, lệ thuộc vào tư thương. Đặc biệt khi tham gia vào HTX, kinh tế hộ sẽ ngày càng phát huy hiệu quả, các thành viên cùng hợp tác, liên kết thành chuỗi sản xuất hàng hóa, qua đó tạo giá trị gia tăng. 

Một trong những HTX nông nghiệp đi đầu trong phát triển kinh tế tập thể phải kể đến HTX sản xuất, chế biến và dịch vụ tiêu thụ chè Tân Hương (gọi tắt là HTX Chè Tân Hương). Nắm bắt được xu thế phát triển của thị trường, Ban Quản trị HTX đã mạnh dạn chuyển đổi, nâng cao kỹ thuật từ sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP sang tiêu chuẩn quốc tế UTZ Certified. Qua 7 năm liên tục thực hiện quy trình này, đến nay, HTX đã góp phần thay đổi thói quen, tư duy sản xuất cho nhiều hộ dân và giúp họ nhận ra hiệu quả của sản xuất chè an toàn. Hay như HTX Rau an toàn thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) cũng đã thực hiện sản xuất quy trình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP trên tổng diện tích 20ha. 

Ngoài ra, để đưa nông sản đến gần hơn với người tiêu dùng, hiện nay, rất nhiều HTX đã xây dựng các cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm của chính HTX như: HTX Miến Việt Cường, HTX chè Tuyết Hương (Đồng Hỷ); HTX Dịch vụ chăn nuôi, trồng trọt Phấn Mễ (Phú Lương)… Chính thức đi vào hoạt động từ giữa năm 2017, Cửa hàng giới thiệu snar phẩm của HTX Thanh niên Tân Linh (Đại Từ) hiện bày bán rất nhiều sản phẩm chế biến từ thịt thỏ. Anh Nguyễn Văn Quảng, Giám đốc HTX cho biết: Khi mới đi vào hoạt động, chúng tôi chủ yếu là bán thỏ thịt, với giá trung bình là 60.000-65.000 đồng/kg. Tuy nhiên, tôi nhận thấy rằng, để sản phẩm chăn nuôi đến được gần hơn với người tiêu dùng thì cần thiết đáp ứng đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng, do vậy, năm 2017, HTX đã cho ra đời 1 số sản phẩm chế biến từ thịt thỏ, như: thỏ rang muối, giò, xúc xích…, giá bán vì thế cũng cao hơn so với bán thỏ sống, đạt từ 200.000-240.000 đồng/kg.

Có thể thấy rằng, HTX nông nghiệp hiện chiếm số lượng chủ yếu trong số các HTX đang hoạt động và phát triển rộng rãi ở tất cả các địa phương trong tỉnh, ngày càng chứng minh được vai trò với các thành viên. Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện vẫn còn không ít những HTX hoạt động không hiệu quả do chậm đổi mới phương thức hoạt động, khó khăn về vốn đầu tư, mang nặng tính hình thức… Trong khi đó, việc phát triển các HTX nông nghiệp được đánh giá là còn nhiều tiềm năng để phát triển. Do vậy, thời gian tới, nhằm khai thác thế mạnh của địa phương, cần thiết cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành chức năng, đặc biệt là vấn đề về vốn, nhân lực và trang bị kỹ thuật cho các HTX

 

Tăng cường chế biến tránh “bí đầu ra” cho vải, nhãn

Dự báo vụ vải và nhãn năm nay sẽ được mùa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thúc giục các địa phương cùng vào cuộc tìm cách tiêu thụ.

Cập nhật mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có sự báo, mùa vụ năm nay tuy giảm về diện tích nhưng nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến trong điều khiển ra hoa, đậu quả và thâm canh nên năng suất vải, nhãn đã được cải thiện rõ, đặc biệt là đối với quả vải. 

Chẳng hạn, năng suất vải bình quân cả nước tăng từ mức phổ biến dưới 3 tấn/ha trước năm 2006 lên mức phổ biến trên 5 tấn/ha những năm gần đây, do vậy sản lượng vải khá ổn định từ năm 2012 đến nay, ở mức 300.000 - 350.000n tấn/năm, đứng thứ 3 trên thế giới (sau Trung Quốc, Ấn Độ).

Hơn nữa, điều kiện thời tiết khí hậu năm nay thuận lợi cho vải, nhãn nở hoa, đậu quả và phát triển quả. Dự báo nếu không có yếu tố cực đoan, bất thường (mưa đá, mưa bão lớn,…) và được chăm sóc, quản lý sâu bệnh tốt thì năng suất vải và nhãn đều tăng mạnh so với năm ngoái. Trong đó, sản lượng vải tại 3 tỉnh trọng điểm là Bắc Giang, Hải Dương và Hưng Yên có thể đạt tới trên 217.000 tấn. Còn sản lượng nhãn tại 2 tỉnh trồng nhiều nhất là Sơn La và Hưng Yên cũng sẽ đạt khoảng 80.000 tấn. 

Với dự báo sản lượng tăng mạnh như vậy, việc tìm đầu ra để vừa tiêu thụ tốt vừa tránh được mua - mất giá đang là bài toán đặt ra với ngành nông nghiệp và người nông dân trồng nhãn và vải. Rút kinh nghiệm từ nhiều mùa vụ trước, năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa cùng nhiều địa phương họp bàn giải pháp thúc đẩy chăm sóc, tiêu thụ nhãn, vải các tỉnh trọng điểm phía bắc niên vụ 2018. 

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu các địa phương tiếp tục hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp chăm sóc tiên tiến, quản lý chặt chẽ ATTP đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; tăng cường áp dụng kỹ thuật để kéo dài thời gian thu hoạch và bảo quản quả vải, nhãn; xây dựng chỉ dẫn địa lý, quảng bá, giới thiệu sản phẩm...; đẩy mạnh hỗ trợ chứng nhận VietGAP tạo điều kiện để xuất khẩu và cung ứng sản phẩm cho chuỗi các siêu thị, các khu vực đô thị, các khu công nghiệp...

Bộ cũng yêu cầu đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm để tiếp tục mở rộng thị trường nội địa, đồng thời mở rộng thị trường và xúc tiến thương mại để tăng lượng nhãn, vải xuất khẩu.  

Đặc biệt là đẩy mạnh các hình thức chế biến truyền thống như sấy khô để giảm sức ép tiêu thụ quả tươi; khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh chế biến các sản phẩm từ quả vải, nhãn. 

Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, tỷ trọng vải tiêu thụ nội địa niên vụ vừa qua đã đạt khoảng 50% và đang có xu hướng gia tăng, địa bàn tiêu thụ cũng đang được mở rộng trên phạm vi toàn quốc, trong đó Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh là những thị trường tiêu thụ lớn. Vì vậy, Bộ chỉ đạo các bên liên quan cần tập trung các giải pháp đồng bộ để khai thác hết tiềm năng thị trường trong nước.

Đến nay, vải thiều đã được kết nối tiêu thụ trong hệ thống phân phối bán lẻ tại mạng lưới các siêu thị lớn Metro, Co.opmart, Happro, BigC, …., các chợ đầu mối hoa quả ở Hà Nội, TP.HCM,... Đối với nhãn thì thị trường nội địa là chủ yếu, trên địa bàn tỉnh và các thành phố lớn Hà Nội,TP.HCM, Quảng Ninh và đã vào các siêu thị tại Hà Nội như: Fivimart, Metro, VinMart,… 

Đối với xuất khẩu, hiện nay quả vải tươi nước ta đã được xuất khẩu tới nhiều thị trường khác nhau: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Malaysia các quốc gia trong ASEAN, Trung Đông... và đang tiếp tục mở rộng các thị trường xuất khẩu khác. 

 Phú Thọ: Thúc đẩy tiềm năng trồng quế ở Trung Sơn

Xã Trung Sơn là xã đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Yên Lập. Với 8000 ha diện tích đồi rừng, việc phát triển kinh tế của xã còn gặp nhiều khó khăn. Những năm trở lại đây, người dân xã Trung Sơn đã tập trung trồng và phát triển cây quế đem lại  hiệu quả kinh tế và góp phần cải thiện đời sống. Tuy nhiên, để phát triển cây quế theo hướng liên kết sản xuất quy mô lớn tạo ra sản phẩm chất lượng cao đòi hỏi sự đồng lòng sát cánh của người dân và các cấp chính quyền. 

Với 1000ha, xã Trung Sơn là một trong ba xã trồng quế nhiều nhất của huyện Yên Lập. Đặc điểm khí hậu và địa hình địa phương phù hợp để phát triển cây quế và đưa quế trở thành cây mũi nhọn mang lại giá trị kinh tế cao. Quế cho thu hoạch tối đa từ rễ, thân gỗ, vỏ và lá lại dễ bảo quản, lâu bị thối hỏng. Mỗi cây cho giá trị thu hoạch từ 800.000 – 1.000.000 đồng. Quế thu hoạch tới đâu được thương lái thu mua hết tới đó. Thu nhập từ cây quế chiếm 50% (8/17 triệu đồng) trong tổng thu nhập bình quân đầu người năm 2017 tại xã Trung Sơn. Cho thấy, cây quế có vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế của người dân nơi đây.

 Tuy vậy, để tăng giá trị cây quế và phát triển theo hướng sản xuất quy mô lớn thì còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều năm nay, người dân vẫn duy trì tập quán sản xuất cũ lạc hậu. Quế thu hoạch chủ yếu bán thô chưa qua chế biến nên giá trị chưa cao, 1 kg vỏ quế tại vườn có giá 15.000 – 17.000 đồng, lá quế có giá 1.200 đồng/kg. Năm 2017, hợp tác xã sản xuất tinh dầu quế xã Trung Sơn đã đi vào hoạt động nhưng máy móc cũ kĩ nên năng suất không cao. Công đoạn bảo quản thô sơ tiềm tàng nhiều nguy cơ cháy nổ. Nghị quyết 01/2016 của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển rừng sản xuất khó áp dụng vào thực tiễn tại Trung Sơn do điều kiện hỗ trợ phải là trồng mới rừng sản xuất thâm canh có quy mô liền vùng từ 20 ha trở lên, trong đó quy mô hộ từ 1 ha. Điều kiện này khó áp dụng tại địa phương vì địa hình xã Trung Sơn 90% là đồi núi, manh mún nhỏ lẻ. Sự hỗ trợ mới chỉ dừng ở phân bón và cây giống với số tiền 2,5 triệu đồng/ha chưa thu hút được bà con nông dân.

 Ông Trần Văn Trai – hộ trồng quế ở xã Trung Sơn cho biết: “ Quế là cây dài ngày, phải mất từ 8 – 10 năm mới cho thu hoạch, vì vậy ngoài sự hỗ trợ về phân bón, cây giống, người dân cần thêm sự hỗ trợ trong hai năm đầu chăm cây để yên tâm sản xuất”. Chia sẻ gánh nặng của bà con nông dân trồng quế, huyện Yên Lập chuẩn bị gửi đề xuất lên HĐND tỉnh xem xét chính sách riêng cho những xã đặc thù như Trung Sơn để góp phần tăng năng suất cây quế.

Biện pháp khắc phục trước mắt, Phòng NN - PTNT huyện Yên Lập tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động để thay đổi phương thức canh tác mang lại năng suất cao hơn. Đồng thời kết hợp các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền về tiềm năng cây quế để thu hút các đơn vị đầu tư. Màu xanh cây quế vẫn đang bạt ngàn đồi núi Trung Sơn với niềm hy vọng trong tương lai bà con sẽ có cuộc sống no đủ trên mảnh đất quê hương mình.

 

 An Như (tổng hợp) /kinhtenongthon.com.vn