Nâng tầm cho hạt gạo

Dù là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, song thực tế hạt gạo Việt Nam vẫn chưa khẳng định được thương hiệu. Điều này là một thiệt thòi lớn cho bà con nông dân - những người trực tiếp làm ra hạt gạo. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây đã đưa ra ưu tiên số một trong thực hiện kế hoạch xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam là xây dựng logo thương hiệu cho hạt gạo.

Theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, đã đến lúc gạo Việt phải thay đổi vị thế ở thế giới.

PV: Thưa ông, với việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ưu tiên xây dựng logo cho thương hiệu gạo Việt, ông đánh giá thế nào về động thái này? 

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Đây là việc đến lúc phải làm. Suốt thời gian dài vừa qua, chúng ta chỉ lẳng lặng làm và  đã trở thành một trong những quốc gia  xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Song, vẫn chỉ chú trọng xuất khẩu thô mà bỏ qua chất lượng gạo. Chính vì thế, gạo Việt dù xuất khẩu sản lượng lớn nhưng thế giới lại chỉ biết đến gạo Ấn Độ, Thái Lan…

Làm sao để hạt gạo từ vô hình thành hữu hình với người tiêu dùng trong nước cũng như người tiêu dùng quốc tế là việc đã đến lúc phải khẳng định, phải thay đổi. Tới đây, khi tập trung vào xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam, các doanh nghiệp và người nông dân cần phải đầu tư nhiều cho giống lúa, chất lượng gạo, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại.

Còn vai trò của Nhà nước là chuẩn hóa các nguồn giống, chuẩn hóa chất lượng. Đây là hướng đi phù hợp để tổ chức lại sản xuất lúa gạo, từng bước nâng cao chất lượng và giá trị cho hạt gạo Việt Nam.  Công việc này không thể tiến hành trong ngày một, ngày hai mà phải xử lý hết từ cơ cấu giống đến thủy lợi, quy trình canh tác…

Bộ Tài chính mới đây đã bày tỏ sự bất đồng với Bộ Công thương về việc hỗ trợ cho DN trong việc xây dựng thương hiệu gạo. Cụ thể, Bộ này không nhất trí tiếp tục cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ xúc tiến thương hiệu gạo quốc gia, với lý do đã có nguồn ngân sách của nhà nước chi trả cho các cơ quan thuộc Bộ Công thương và Sở Công thương các tỉnh. Điều này một lần nữa cho thấy, câu chuyện xây dựng thương hiệu gạo vẫn là bài toán khó?

- Đề án xây dựng thương hiệu gạo đã được Thủ tướng phê duyệt từ lâu, bây giờ là kế hoạch hành động như thế nào thôi. Tuy nhiên, cần phải thừa nhận rằng, nguồn ngân sách còn đang rất eo hẹp. Do đó, việc Bộ Tài chính và Bộ Công thương chưa đồng quan điểm về vấn đề này cũng là điều dễ hiểu. Tôi không có bình luận nhiều.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, do còn khó khăn về ngân sách nhà nước, không phải chúng ta cứ muốn làm là làm ngay được, chúng ta cần phải có thêm thời gian, và đặc biệt phải huy động được nguồn vốn xã hội hóa, có sự tham gia đầu tư của các DN chứ không thể chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách. 

Không thể phủ nhận, thời gian qua, nhà quản lý đã nỗ lực trong việc xây dựng thương hiệu cho hạt gạo nói riêng,cho nông sản Việt nói chung, thế nhưng dường như vẫn chưa có gì khởi sắc?

- Các sản phẩm nông sản của ta chịu nhiều thiệt thòi, khi xuất khẩu với số lượng lớn mà không để lại dấu ấn gì trên bản đồ thế giới. Đã đến lúc chúng ta phải chuẩn hóa các khâu trong chuỗi sản xuất lúa gạo, từ khâu xác định giống, đến vùng sản xuất. Nâng tầm cho nông sản Việt cũng như cho lúa gạo Việt Nam.

Việc xây dựng logo cho sản phẩm lúa gạo là bước đi cần thiết để khẳng định thương hiệu cho hạt gạo. Khi đã xây dựng được thương hiệu, bước tiếp sau đó là bảo vệ, giữ thương hiệu như thế nào để không bị mất đi giống như một số thương hiệu nông sản mà chúng ta đã từng đánh mất. Đó là các bước phải làm và phải làm bằng được.

Một số chuyên gia khi được hỏi đều tỏ ra thảng thốt khi cho rằng, tại sao bây giờ mới đặt vấn đề xây dựng logo? Cái này phải làm từ lâu rồi. Ông có cho rằng, bây giờ mới xây dựng logo cho thương hiệu gạo Việt là hơi muộn? 

- Trước đây chúng ta chỉ chú trọng về số lượng, mà bỏ qua chất lượng. Nguyên do ở chỗ, chúng ta vẫn sản xuất kiểu manh mún. Chúng ta có gần 10 triệu nông hộ tham gia sản xuất lúa gạo và mỗi người làm một kiểu, mạnh ai nấy làm. Kể cả DN cũng kinh doanh kiểu tự phát, hầu như không có sự kết nối. Dẫn đến gạo xuất đi chủ yếu là gạo phẩm cấp thấp. Xây dựng thương hiệu cho hạt gạo đòi hỏi một quá trình. Không thể muốn nhanh là nhanh được. 

Đây cũng là chủ chương đúng của ngành nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành lúa gạo đi theo hướng chuyển từ thị trường phẩm cấp thấp sang dần thị trường phẩm cấp cao, đặc biệt là trong bối cảnh các đối thủ xuất khẩu hiện nay đang bám rất sát và cạnh tranh khốc liệt về mặt thị trường. 

 

Xây dựng logo cho thương hiệu gạo Việt đang là ưu tiên số một.

Ông có kỳ vọng gì cho tương lai của hạt gạo Việt Nam, thưa ông?

- Chúng ta hoàn toàn đặt niềm tin vào sự đổi thay cho số phận của hạt gạo Việt khi xuất khẩu trong thời gian tới. Khi có thương hiệu, không chỉ có những thay đổi về chất lượng, giá cả, mà có thể tới đây, cũng giảm được diện tích đất trồng lúa, vì không phải vùng đất nào cũng trồng được giống lúa chất lượng cao.

Diện tích đất đó sẽ sử dụng vào những việc khác hữu ích hơn cho nền kinh tế. Và như tôi nói ở trên, khi hạt gạo của ta có được vị thế của mình ở thế giới, chính bản thân các DN xuất khẩu cũng sẽ tự tìm cách nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu gạo cao cấp, họ làm việc cũng chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn để có thể cạnh tranh được tại thị trường nước ngoài. Đó cũng là cái được lớn đối với nền kinh tế.

Trân trọng cảm ơn ông!

Duy Phương (thực hiện)
http://daidoanket.vn/