Nâng tầm phát triển thương hiệu dừa xiêm Bến Tre

Nâng tầm phát triển thương hiệu dừa xiêm Bến Tre
(THPL) - Bến Tre là "thủ phủ" của dừa với diện tích khoảng 70.000ha, sản lượng mỗi năm gần 600 triệu trái, mang lại doanh thu khoảng 5.400 tỷ đồng.

Người Việt Nam nghe nhắc đến dừa là nghĩ ngay tới Bến Tre. Mới đây, trái dừa xiêm cho thứ nước thơm ngọt của vùng đất này vừa được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

Qua đó, tỉnh Bến Tre đã tạo bước ngoặt mới cho sự phát triển thương hiệu nông sản chủ lực của tỉnh. Bởi đây chính là một bằng chứng bảo đảm với người tiêu dùng về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm và là công cụ hữu hiệu để quảng bá, nâng cao hình ảnh và khả năng cạnh tranh của dừa xiêm xanh có xuất xứ Bến Tre.

dừa xiêm Bến Tre
Bến Tre là "thủ phủ" của dừa với diện tích khoảng 70.000ha.

Theo bà Phan Thị Thu Sương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, tỉnh sẽ phát triển diện tích trồng dừa xiêm xanh, nâng tỷ lệ chiếm 20% tổng diện tích trồng dừa. Đồng thời, xây dựng hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm dừa xiêm xanh, phát triển các tổ hợp tác trồng dừa lên hợp tác xã và gắn kết với các doanh nghiệp tiêu thụ dừa trong nước và xuất khẩu để phát triển ổn định, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dừa xiêm xanh Bến Tre.

Tại Bến Tre, hiện có nhiều đơn vị thu mua dừa uống nước, một số doanh nghiệp đã sản xuất, chế biến sản phẩm hoặc xuất khẩu dừa tươi ra nước ngoài. Sản phẩm dừa xiêm xanh của Bến Tre hiện đã có mặt tại thị trường các quốc gia như  Mỹ, Canada, Úc, Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc…

Ông Lê Văn Khê - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre, cho biết Sở đã triển khai Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phát triển ngành dừa tỉnh Bến Tre, giai đoạn 2015 - 2020. Đến nay, có 9 đề tài, dự án nghiên cứu được triển khai, với kinh phí 4,98 tỷ đồng, từ nguồn Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ. Sở đã hỗ trợ cho vay 4 dự án ngành dừa, với tổng kinh phí 7 tỷ đồng, thu hút đầu tư từ doanh nghiệp trên 100 tỷ đồng để đầu tư chuyển giao, đổi mới công nghệ.

IMG_4689
Ông Phan Văn Mãi – Uỷ viên BCH trung ương Đảng, Phó bí thư thường trực Tỉnh uỷ dán nhãn chỉ dẫn địa lý cho dừa xiêm xanh uống nước.

Vì lẽ đó, việc xu hướng của thị trường ngày càng yêu cầu gắt gao về nguồn gốc, xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa. Doanh nghiệp (DN) muốn xuất khẩu thì trước đó phải xây dựng vùng nguyên liệu bằng cách gắn kết với nông dân, các tổ hợp tác trồng dừa. Có vùng nguyên liệu, có thị trường thì vấn đề còn lại là DN phải thực hiện tốt theo tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo đủ sản lượng cung ứng và ổn định khách hàng.

Theo ông Lê Nhựt Chiêu, Phó trưởng Ban Kinh tế Hội Nông dân tỉnh Bến Tre, để thực hiện chuỗi dừa uống nước, thời gian qua, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã tập trung tuyên truyền người dân tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã. Qua vận động, Hội đã thành lập 20 tổ hợp tác, tích cực phối hợp với các ngành chuyên môn để thực hiện đúng tiêu chuẩn của xuất khẩu. Năm 2018, hội tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp phổ biến tập huấn kỹ thuật sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các DN muốn ổn định và mở rộng phát triển thì con đường duy nhất là phải mở rộng xuất khẩu và chiếm lĩnh thị trường tiềm năng, trong đó có thị trường Mỹ. Bình quân, mỗi tháng, thị trường này nhập khẩu hàng ngàn container nhưng hiện công ty mới chỉ đáp ứng khoảng hàng chục container (20 ngàn trái/container).

Khẳng định rằng, dừa xiêm xanh được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý Bến Tre đã tạo bước ngoặt mới cho sự phát triển thương hiệu nông sản chủ lực của tỉnh, bởi đây chính là một bằng chứng bảo đảm với người tiêu dùng về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm và là công cụ hữu hiệu để quảng bá, nâng cao hình ảnh và khả năng cạnh tranh của dừa xiêm xanh có xuất xứ Bến Tre. Đầu năm 2018, dừa uống nước xiêm xanh của tỉnh Bến Tre được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý, sản phẩm được ghi vào sổ đăng ký chỉ dẫn địa lý của quốc gia, chính thức được Nhà nước bảo hộ.

Theo ông Nguyễn Hữu Lập - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, một số tổ hợp tác, hợp tác xã ở địa phương đã quan tâm đầu tư xây dựng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm để xây dựng thương hiệu hàng hóa. Đặc biệt là một số sản phẩm đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể như Bò Ba Tri, chôm chôm Chợ Lách, giống hoa kiểng Cái Mơn, nhãn Long Hòa. Địa phương cũng đang xây dựng chỉ dẫn địa lý Bến Tre đối với bưởi da xanh và dừa xiêm xanh, xây dựng nhãn hiệu, chứng nhận đối với con lợn Mỏ Cày Nam.