Ngân hàng ưu tiên vốn cho tín dụng

(HQ Online)- Tình trạng dư thừa thanh khoản tại các ngân hàng đang giảm xuống và các ngân hàng đang ưu tiên nguồn vốn cho hoạt động tín dụng trong mùa cao điểm cuối năm.
Giao dịch ngân hàng tại TPBank

Đó là nhận định được các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đưa ra trong bản tin trái phiếu tuần số 46 (tuần 21-11 đến 25-11) vừa được BVSC phát hành. 

Tuần qua, trên thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu kỳ hạn 14 ngày và 28 ngày với tổng giá trị lần lượt đạt 15.299 tỷ đồng và 45.700 tỷ đồng. Trong khi đó, lượng tín phiếu đáo hạn là 16.740 tỷ đồng. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng 44.259 tỷ đồng từ thị trường qua kênh này. 

Mức lãi suất của tín phiếu kỳ hạn 14 ngày trong tuần dao động từ 1,5 – 1,6%/năm, biên độ hẹp hơn so với mức dao động lãi suất của tuần trước đó. Mức lãi suất trên đã gần chạm mức cao nhất trong năm. Trong khi đó, lượng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày cũng được phát hành nhiều hơn hẳn trong tuần qua (gấp hơn 3,54 lần so với tuần trước đó). Theo BVSC, việc Ngân hàng Nhà nước tập trung phát hành tín phiếu tại kỳ hạn dài chủ yếu nhằm mục đích giãn thời gian đáo hạn của tín phiếu vào dịp cuối năm, giúp củng cố thanh khoản cho hệ thống trong giai đoạn cao điểm.

Trong khi đó, lãi suất liên ngân hàng tuần qua có xu hướng giảm ở kỳ hạn qua đêm và 1 tuần, tuy nhiên lại tăng nhẹ ở kỳ hạn 2 tuần. Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm giảm 0,16%, về mức 1,59%/năm; kỳ hạn 1 tuần giảm 0,15%, về mức 1,69%/năm. Trong khi đó, lãi suất trung bình kỳ hạn 2 tuần tăng 0,01%, lên mức 2,08%/năm. 

Theo các chuyên gia của BVSC, mặc dù tuần qua Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng một lượng vốn lớn qua kênh tín phiếu và lãi suất liên ngân hàng đã giảm nhẹ trở lại, tuy nhiên nhu cầu tín dụng lớn vào thời điểm cuối năm nhiều khả năng sẽ vẫn khiến tình trạng dư thừa thanh khoản giảm xuống. BVSC dự báo lãi suất liên ngân hàng trong các tuần tới có thể duy trì xu hướng tăng nhưng về tổng thể mức tăng sẽ không quá lớn, đưa lãi suất các kỳ hạn lên mức 2-3%/năm.

Trong khi đó, ở thị trường trái phiếu Chính phủ sơ cấp, tuần qua, Kho bạc Nhà nước đã tổ chức gọi thầu tại ba loại kỳ hạn: 5 năm, 15 năm và 30 năm với khối lượng gọi thầu lần lượt ở mức 2.000 tỷ, 1.000 tỷ và 500 tỷ đồng. Trong đó lượng đặt thầu cho kỳ hạn 5 năm gấp 2,69 lần giá trị gọi thầu; tỷ lệ trúng thầu đạt 69% tại mức lãi suất 5,2%/năm, tăng mạnh 0,3% so với lần đấu thầu gần nhất hồi đầu tháng 10-2016. 

Lượng đặt thầu cho kỳ hạn 15 năm cũng gấp 0,75 lần giá trị gọi thầu; tỷ lệ trúng thầu chỉ đạt 10% tại mức lãi suất 7,2%/năm. Kỳ hạn 30 năm có lượng đặt thầu bằng 1,01 lần giá trị gọi thầu với tỷ lệ trúng thầu đạt 100% tại mức lãi suất 7,98%/năm, không đổi so với lần trúng thầu gần nhất. 

Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 96,5% kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ – tương đương 271.175 tỷ đồng. Các chuyên gia của BVSC đánh giá, việc lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm tăng mạnh (0,3%) trong phiên đấu thầu tuần qua là điều khá bất ngờ. Nó cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng không còn dư thừa như trước và các tổ chức tín dụng cũng đang có phần ưu tiên hơn cho hoạt động tín dụng trong mùa cao điểm cuối năm. 

Hiện Kho bạc Nhà nước chỉ còn kỳ hạn 7 năm, 10 năm, 15 năm và 20 năm là chưa hoàn thành kế hoạch nên nhiều khả năng sẽ tập trung phát hành tại các kỳ hạn này trong thời gian tới. Do khối lượng cần huy động không còn lớn và các kỳ hạn cần phát hành đều tương đối dài nên lãi suất có thể sẽ không có nhiều biến động trong tháng cuối năm.

Nguyễn Hiền