Ngán tạm xuất tái nhập

Ngán tạm xuất tái nhập
Cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan hải quan một số tỉnh, thành than phiền, quy định tạm xuất tái nhập hiện chưa rõ ràng. Điều này vô hình trung gây khó cho hải quan và làm khổ cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp rất cần giảm thiểu vướng mắc để phát triển.  Ảnh: Nhã Chi.

Ngày 28/9, Bộ Công thương cùng Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và Đầu tư châu Âu (Mutrap) tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Quản lý ngoại thương (LQLNT) năm 2017 và những định hướng của một số văn bản hướng dẫn.

Theo Bộ Công thương, LQLNT đang vạch ra “làn ranh đỏ” quy định rõ cơ quan nhà nước chỉ được làm pháp luật cho phép và thương nhân được kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm. LQLNT được đánh giá, công khai, minh bạch và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Bởi vì trước khi Luật này ra đời có 12 bộ ngành cùng tham gia quản lý với hơn 1.000 văn bản.

“LQLNT hỗ trợ cho hoạt động quản lý nhà nước, đồng thời hạn chế nhập khẩu không cần thiết”, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Vụ trưởng vụ Pháp chế (Bộ Công thương) nhận định.

Chưa thật sự hiểu rõ LQLNT có lợi cho DN như thế nào song cộng đồng DN mong muốn Luật này sẽ giải quyết những vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là hình thức tạm xuất tái nhập. Hiện khá nhiều DN gặp khó ở quy định này. Đại diện Công ty cổ phần Cơ khí An Giang cho hay: DN tạm xuất khẩu máy móc tham gia hội chợ các nước nhưng khi đem rất khó khăn. Chi phí nhập lại lên đến mấy trăm triệu, với mức này thì cho luôn chứ nhập lại làm gì.

Khá bức xúc về quy định tạm xuất tái nhập máy móc của DN hải quan TP HCM chia sẻ: “Có DN sản xuất máy in và đưa đi nước ngoài test thử chất lượng, tuy nhiên con đường trở về khá nhiêu khê. DN muốn đưa máy về xưởng phải xin phép Bộ Công thương. Lý do, cơ quan quản lý cho rằng DN nhập máy móc đã qua sử dụng”.

Vị này cho hay, chỉ tạm xuất 1 – 2 máy in để test chất lượng thì không có lý do gì để gây khó cho DN khi nhập lại. Trả lời thắc mắc của DN cũng như hải quan các tỉnh – thành về hình thức tạm xuất tái nhập hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) khẳng định, hàng tạm nhập tái xuất có quy định rõ về thời gian xuất khẩu. Nhưng đối với hàng tạm xuất tái nhập không có thời gian cụ thể, DN có thể đăng ký thời hạn với hải quan. Nói chung, hàng tạm xuất vẫn nhập về bình thường không cần thủ tục liên quan. 

Ngoài vướng mắc về hàng tạm xuất tái nhập, mã HS cũng được xếp vào danh sách gây khó khăn cho DN. Thiếu danh mục xác định mã HS cho hàng hóa dễ dẫn đến sai sót khi khai báo hải quan. Khi sự trên xảy ra nhiều DN phải tiến hành các biện pháp phức tạp như sửa tờ khai, nộp bổ sung hồ sơ, hoặc xin hoàn thuế…

Chưa hết, thời gian qua xảy ra khá nhiều vướng mắc liên quan đến áp mã HS. DN khai mã HS theo kiểu DN, hải quan áp dụng HS của hải quan. Cục Xuất nhập khẩu cho biết, nhằm thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, Chính phủ sẽ ban hành danh mục hàng hóa có mã HS để thuận lợi trong việc áp thuế suất.

Thanh Giang.daidoanket.vn