Ngành cao su: Xuất nhiều, nhập cũng nhiều
- Thứ tư - 16/12/2015 23:13
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ngành cao su Việt Nam tuy đang mở rộng thị trường xuất khẩu với nhiều nước trên thế giới, nhưng vẫn phải nhập khẩu lượng lớn nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Theo số liệu được Gs.Ts Nguyễn Việt Bắc - Viện Hóa học Vật liệu, đưa ra tại hội nghị giới thiệu triển lãm Rubber & Tyre Việt Nam2016, diễn ra tại Hà Nội ngày 16/12, tổng lượng cao su thiên nhiên xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm 2015 của Việt Nam đạt 639.560 tấn, tương đương với giá trị khoảng 928,23 triệu USD. Trong khi đó, khối lượng nhập khẩu cao su tính riêng trong tháng 11/2015 đạt28.000 tấn, tương đương với giá trị đạt 44 triệu USD.
Cần quản lý chặt chẽ nguồn cung cao su
Xuất rẻ, nhập đắt
Theo Ts. Lưu Hoàng Ngọc - Cục phó Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), thời gian qua, Việt Nam đang đẩy mạnh chế biến cao su thiên nhiên. Hiện, cả nước có 99 đơn vị hoạt động trong ngành sản xuất sản phẩm cao su với công suất chế biến mủ cao su của cả nước đạt trên 1,2 triệu tấn mủ khô/năm.
Sản phẩm chế biến đang tập trung ở 4 sản phẩm chính, là mủ dạng khối, mủ tờ xông khói RSS, mủ latex và các loại khác. 70% sản phẩm mủ chế biến dùng để sản xuất lốp xe, còn lại là hàng gia dụng, giày dép, đồ chơi trẻ em...
Nhưng, do việc sản xuất tại chỗ còn yếu, nên phần lớn các sản phẩm mủ cao su nước ta khai thác được tập trung xuất khẩu. Việt Nam đang là nhà xuất khẩu cao su lớn đứng ở vị trí thứ ba trên thế giới (đứng sau Thái lan và Indonesia), nhưng thị phần chỉ chiếm 9,7%.
Nhận định về tình hình trên, Ts. Lưu Hoàng Ngọc cho biết: “Vì chất lượng cao su chế biến không đạt yêu cầu sản xuất, nên chúng ta vẫn phải tạm nhập tái xuất cao su thiên nhiên để đáp ứng nhu cầu trong nước, mặc dù sản lượng sản xuất mủ trong nước không giảm, nguồn hàng dồi dào”,
Hiện nay, Thái Lan, Campuchia, Malaysia và Indonesia đang cung cấp hơn 88,4% sản lượng cho Việt Nam nhập khẩu. Bởi vì, 3 nước trong khu vực là Thái Lan, Campuchia, Malaysia đều tập trung ưu tiên trong khâu chế biến, với công nghệ kỹ thuật cao cho từng thị trường trọng điểm, đồng thời bao tiêu sản phẩm khá tốt.
Còn Việt Nam vừa yếu về công nghệ, vừa không bảo đảm được chất lượng để áp dụng sản xuất cho các ngành liên quan đến nguồn nguyên liệu này, nên xảy ra nghịch lý xuất khẩu cao su rồi lại nhập khẩu cao su về. Hậu quả của việc này là nhiều người dân trồng cao su đã phải chặt bỏ cao su vì ế ẩm, chuyển sang trồng cây khác nhằm có thu nhập cao hơn.
Việc tạm nhập để tái xuất đã là cơ hội cho một số doanh nghiệp trục lợi, vì nhập cao su thiên nhiên giá rẻ sau đó tái xuất để hưởng chênh lệnh giá, nên chất lượng cao su nhập về không bảo đảm được yêu cầu của các ngành hàng liên quan như: sản xuất săm lốp, hàng gia dụng, giày dép…
Ngành cao su phải làm gì?
Theo Ts. Lưu Hoàng Ngọc - Cục phó Cục Hóa chất, trong thời gian tới, ngành cao su cần phát triển sản xuất các sản phẩm cao su trên cơ sở huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, tăng cường và sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu trong nước, phát huy những lợi thế và tiềm năm phát triển.
“Mục tiêu cụ thể trong giai đoạn tiếp theo là tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp sản xuất sản phẩm cao su giai đoạn 2015 - 2020 đạt 14 - 15%; giai đoạn 2021 - 2025 đạt 15% và 12% trong giai đoạn 2026 - 2035.
Phấn đấu đến năm 2020, hầu hết các cơ sở sản phẩm cao su có nhu cầu sử dụng nguyên liệu cao su thiên nhiên sẽ sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất”, ông Ngọc đề xuất.
Trong thời gian tới, cao su Việt Nam muốn thu về lượng giá trị gia tăng cao, cần đẩy mạnh sản xuất theo hướng sản phẩm. Đồng thời, bảo đảm đồng đều về chất lượng của mủ cao su thiên nhiên khai thác trong nước. Có như vậy, mới có thể giải quyết bài toán đầu ra cho người trồng cao su và nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất. Từ đó mới tính đến chuyện gia tăng khả năng cạnh tranh, khi thị trường mở cửa.
Còn theo Gs.Ts. Nguyễn Việt Bắc - Viện Hóa học Vật liệu, cần phải đa dạng hóa việc sử dụng cao su thiên nhiên. Đồng thời, để cân đối cung cầu và giữ giá ổn định, cần quản lý chặt chẽ nguồn cung cao su theo kế hoạch tăng trưởng có trật tự, phù hợp với nhu cầu thế giới.
Bên cạnh đó, chúng ta cần đẩy mạnh đầu tư khoa học kỹ thuật vào việc đầu tư chế biến mủ cao su tại chỗ, có như vậy nguồn cao su thiên nhiên của nước ta mới không bị xuất khẩu với giá rẻ, sau đó lại bị nhập lại với giá đắt gấp nhiều lần. Có như vậy, người trồng cây cao su và doanh nghiệp mới yên tâm sản xuất.
Như Yến (Thời báo kinh doanh)