Ngành chè: Khó mở rộng sản xuất do thiếu nguyên liệu

Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, khả năng cung ứng nguyên liệu chè chỉ bằng ½ khả năng tiêu thụ trong chế biến, dẫn đến hiện tượng tranh mua làm giảm chất lượng nguyên liệu.
Thiếu nguyên liệu nên các doanh nghiệp kinh doanh chè chưa mở hết công suất
Đầu vào hạn hẹp
 
Hiện nay, cả nước có gần 130 ngàn ha diện tích trồng chè, năng suất đạt 7,5 tấn/ha, sản lượng hàng năm đạt 900 ngàn tấn búp tươi, khối lượng chè khô khoảng 200 ngàn tấn, tổng giá trị bán hàng trong nước đạt trên 3.000 tỷ đồng. Trong đó có 10 tỉnh có diện tích từ4.000 ha trở lên như Lâm Đồng, Thái nguyên, Hà Giang, Phú Thọ…; 10 tỉnh có sản lượng trên 15 ngàn tấn/năm như Lâm Đồng, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Sơn La, Lai Châu…
 
Ngành chè đã góp phần tạo thu nhập cho khoảng 3 triệu lao động trồng trọt, chế biến, kinh doanh chè trong cả nước với khoảng 500 ngàn hộ gia đình. Sản phẩm chè của Việt Nam đã được xuất sang 120 thị trường trên các châu lục, trong đó có 35 thị trường truyền thống. Thị trường xuất khẩu chè chính là Trung Quốc, Pakistan, Afganistan, Nga, Mỹ, Indonesia, Malaysia, Singapore…
 
Theo Hiệp hội Chè Việt Nam: Tính đến nay, cả nước đã có khoảng 500 cơ sở sản xuất chế biến với công suất trên 500 ngàn tấn chè khô/năm. Thế nhưng, do nguồn nguyên liệu đầu vào hạn hẹp, thấp hơn so với công suất chế biến của các nhà máy nên hầu hết các doanh nghiệp không mở rộng được năng lực sản xuất.
 
Nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam còn chỉ rõ: nhóm doanh nghiệp sản xuất không có vùng nguyên liệu ổn định chiếm hơn 60%. Nguyên nhân, là do đầu tư cho nông nghiệp chè chưa thỏa đáng, nhất là đầu tư để thay đổi giống chè và đầu tư thâm canh thấp, chế biến thủ công phát triển mạnh. Bên cạnh đó, các hộ nông dân trồng chè chiếm hơn 80%diện tích chè nhưng phương thức canh tác nhỏ lẻ, manh mún, mang tính tự phát và theo phong trào.
 
Chú trọng vào chất lượng
 
Trước tình trạng đầu vào không ổn định, để nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, các doanh nghiệp đã chuyển hướng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm. Do vậy, công nghiệp chế biến chè ở Việt Nam trong thời gian đã có bước phát triển nhanh chóng, nhiều cơ sở sản xuất đã trang bị dây chuyền, thiết bị hiện đại, có khả năng sản xuất các loại chè cao cấp, chất lượng cao. Bên cạnh đó, công nghiệp bao bì phục vụ đóng gói chè cũng phát triển, cho ra đời nhiều loại bao bì đẹp làm bằng carton, gỗ, nhựa, thủy tinh, sành sứ…
 
Đặc biệt, đến nay nhiều đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh chè đã quan tâm hơn đến việc đạt chứng nhận về chất lượng như VietGap, Organic, Rainforest, Global Gap, UTZ, Thương mại công bằng… Theo thống kê, hiện có khoảng 145 đơn vị trong nước đạt chứng nhận VietGap, 9 doanh nghiệp xuất khẩu đạt chứng nhận quốc tế.
 
Đại diện Công ty chè Phú Bền (tỉnh Phú Thọ) cho biết: Việc đạt chứng nhận Rainforest Alliance (đòi hỏi phải đáp ứng được 3 tiêu chuẩn bền vững đó là mức độ chăm sóc sức khỏe công dân, khả năng quản lý nông trang và bảo vệ môi trường), giúp chúng tôi có thể bán hàng cho doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh chè lớn như Unilever. Đồng thời, giá bán cũng tốt hơn, có tín nhiệm đối với khách hàng quốc tế, nâng cao trách nhiệm môi trường…
 
Mặt khác, để tăng nguồn cung nguyên liệu phục vụ cho chế biến, hiện nay, tại nhiều địa phương đã hình thành các khu vực sản xuất chè tập trung, nằm chủ yếu ở miền núi, vùng trung du Bắc Bộ như Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Tuyên Quang… và vùng Tây – Nam Bộ như Lâm Đồng, Gia Lai.
 
Ngoài ra, ngành chè Việt Nam đang thu hút nhiều nhà đầu tư đến từ Nga, Nhật Bản, Bỉ, Iraq, Đài Loan.. đầu tư 100% vốn hoặc liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam đầu tư xây dựng vườn chè, nhà máy chế biến với công nghệ tiên tiến, sản xuất các loại chè đặc sản phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng ngoài nước.
 
Quỳnh Nga - Lan Anh (Báo Công Thương)