Ngành điều tháo được "bom nổ chậm", kỳ vọng sức bật cuối năm

Ngành điều tháo được "bom nổ chậm", kỳ vọng sức bật cuối năm
(Dân Việt) Sau khi các doanh nghiệp gỡ bỏ được gánh nặng thiếu hụt nguyên liệu thô, giá điều nhân đã ấm lên sau thời gian trượt dài tới đáy. Ngành điều đang tràn trề kỳ vọng tích cực vào hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong những tháng cuối năm.
Trong tháng 7, lượng điều thô tiếp tục cập cảng Việt Nam với số lượng lớn nhưng không xảy ra hiện tượng bán nhân ồ ạt. Đây là tín hiệu tích cực, dự báo thị trường nhân xuất khẩu sẽ tăng trong thời gian tới, dù mức tăng không lớn.
Tháo ngòi “bom nổ chậm” 
Tanzania được đánh giá cao trong việc lưu trữ tốt nguyên liệu điều thô nhưng khâu bán hàng lại không giống ai. Cho tới tháng 7 năm nay, hơn 200.000 tấn điều thô mà nước này nắm giữ vẫn là “quả bom nổ chậm” khiến nhiều nhà nhập khẩu lo lắng. Chưa ai biết chắc bao giờ họ sẽ bán ra, bán với giá nào, đặc biệt là chất lượng hạt điều ra sao sau 1 năm chất hàng trong kho. Lúc này giá điều nhân vẫn đang trên đà giảm.

nganh dieu thao duoc 'bom no cham', ky vong suc bat cuoi nam hinh anh 1

Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nhân điều được khuyến cáo vẫn phải theo dõi kỹ thị trường. Ảnh:   N.V

Tới đầu tháng 8, thông tin Công ty Tân Long của Việt Nam đã mua 176.000 tấn hàng tồn của Tanzania khiến ngành điều thế giới ngỡ ngàng vì hợp đồng quá lớn. Đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp chế biến trong nước đón nhận thông tin với nhiều tín hiệu tích cực.
Đầu tiên là lo lắng về nguy cơ Chính phủ Tazania bán ồ ạt hạt điều thô giá rẻ, kéo giá nhân giảm xuống đã được loại bỏ. Theo thông tin từ Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), sau khi Tân Long và một số doanh nghiệp nước ngoài khác mua hết điều thô của Tazania, giá điều nhân và điều thô đều cắt đà giảm, đã bắt đầu tăng nhẹ.
Ông Trương Sỹ Bá - Tổng Giám đốc Công ty Tân Long cho biết, mới đây, công ty đã nhập thêm khoảng 40.000 tấn điều nguyên liệu từ các nước Tây Phi. Như vậy, tổng nguồn điều thô Tân Long hiện có khoảng trên 210.000 tấn. Với lượng điều thô hiện có, Tân Long sẽ quan sát thị trường và điều chỉnh lượng thô sao cho các nhà máy chế biến của Việt Nam có lợi nhất.
“Tân Long cam kết không bán xả hàng một lượng lớn điều thô ra thị trường làm ảnh hưởng đến giá điều nhân xuất khẩu của Việt Nam” - ông Bá cho biết.
Đánh giá cao thương vụ vừa qua của Tân Long, ông Nguyễn Vân Công - Chủ tịch Vinacas cho rằng, nguồn điều thô đã được gom lại. “Trái bom nổ chậm” từ Tanzania vốn gây lo lắng lâu nay đã được gỡ, và trở thành có lợi cho ngành điều Việt Nam.
Cụ thể, việc này sẽ giảm bớt những khó khăn cho doanh nghiệp chế biến, nhất là những doanh nghiệp nhỏ đang chiếm tới hơn 60% thị phần điều nhân. Các doanh nghiệp này hiện phải lo tìm nguồn nguyên liệu, hoặc đang bị chèn ép với những điều kiện hợp đồng nhiều bất lợi, rủi ro cao. Nguồn nguyên liệu được san sẻ sẽ mang lại sân chơi công bằng hơn cho các doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp điều đầu ngành thì đánh giá việc ổn định nguồn nguyên liệu sẽ giúp điều tiết được lượng nhân sản xuất ra, từ đó giá nhân được nâng lên. Nếu Tân Long làm đúng như những gì đã nói thì ngành điều Việt Nam sẽ hình thành được hệ thống “van điều chỉnh” thô - nhân cho thị trường thế giới.
Thận trọng bài toán kinh doanh
Ông Trần Văn Hiệp - Trưởng Ban xúc tiến thương mại Vinacas nhận định, giá điều nhân và thô trong thời gian tới sẽ ổn định và có xu hướng tăng. Giá điều nhân đi từ mức thấp nhất vào cuối tháng 4 là 3,05USD/kg cho mã W320, nay đã đạt mức 3,35 - 3,40USD/kg, và khả năng sẽ tăng tiếp sau vài tháng nữa.
Hiện các nhà mua điều nhân đã quay lại mua cho tất cả các kỳ hạn gần và xa. Các hợp đồng kỳ hạn từ tháng 9 tới tháng 12/2019 dao động ở mức 3,25 - 3,35USD/kg cho mã W320. Có những đơn hỏi hàng cho cả 8 tháng đầu năm 2020.
Bên cạnh đó, điều thô Campuchia loại hạt to cũng đã tăng giá lên 46.000 - 48.000 đồng/kg với tỷ lệ thu hồi 30%. Loại hàng này đã gần cạn trong khi nhu cầu cho rang muối ngày một tăng. Dự báo, nhu cầu điều nhân rang muối sẽ được tiêu thụ tốt cho tới tháng 3/2020.
Tuy nhiên ông Hiệp cũng lưu ý, khả năng giá tăng đột biến là rất khó xảy ra. Cho tới lúc này, việc dự báo giá nhân tăng bao nhiêu vẫn chưa có đáp án cụ thể. Nhất là thế giới đang trong vòng xoáy thương chiến toàn cầu, sức mua bị ảnh hưởng chung. “Các doanh nghiệp cần theo dõi, phân tích kỹ thị trường cho bài toán kinh doanh của mình” - ông Hiệp nói.
Đồng tình, ông Vũ Thái Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Long Sơn (TP.HCM) cho biết, sản xuất và cạnh tranh điều nhân ngày càng khó khăn hơn. Thời gian qua, ngành điều có một số điều kiện thuận lợi nhất định khi các siêu thị lớn trên thế giới giảm giá bán làm tăng sức mua từ người dùng.
Việc Trung Quốc tăng thuế hạt hạnh nhân để trả đũa Mỹ khiến người Trung Quốc tăng mua hạt điều là một thuận lợi cụ thể. Tuy nhiên, Mỹ không bán được hạt hạnh nhân cho Trung Quốc thì cũng phải đẩy đi các thị trường khác. Hạt điều lại gặp bất lợi vì bị cạnh tranh thị phần.
“Tháng 8, 9 là thời điểm quyết định thị trường có thay đổi được không. Hiện tại, giá điều nhân có nhích lên nhưng chưa kết luận được gì trong tương lai gần. Doanh nghiệp nên kỳ vọng vào sức tiêu thụ tăng hơn là giá điều nhân tăng” - ông Sơn gợi ý.

Ông Nguyễn Văn Công - Chủ tịch Vinacas cho biết, Hiệp hội sẽ cùng Công ty Tân Long thống nhất kế hoạch phối hợp nhập khẩu, cung ứng hạt điều thô năm 2020 để thúc đẩy công tác chế biến và xuất khẩu đạt hiệu quả cao nhất.
“Tuy nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn nhất định, nhưng Vinacas mong muốn phát đi thông điệp trong năm 2020, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu điều Việt Nam tự tin làm chủ về tài chính để nhập khẩu, dự trữ nguyên liệu đảm bảo cho chế biến ổn định” - ông Công chia sẻ.
Nguyên Vỹ/Danviet.vn
http://danviet.vn/nha-nong/nganh-dieu-thao-duoc-bom-no-cham-ky-vong-sucbat-cuoi-nam-1006817.html