Ngành hồ tiêu Việt Nam cần tập trung vào chế biến sâu

Ngày 23/8, tại thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) đã diễn ra Hội nghị phát triển hồ tiêu bền vững, đáp ứng yêu cầu các hiệp định thương mại tự do. Hội nghị được tổ chức với sự tham gia của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công Thương, lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ban, ngành các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước… cùng đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội sản xuất, chế biến hồ tiêu trong và ngoài nước. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh tham dự Hội nghị.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị

Theo Bộ NN&PTNT, những năm gần đây, diện tích hồ tiêu nước ta tăng nhanh. Năm 2001, cả nước có trên 35 nghìn ha thì đến năm 2010 tăng lên 51 nghìn ha. Diện tích sau đó tiếp tục tăng mạnh và đến năm 2019 vào khoảng 140 nghìn ha.

Cũng theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam đang là quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu khi chiếm trên 40% sản lượng và trên 60% thị phần hồ tiêu thế giới.

Việt Nam đang xuất khẩu tiêu đến 105 quốc gia, lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, Mỹ tiêu thụ số lượng lớn với khoảng gần 27 nghìn tấn. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu đạt con số kỷ lục 1,4 tỷ USD và 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu khoảng 463 triệu USD.

Theo ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), ngành sản xuất hồ tiêu của Việt Nam chưa bền vững do diện tích tăng nhanh, đặc biệt là tăng nóng ở những vùng không phù hợp.

Theo quy hoạch tại Quyết định số 1442/QĐ-BNN-TT năm 2014 của Bộ NN-PTNT, đến năm 2020 tầm nhìn 2030, diện tích hồ tiêu cả nước khoảng 50.000 ha. Tuy nhiên, đến nay, diện tích tiêu đã tăng lên 140.000 ha.

Toàn cảnh Hội nghị phát triển hồ tiêu bền vững

Một trong những nguyên nhân đe dọa sự phát triển bền vững cây tiêu là yếu tố dịch bệnh và công tác giống còn nhiều hạn chế. Trong đó, hồ tiêu bị chết nhanh, bệnh héo vàng, xoăn lá, thán thư hoặc các bệnh do vi rút, tuyến trùng hại rễ đang phổ biến và gây thiệt hại nặng cho sản xuất. Công tác về nghiên cứu, chọn giống mới, sản xuất hồ tiêu sạch bệnh, tuyển và công nhận cây đầu dòng, vườn đầu dòng chưa được các tỉnh quan tâm thực hiện.

Hiện nay, thị trường Mỹ và các nước EU kiểm soát chặt về dư lượng hóa chất trên hồ tiêu nên việc xuất khẩu nông sản này gặp nhiều thử thách. Về cơ bản, ngành hồ tiêu Việt Nam đang sản xuất chạy theo năng suất mà bỏ qua chất lượng và an toàn thực phẩm nên không đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu. Công nghệ chế biến chủ yếu chế biến thô, ít cơ sở chế biến có công nghệ hiện đại nên giá trị không cao.

Bà Hoàng Thị Liên, đại diện Hiệp hội Hồ tiêu thế giới cho biết Việt Nam là quốc gia có lợi thế về sản xuất hồ tiêu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều quốc gia khác đang “trỗi dậy” nên thị phần về nhóm hàng này của chúng ta ở thị trường thế giới đang giảm dần. Việt Nam cần có sự phát triển phù hợp, người nông dân cần sản xuất theo các tiêu chí sạch để chinh phục những thị trường khó tính như EU và các quốc gia khác.

Đại diện tỉnh Bình Phước cho biết tỉnh có thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Hiện nay, hồ tiêu được xác định là 1 trong 3 cây trồng chủ lực của tỉnh sau cao su và điều. Tỉnh này hiện có khoảng 17 nghìn ha tiêu và đã vượt quy hoạch dự kiến.

“Gần đây, 3 cây chủ lực đều khó khăn vì giá xuống sâu, kéo dài nhiều năm. Cây hồ tiêu rất khó khăn về giá, sản xuất tự phát, vốn lớn, sâu bệnh, nhân công ít.  Hiện nay liên kết được với một doanh nghiệp của Hà Lan với khoảng 2 nghìn ha. Chúng tôi hướng dẫn người dân chuyển đổi mô hình sản xuất để phù hợp với thị trường, xây dựng liên kết sản xuất và tiêu thụ. Nông dân gặp khó khi nợ ngân hàng ngắn hạn nên nông dân buộc phải bán tiêu với bất cứ giá nào để trả nợ. Điều này dẫn đến việc nhiều hộ rơi vào cảnh dễ bị phá sản", đại diện tỉnh Bình Phước cho biết.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh ngành hồ tiêu là ngành quan trọng của Việt Nam và có nhiều lợi thế. Với năng suất đứng số 1 thế giới, sức cạnh tranh vẫn còn rất lớn.

"Thời điểm này, có một số khó khăn, hạn chế, ảnh hưởng đến sản xuất, ảnh hưởng cuộc sống người dân, nhiều gia đình không còn vốn để đầu tư. Dịch bệnh và các rủi ro khác đều là hệ lụy của việc tăng nóng diện tích. Bộ đề nghị các địa phương cố gắng ổn định diện tích để cả nước có khoảng 100.000 ha. Đối với những diện tích cây bị bệnh, chết, kém hiệu quả thì không trồng lại và chuyển qua cây trồng khác như măng cụt, bơ, xoài…”, Thứ trưởng Doanh nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng, ngành hồ tiêu cần coi trọng chất lượng sản xuất, hướng đến mô hình hữu cơ. Thứ trưởng đề nghị Bộ Công thương phối hợp cùng Bộ NN&PTNT hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, chế biến hồ tiêu trong hoạt động để nâng cao giá trị cho sản phẩm. Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước cùng các Bộ, ngành về vấn đề hỗ trợ nông dân trong sản xuất.

Ban biên tập tổng hợp/https://www.mard.gov.vn/