Ngành lúa gạo Việt Nam đứng trước giờ G
- Chủ nhật - 02/04/2017 23:17
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cần một tầm nhìn mới cho hạt gạo
“…Xâm thực gạo của các nước vào Việt Nam mới đáng sợ... Đừng để gạo nước ngoài nằm đầy kệ với bao bì đẹp, quảng bá rất mạnh”, Thủ tướng Chính phủ đã bày tỏ và cảnh báo như vậy tại Hội nghị bàn giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL vừa qua.
Thủ tướng nhấn mạnh, ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước giờ G của công cuộc đổi mới, đòi hỏi một tư duy kiến tạo toàn diện từ nền tảng thể chế, chính sách, pháp luật đến cấu trúc vận hành, phương thức quản trị và công nghệ sản xuất.
Nền nông nghiệp nước ta vẫn dựa trên sản xuất nông hộ nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ lạc hậu, giá trị gia tăng thấp |
Ngành lúa gạo Việt Nam cần một tầm nhìn mới, đi kèm với hoạch định chiến lược, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa để hạt gạo Việt Nam đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng ở châu Á và thế giới. Từ đó, đem lại giá trị gia tăng tốt nhất cho người nông dân trồng lúa ở Việt Nam cũng như các DN làm lúa gạo.
Tầm nhìn ấy hướng tới việc Việt Nam sẽ không chỉ là một quốc gia xuất khẩu lúa gạo với kim ngạch hàng đầu thế giới, mà trong 10 - 20 năm tới, hạt gạo do người nông dân và DN Việt Nam sản xuất ra sẽ đem lại những giá trị gia tăng tốt nhất dựa trên việc đáp ứng một cách tinh tế các nhu cầu và tiêu chuẩn phổ quát về dinh dưỡng và dược liệu, góp phần củng cố danh tiếng của một trong những nền văn minh nông nghiệp lâu đời nhất thế giới.
Với tinh thần như thế, Thủ tướng đề nghị đổi mới ngành sản xuất lúa gạo bằng các giải pháp đột phá về thể chế, chính sách, cả mô hình phát triển.
Thể chế là một nút thắt quan trọng cần tháo gỡ để tạo động lực cho sự phát triển của nền nông nghiệp. Vấn đề này cũng vừa được các nhà khoa học, các nhà kinh tế và DN nêu lên tại Diễn đàn Nông nghiệp mùa xuân 2017 do Liên minh Nông nghiệp tổ chức tuần trước. Và đây chính là điểm nghẽn khiến sản xuất lúa gạo của Việt Nam có năng suất, giá trị gia tăng thấp, người nông dân vẫn “lấy công làm lãi”… như Báo cáo rà soát thể chế ngành lúa gạo mà Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương CIEM vừa công bố.
Bên cạnh đó, sản xuất lúa gạo của Việt Nam hiện vẫn trọng về lượng, mà chưa quan tâm đến chất. Vì thế, chúng ta vẫn duy trì 3,8 triệu ha diện tích đất trồng lúa, vẫn cứ cách làm một năm 2 vụ nhằm có sản lượng cao đang gây ra nhiều hệ lụy bất lợi cho nông nghiệp và nông dân - theo CIEM. Trong khi đó, lượng gạo tiêu thụ trong mỗi hộ gia đình trong nước, cũng trên thế giới lại đang giảm dần.
Hơn nữa nhu cầu đã thay đổi, “ngay chính người dân trong nước cũng đang chê gạo Việt Nam bởi phẩm cấp thấp, số gia đình mua gạo Thái Lan ngày một nhiều hơn… “, TS.Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM nhận xét.
Không vốn hóa được vì thể chế
Thể chế hiện nay với những quy định về sở hữu đất đai, về hạn điền đang khiến sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất lúa gạo nói riêng vừa nhỏ lẻ, manh mún, vừa phân tán. 80% số hộ sản xuất nông nghiệp có quy mô đất nông nghiệp nhỏ hơn 1ha/hộ, bình quân/hộ chỉ có từ 0,4 - 0,6 ha đất, song có từ 2-5 mảnh ruộng khác nhau. Quy mô nhỏ khiến khó cải thiện được năng suất và thu nhập của người nông dân.
Nhận thức được tác động tiêu cực của phân mảnh đất đai, từ năm 1998 Chính phủ đã có chính sách khuyến khích nông dân trao đổi tự nguyện dồn điển đổi thửa. Tuy cách này đã đem lại nhiều kết quả tích cực ở nhiều địa phương, nhưng ở không ít nơi lại gặp nhiều bất cập do thiếu qui hoạch, chậm cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Thể chế hiện nay vẫn chưa chấp nhận giá thị trường với đất đai, nhất là với đất nông nghiệp, vẫn duy trì khung giá đất do nhà nước (UBND ở địa phương) ban hành khiến cho đất đai không vốn hóa được, nền kinh tế mất đi hàng trăm tỷ USD.
Quy định thời hạn sử dụng 50 năm cũng khiến giá trị đất nông nghiệp giảm đi rất nhiều. Theo chính sách hiện hành, giá đất trồng lúa rất thấp, trung bình chỉ 49.500 đồng/m2, giá đất không trồng lúa trung bình 447.000 đồng/m2, giá đền bù thu hồi đất nông nghiệp thì còn thấp hơn nữa.
TS. Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN & PTNT) chỉ ra một thực tế, có mảnh ruộng giá giao dịch trên thị trường tới 1,2 tỷ đồng, nhưng theo khung giá UBND địa phương công bố chỉ 300 triệu, ngân hàng thẩm định chiểu theo quy định chỉ cho vay 70% giá trị tài sản thế chấp, vậy là người nông dân chỉ vay được 200 triệu. Như vậy 1 tỷ đồng không được vốn hóa.
“Thế là, với 16 triệu ha đất nông nghiệp không được tính đủ giá nền kinh tế mất đi hàng trăm tỷ USD vốn hóa, trong khi cả nền kinh tế thiếu vốn, nông dân thiếu vốn, DN thiếu vốn”, ông Thịnh nói.
Là một đất nước nông nghiệp, hơn 70% dân số đang sống ở nông thôn, 45% số lao động đang làm nông nghiệp, nhưng họ đang ngày một thua thiệt hơn, thu nhập thấp. Thế nên đã không ít người bỏ ruộng mà đi. Số người giàu lên từ nông nghiệp tuy đã có nhưng còn rất ít.
Trước thực tế đó, các nhà khoa học, các nhà kinh tế, các DN và chính người nông dân đã nêu lên hàng loạt chính sách cần phải sửa. Đó là sửa đổi quy định về quản lý sử dụng đất trồng lúa để loại bỏ một số khoản không cần thiết; sửa pháp luật về đất để nâng cao giá trị đất nông nghiệp, bỏ hạn điền, thúc đẩy tích tụ đất nông nghiệp, vốn hóa đất nông nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất; sử dụng hiệu quả đất lúa; phát triển thị trường đất nông nghiệp.
Cùng với đó, cần cho phép nông dân tự do lựa chọn chuyển đổi sang các cây trồng khác để nâng cao thu nhập; cần rỡ bỏ các rào cản hiện đang cản trở sự tham gia của các DN mới, DN nhỏ để mở rộng cơ hội xuất khẩu cho gạo Việt Nam, nhất là gạo đặc sản, chất lượng cao. Nhà nước nên chuyển hướng sang cung cấp thông tin thị trường và hỗ trợ thiết lập hiện diện thương mại của các DN xuất khẩu gạo ở các thị trường mục tiêu...
“Tinh thần là chúng ta sẽ sửa thể chế mạnh mẽ hơn, bãi bỏ những việc không cần thiết”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Linh Đan
http://thoibaonganhang.vn