Ngành nông nghiệp: Lấy thị trường làm "mệnh lệnh" sản xuất

Thu hoạch cá tra thương phẩm. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)
Ngày càng nhiều các biện pháp phòng vệ thương mại, rào cản kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu đưa ra với nông lâm thủy sản Việt Nam. Ngay cả các thị trường lớn, trọng điểm như Trung Quốc, Mỹ, EU… cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. 

Để đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra trong năm nay, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn nhấn mạnh, bên cạnh giải pháp bao trùm toàn ngành là cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến 2020, năm nay, giải pháp ổn định và mở rộng thị trường xuất khẩu là quan trọng nhất. 

Thách thức đan xen 

Thời tiết đang có những diễn biến thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Dự kiến sản lượng lúa và các loại cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả tăng cao. Sản xuất thủy sản lợi cả về ngư trường và giá đem lại nguồn thu lớn cho người dân… 

[VASEP: 'Cánh cửa' sang thị trường Mỹ vẫn mở với cá tra Việt Nam]

Tuy nhiên, có thể nhận thấy ngay nhiều thách thức đang xảy ra đối với mặt hàng hiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của ngành là thủy sản. Đó là mức thuế chống bán phá giá mà Mỹ mới đưa ra đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh xuất khẩu của Việt Nam cao nhất từ trước đến nay. 

Trước việc xuất khẩu cá tra sang EU vẫn giảm mạnh và xuất khẩu sang Mỹ gặp khó, các doanh nghiệp đã tích cực mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác. Chẳng hạn, xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng 42% trong quý I/2018 và thị trường này đã vượt Mỹ trở thành nhà nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. 

Tuy nhiên, đây lại là thị trường luôn tiềm ẩn một số rủi ro cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm thủy sản, có thể dẫn đến sự canh tranh không công bằng và gây bất ổn định về nguồn nguyên liệu. 

Với hải sản, Ủy ban Châu Âu (EC) đưa ra cảnh báo “thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Việt Nam. Những yếu tố trên có thể vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong thời gian tới. 

EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 trong số 5 thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam đã có những quy định ngặt nghèo về kiểm soát gỗ hợp pháp nhập khẩu. Trong khi Việt Nam mới kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Tự nguyện về thực thi luật, quản trị rừng và thương mại gỗ và sản phẩm gỗ (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và EU. 

Việc truy xuất nguồn gốc gỗ và những trách nhiệm xã hội hiện nay có thể gây nên những vướng mắc lớn cho doanh nghiệp. Bởi từ trước đến nay, các doanh nghiệp chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam chỉ tập trung vào việc sản xuất tại xưởng mà chưa chú ý đến quy trình quản lý, kiểm soát nguồn gốc và tính hợp pháp của nguyên liệu. 

Với mục tiêu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt khoảng 9 tỷ USD, theo đó ngành chế biến gỗ cần thêm khoảng 4 triệu m3 gỗ nguyên liệu quy tròn so với năm 2017. Đây là khó khăn về khả năng đáp ứng gỗ nguyên liệu phục vụ chế biến và sản xuất sản phẩm gỗ. 

Với các nông sản khác như: cà phê, chè, hồ tiêu, điều.... những yêu cầu về kiểm dịch, tiêu chuẩn chất lượng từ các thị trường nhập khẩu lớn đưa ra cũng ngày một khắt khe hơn. Đặc biệt, trong quý I/2018, các mặt hàng như cà phê, cao su, chè và tiêu có sự giảm nhẹ về giá trị xuất khẩu so với cùng kỳ. 

Gỡ từng nút thắt 

Với cảnh báo “thẻ vàng” của EU, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, nghề khai thác hải sản phải lấy thị trường làm “mệnh lệnh sản xuất.” Phải nhận diện được nhu cầu cũng như nghiên cứu để chế biến các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, từ đó tổ chức lại hoạt động khai thác. 

Tập trung gỡ “thẻ vàng,” các địa phương ven biển phải tuyên truyền, tập huấn, kiểm tra, kiểm soát chủ tàu và ngư dân về khai báo, truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác, đồng thời rà soát toàn bộ các nội dung theo khuyến nghị của EC. "Thẻ vàng" là thách thức, nhưng khi khắc phục sẽ tạo ra hiệu ứng tốt cho xuất khẩu thủy sản, Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Chế biến tôm xuất khẩu. (Ảnh: Kim Há/TTXVN)

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu nếu tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do với EU (dự kiến hiệu lực từ tháng 6/2018) và với Hàn Quốc. Đồng thời, mở rộng và chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng khác. 

Để sớm có “giấy thông hành” cho lâm sản, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, Tổng cục sẽ đẩy nhanh việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định VPA/FLEGT với EU, tiến hành đàm phán về gỗ hợp pháp với Australia và Hàn Quốc để hai bên công nhận lẫn nhau, ký kết Biên bản ghi nhớ với Nga về thúc đẩy thị trường xuất nhập khẩu. 

Thực thi những cam kết trên, ngành lâm nghiệp sẽ khẩn trương xây dựng và vận hành Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (VNTLAS) với trọng tâm là phân loại doanh nghiệp để tiến hành xác minh xuất khẩu, hỗ trợ các doanh nghiệp đáp ứng quy định về gỗ hợp pháp ở các thị trường xuất khẩu có quy định nghiêm ngặt về giải trình nguồn gốc. 

Vụ lúa Đông Xuân 2017-2018 ở các tỉnh Nam Bộ đã thắng lợi, sản phẩm tiêu thụ tốt, nông dân thu lãi từ 30-50%. Để vụ Hè Thu tiếp tục giành thắng lợi, Cục Trồng trọt đã chỉ đạo các địa phương trong vùng phải đảm bảo đúng thời vụ, tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, tăng tỷ lệ giống chất lượng, sản xuất an toàn nhằm đáp ứng thị trường tiêu thụ. 

Cùng với đó là đẩy mạnh liên kết, phối hợp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo hiệu quả theo chuỗi. Hình thành nhiều vùng chuyên canh quy mô lớn, có liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và hợp tác xã để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng lợi nhuận cho người dân. 

Với các nông sản chính khác như cà phê, chè, tiêu, ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, ngành đã có đề án tái canh, đề án phát triển sản phẩm quốc gia cà phê để phát triển ngành cà phê. Cùng với đó là đẩy mạnh việc xây dựng liên kết, hoàn thiện chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu với mục tiêu 50% doanh nghiệp đầu ngành sẽ gắn với thương hiệu cà phê Việt Nam. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đang tập trung xây dựng thương hiệu chè để thay đổi và thâm nhập vào phân khúc lớn hơn. Mặt hàng tiêu sẽ tập trung vào nâng cao cạnh tranh, đẩy mạnh chế biến, xây dựng thương hiệu, bằng cách xây dựng các mô hình liên kết từ nông dân, tạo nguồn nguyên liệu khi đưa vào chế biến chất lượng hơn và gia tăng giá trị trong thời gian tới. 

Năm nay, việc khởi công và đi vào vận hành hàng loạt các nhà máy chế biến rau, quả, thịt lợn với quy mô lớn và công nghệ tiên tiến sẽ giúp tiêu thụ sản phẩm ổn định, tạo động lực để người chăn nuôi phát triển sản xuất. Điển hình kể đến như một số nhà máy chế biến thịt lợn với quy trình và công nghệ cao tại Hà Nam của Công ty Biển Đông, tại Nam Định của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan, nhà máy mới của Tập đoàn DABACO, C.P. Việt Nam; Trung tâm chế biến rau quả DOVECO của Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao; Nhà máy chế biến rau, củ quả tại Sơn La và Long An của Công ty cổ phần Nafoods Group… 

Định hướng cho sản xuất, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, các đơn vị phải nâng cao chất lượng thu thập, phân tích thông tin, dự báo thị trường, đặc biệt là những thị trường trọng điểm như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, EU, Trung Quốc…; kịp thời cảnh báo các quy định về rào cản, vấn đề phát sinh có thể gặp đối với hàng xuất khẩu. 

Bên cạnh đó, triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế, đàm phán và ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau trong kiểm dịch, bảo vệ thực vật và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp về pháp lý trong tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế./. 
Theo BÍCH HỒNG (TTXVN)
Nguồn: vietnamplus.vn