Nghệ An: Giữa cơn 'bão giá', lợn bản vẫn đắt hàng
- Thứ hai - 15/05/2017 05:00
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Dịp cuối tuần hay ngày lễ được cho là "dịp làm ăn" của những người cung cấp các đặc sản miền núi. Anh Nguyễn Văn Vĩnh chuyên kinh doanh hàng đặc sản vùng cao ở thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết đó là lúc anh nhận được nhiều cuộc gọi đặt hàng nhất. Khách mua thường là cán bộ, viên chức, giáo viên trên địa bàn và các huyện lân cận.
Cũng theo anh Vĩnh, đã sang hè, đi du lịch, dã ngoại đến các các khe suối, thác nước đang trở thành xu thế mới của giới công chức và những người có thu nhập khá ở địa bàn miền núi. Trong những chuyến đi như thế, họ thường mang theo một con lợn “cắp nách” cân nặng trên 10kg làm mồi nhậu.
Nhờ nắm bắt được trào lưu đó và chịu khó bắt quen với những đối tượng khách hàng này nên đàn lợn anh mua về từ các làng bản ở huyện biên giới Kỳ Sơn bán khá chạy. “Riêng dịp lễ 30/4 và 1/5 vừa rồi, mỗi ngày mình bán được gần 10 con lợn, giá lợn hơi 100.000 đồng/kg", anh Vĩnh khoe.
Lợn “đeo gông”, một kiểu chăn nuôi làm nên đặc sản lợn bản nhưng lại thường khan hiếm vì chỉ được nuôi với số lượng ít. Ảnh: Hồ Phương
Cũng như địa bàn huyện Kỳ Sơn, tại huyện Quế Phong, giá lợn bản vẫn cao gấp 3 – 4 lần giá lợn thường. Mỗi con lợn có trọng lượng từ 10 – 20kg có giá 110.000đ/1kg. Còn lợn trọng lượng trên 50kg cũng có giá 60.000 đồng/kg, gấp 2 lần so với giá lợn thường.
Theo anh Nguyễn Hùng Cường, một người chuyên kinh doanh các mặt hàng đặc sản miền núi trên địa bàn huyện Quế Phong, mỗi tuần anh nhận được khoảng từ 15 – 20 cuộc gọi đặt mua lợn bản. Khách hàng chủ yếu là đến từ các địa bàn miền xuôi và TP Vinh.
Lợn bản được chăn nuôi từ nguồn thức ăn tự nhiên. Ảnh: Hữu Vi
Theo anh Cường thì việc chăn nuôi theo kiểu quảng canh và thả rông làm nên đặc sản lợn bản với những đặc tính là thịt săn chắc, thơm ngon, không phải lo ngại dư lượng kháng sinh trong thịt… Tuy nhiên, hình thức chăn nuôi này cũng khiến cho việc đảm bảo một số lượng lớn để cung cấp cho thị trường là điều rất khó.
Một điều nữa khiến những người kinh doanh đặc sản vùng cao lo ngại là lợn bản "giả”. Ngoài những chiêu thức như nhuộm đen, cấy thêm lông cho giống với lợn rừng thì ngày nay không ít người nhập lợn con từ miền xuôi sau đó nuôi thả rông trong một thời gian ngắn rồi đem bán, vì vậy người tiêu dùng cần cẩn trọng./.
Hữu Vi – Hồ Phương
Nguồn tin: Báo Nghệ An