Nghệ An: Nghịch lý cung - cầu của nông sản sạch
- Thứ ba - 04/10/2016 23:14
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đau đầu thực phẩm “bẩn”
Qua khảo sát thăm dò, có trên 50% người dân được hỏi cho biết: Họ không tin tưởng vào các mặt hàng thực phẩm hiện có trên thị trường. Dù không tin nhưng vẫn phải dùng hàng ngày bởi không có sự lựa chọn nào khác.
Chợ Vinh là một trong những chợ đầu mối lớn nhất về cung cấp nông sản tại Nghệ An, ở đây không chỉ cung cấp hàng cho thành phố mà còn cho cả tỉnh và tỉnh lân cận như Hà Tĩnh. Qua tìm hiểu của phóng viên, ngay từ nửa đêm, các xe tải chở rau, củ, quả từ các tỉnh, thành trong Nam ngoài Bắc ùn ùn kéo về đổ hàng. Tờ mờ sáng, các tiểu thương tập trung về đây để mua hàng sau đó phân phối đi khắp nơi. Phần lớn nông sản ở đây đều không qua kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Rất nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là các loại hoa quả được đóng trong các thùng giấy có in chữ Trung Quốc tràn lan.
Số liệu thống kê cho thấy, trong gần 2 tháng từ 5/6 - 2/8, Công an Nghệ An đã phát hiện, bắt giữ 141 vụ, 141 đối tượng có hành vi vi phạm trong lĩnh vực đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thu 14,6 tấn sản phẩm động vật, 27,2 tấn cá, 37 tấn măng, 42.425 con gia cầm, 31.000 quả trứng gia cầm, 402 con gia súc…
Ngày 6/6/2016, TP. Vinh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra mặt hàng rau củ quả từ các tỉnh, thành chuyển về chợ Vinh. Sau quá trình kiểm tra, thử nghiệm 6 mặt hàng gồm rau cải, táo Trung Quốc, hành và các loại tỏi, đã phát hiện 5 mẫu dương tính vì tồn dư các loại thuốc bảo quản hoặc thuốc bảo vệ thực vật.
Một cửa hàng nông sản sạch trên đường Hồng Bàng - TP. Vinh |
Nông sản sạch vẫn “bí” đầu ra
Nhu cầu nông sản, thực phẩm “sạch” trong dân rất lớn nhưng các điểm, cơ sở bán nông sản, thực phẩm này lại rất ít và phần lớn tập trung ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong thành phố. Trong khi đó, về phía nhà sản xuất, ngoài một số mô hình, hợp tác xã, sản xuất theo mô hình VietGap tìm được đầu ra ổn định do liên kết được với đơn vị tiêu thụ thì phần lớn các cơ sở sản xuất nông sản “sạch” đều gặp khó khăn về đầu ra.
Ông Hoàng Ngọc Thủy, Trưởng Phòng Kinh tế Thị xã Hoàng Mai - Nghệ An, một trong những địa phương có vựa rau lớn của cả tỉnh cho rằng: “Ý thức về sử dụng nông sản sạch đã có sự chuyển biến mạnh trong dân. Nhưng để đáp ứng nhu cầu sử dụng nông sản sạch của người dân, thì không dễ. Thời gian gần đây, các ngành chức năng và huyện đã hướng bà con theo mô hình VietGap nhưng còn lắm gian nan…”. Còn đơn vị tiêu thụ lâu nay chỉ lo tập trung cung ứng cho các công ty, siêu thị hay xuất khẩu với số lượng có giới hạn mà quên đi thị trường bán lẻ ở nông thôn.
Ông Hồ Mậu Tuấn, xóm 1, xã Quỳnh Minh (Quỳnh Lưu), đại diện các hộ dân trồng rau sạch nêu băn khoăn “Rau an toàn có mẫu mã xấu hơn rau bình thường nên người tiêu dùng không mấy sử dụng. Hơn nữa quy trình trồng lại khắt khe, mất nhiều công chăm sóc, thời gian thu hoạch lâu hơn trồng các loại rau khác nên giá thành cao hơn sản phẩm trồng theo phương pháp truyền thống. Do đó, không thu hút người nông dân sản xuất rau an toàn…”.
Có cùng quan điểm với ông Tuấn, bà Hồ Thị Thủy - Trưởng ban khuyến nông xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Lưu cho rằng trồng rau sạch đã khó tìm đầu ra lại cũng khó khăn khi giá cả phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường, lúc lên lúc xuống, “được mùa mất giá, được giá thì lại mất mùa”. Bà Thủy đề nghị tạo một trang web về sản phẩm rau an toàn có thương hiệu để rau sạch Quỳnh Minh vươn xa hơn nữa trong thị trường và đảm bảo giá cả cho bà con yên tâm sản xuất.
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An thời gian qua đã hình thành một số mô hình cung cấp nông sản an toàn, được Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm và thường xuyên giám sát như: Mô hình sản xuất nấm theo tiêu chuẩn VietGap ở huyện Yên Thành; mô hình trồng rau sạch tại xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu; mô hình trồng cam ở xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp… Đáng mừng là các mô hình này đều đã có cơ sở phân phối hoặc các đại lý tại TP. Vinh.
Đẩy mạnh triển khai sản xuất nông sản theo hướng an toàn là hướng đi cần thiết nhưng cần gắn kết thật tốt khâu sản xuất với tiêu thụ trên cơ sở thúc đẩy và phát triển mạnh mạng lưới bán lẻ cung ứng nông sản, thực phẩm “sạch” từ thành thị đến nông thôn. Tất cả đồng lòng hành động với mục tiêu loại bỏ các sản phẩm không rõ nguồn gốc, sản phẩm "bẩn" ra khỏi bữa cơm gia đình.