Theo dự báo của Bộ Công Thương, nhu cầu NK TĂCN sẽ tiếp tục tăng manh, khả năng chi cho NK trong năm 2018 sẽ vào khoảng 3,8 đến 3,9 tỷ USD, trong đó NK chủ yếu sẽ là đậu tương và ngô. Các chuyên gia cho rằng, biện pháp lâu dài và bền vững, Việt Nam sẽ phải hình thành các vùng chuyên nguyên liệu như ngô, đậu tương để có thể phục vụ cho sản xuất TĂCN…
Nghịch lý thị trường thức ăn chăn nuôi
- Chủ nhật - 30/09/2018 11:04
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
8 tháng, nhập khẩu hơn 2,5 tỷ USD
Số liệu thống kê được Tổng cục Hải quan công bố mới đây cho thấy, trong tháng 8, NK TĂCN và nguyên liệu TĂCN đạt 302 triệu USD, tăng 30,08% so với tháng 7 và tăng gần 31% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu NK khiến giá TĂCN luôn cao hơn khoảng 25 - 30% so với các nước trong khu vực
Lý giải vì sao Việt Nam là một nước nông nghiệp nhưng vẫn phải NK nhiều một số loại phụ gia để sản xuất TĂCN như đậu tương, ngô…, ông Nguyễn Như So – Phó Chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco Việt Nam cho biết, Việt Nam không có thế mạnh về trồng đậu tương hay ngô. Mỗi năm chúng ta chỉ sản xuất được 150.000 tấn đậu tương chỉ đủ làm thực phẩm phục vụ người tiêu dùng trong nước.
Còn với ngô, hiện Việt Nam chỉ sản xuất được khoảng 3 triệu tấn, bởi vậy vẫn phải nhập thêm khoảng 50% để làm nguyên liệu sản xuất TĂCN. “Theo tôi, chúng ta không cần phải mở rộng diện tích trồng đậu tương hay ngô, mà dành quỹ đất đó trồng những loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn như cây dược liệu, hoa quả…, bởi giá NK đậu tương và ngô rẻ hơn rất nhiều…” – ông So nói.
Trong khi đó, nhiều chủ trang trại, người dân cho rằng, do phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu NK nên người chăn nuôi chỉ lấy công làm lãi, bao nhiêu lợi nhuận đều rơi vào tay các doanh nghiệp (DN) NK và chế biến TĂCN, đặc biệt là các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Có thể thấy, nhiều năm qua, quỹ đất ở nước ta vẫn chủ yếu dành cho trồng lúa, cà phê, cao su, ca cao, hồ tiêu… khiến đất trồng cây TĂCN ngày một thu hẹp, khiến người dân không tham gia vào chuỗi cung ứng TĂCN.
Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm không đạt chỉ tiêu, bất ổn, nhưng giá thành lại cao hơn so với NK nên các DN sản xuất TĂCN đã không mua sản phẩm của nông dân mà quyết định NK…
Doanh nghiệp nội lép vế
Số liệu báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, nếu như cách đây gần 10 năm, sản lượng thức ăn công nghiệp cho gia súc, gia cầm chỉ đạt trên 10 triệu tấn, thì đến năm 2018 đã đạt gần 24 triệu tấn. Những con số trên cho thấy, tiềm năng của thị trường TĂCN ở Việt Nam vẫn còn rất màu mỡ, nhưng “mảnh đất” này đang thuộc về các DN FDI. Bởi hiện nay, cả nước có gần 220 DN (147 nội và 71 ngoại) đang sản xuất TĂCN với công suất gần 29.000 tấn/năm.
Tuy có số DN đông hơn gấp đôi, nhưng công suất sản xuất của DN nội chỉ đạt gần 12,5 tấn; trong khi số DN FDI lại chiếm 65 - 70% tổng sản lượng TĂCN sản xuất ra. Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, hàng loạt DN FDI đã khánh thành nhiều nhà máy mới với tổng mức đầu tư hàng trăm triệu USD.
Trước sự đầu tư mạnh mẽ của các DN FDI, thời gian qua các DN nội cũng đã có những bước tiến đáng kể nhằm lấy lại “thế cân bằng”. Cụ thể như các tập đoàn lớn là Hòa Phát, Vingroup, Massan… đã đầu tư khá nhiều trong lĩnh vực TĂCN, tuy nhiên xem ra vẫn khá “yếu thế”. Ông Nguyễn Như So cho rằng, hiện rất khó cạnh tranh được với các DN ngoại, vì họ có cách làm rất bài bản, chuyên nghiệp, cũng như sự vượt trội về tài chính nên họ chiếm lĩnh thị trường là điều cũng dễ hiểu.
Để có thể hạn chế sự độc quyền trên thị trường TĂCN đối với các DN FDI, theo ông So cần phải có sự cạnh tranh về giá. Đồng thời, Nhà nước cũng cần có những chính sách ưu đãi đối với DN nội vay vốn để có thể đầu tư vào vùng nguyên liệu, từ đó sẽ thu hút được các nhà đầu tư, nghiên cứu, sản xuất TĂCN. Tuy nhiên, đối với các DN sản xuất TĂCN nội, cũng cần phải xây dựng chiến lược trong sản xuất nhằm chủ động hơn với nguồn nguyên liệu…
|
Nguồn: nguoichannuoi.vn