Người nuôi chim cút lao đao

Hiện tổng đàn chim cút của Đồng Nai còn chưa đến 4 triệu con, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng nông dân bỏ nghề nuôi chim cút đã diễn ra cả năm qua và hiện vẫn không ít người phải bán đổ bán tháo chuồng trại chuyển sang nghề khác vì liên tục thua lỗ.

nuoi-chim-cut

Người nuôi cút đang gặp khó khăn vì giá trứng cút giảm mạnh suốt thời gian dài. Trong ảnh: Một trại nuôi cút đẻ tại xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom).

Nguyên nhân chính là do trứng cút rớt giá trong suốt một thời gian dài và hiện vẫn đang đứng ở mức khá thấp, trong khi từ đầu năm đến nay giá thức ăn chăn nuôi lại liên tục tăng.

 

Giảm đàn mạnh

Theo nhiều người nuôi cút, thời gian qua không ít nông dân thua lỗ không chỉ do vấn đề đầu ra mà còn là hệ lụy của việc phát triển đàn cút ồ ạt theo phong trào trước đó. Đây cũng là nguyên nhân nhiều trại cút bị lây lan dịch bệnh, mất đàn nên hiện người nuôi cút đang di dời đàn ra khỏi khu dân cư.

Nuôi cút lấy trứng từng cho lợi nhuận cao nên thu hút khá đông người nuôi. Nhiều đại lý thức ăn chăn nuôi xây dựng được cả mạng lưới vệ tinh nuôi cút, sẵn sàng đầu tư một phần vốn, thức ăn và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Nhưng khoảng hơn 2 năm trở lại đây, giá trứng cút liên tục ở mức thấp, đầu ra ngày càng bấp bênh khiến người nuôi đua nhau bỏ đàn vì thua lỗ. Ông Dương Thanh Tiến, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Thống Nhất, so sánh: “Chỉ tính từ đầu năm đến nay, sản lượng nuôi chim cút của huyện giảm khoảng 30% so với năm ngoái nên tổng đàn cút của huyện hiện chỉ còn khoảng 1,4 triệu con. Người nuôi cút hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ của dòng hàng này chưa khởi sắc”.

Ông Đặng Văn Hòa, chủ đại lý bán thức ăn chăn nuôi tại xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom), nhận xét: “Trước đây vùng này nhà nhà đều nuôi cút. Hoạt động thu mua trứng nhộn nhịp quanh năm, nhưng hiện số hộ nuôi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều đại lý cám cũng bỏ mặt hàng này ra khỏi danh mục kinh doanh. Vì mất đàn cút, không chỉ nông dân mà các đại lý bán thức ăn chăn nuôi cũng điêu đứng theo do bán cám cho nông dân rồi không thu hồi vốn được vì người nuôi thua lỗ nặng”.

 

Dời đàn khỏi khu dân cư

Phân tích nguyên nhân việc tổng đàn cút tại địa phương giảm mạnh, ông Bùi Ngọc Thảo, Chủ tịch UBND xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom), cho biết: “Trước đây, địa phương có tổng đàn cút trên 400 ngàn con thì nay giảm chỉ còn 150 ngàn con. Công nghiệp phát triển, nhiều hộ nuôi cút giờ đã chuyển nghề, lấy đất trại xây nhà trọ cho công nhân của các nhà máy, công ty.  Thời gian qua, địa phương không khuyến khích việc nuôi gia cầm trong khu dân cư nên những trại nào còn nuôi cũng đều di dời về khu vực vùng sâu có dân cư thưa thớt”.

Tuy gặp rất nhiều khó khăn, nhưng theo những nông dân vẫn giữ đàn cút thì vật nuôi này có thể cho lợi nhuận tốt nếu đầu tư đúng hướng. Bà Phạm Thị Bích Sen, người nuôi chim cút tại xã Gia Canh (huyện Định Quán), chia sẻ: “Từ chuyên nuôi cút đẻ, tôi nuôi thêm cút thịt vì cút thịt hiện đang bán được với giá khá cao, đầu ra cũng ổn định hơn. Bên cạnh đó, tôi cũng làm thêm vài chuồng nuôi cá sấu và tận dụng nguồn cút chết, cút loại thải làm thức ăn để tiết kiệm chi phí”.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thọ, chủ cơ sở ấp và cung cấp cút giống tại xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom), cho rằng: “Mặc dù nghề nuôi cút đang trong giai đoạn thử thách, nhưng nhu cầu mua con giống vẫn rất lớn. Nhiều người nuôi bỏ trại nhưng cũng vẫn có người lập trại mới”. Theo ông Thọ, nguyên nhân chính của việc người nuôi bỏ đàn là do tình trạng nuôi tự phát ồ ạt vào giai đoạn chim cút cho lợi nhuận cao. Hàng loạt trại cút mở san sát nhau trong khu dân cư nên dịch bệnh dễ bùng phát, lây lan trên phạm vi rộng khiến nhiều hộ mất cả đàn cút đang cho thu hoạch. Nhiều chủ trại di dời về các khu vực xa khu dân cư, đầu tư nuôi với quy mô lớn, nắm vững về kỹ thuật thì vẫn đạt lợi nhuận cao.

 
 

Bình Nguyên

Nguồn: Báo Đồng Nai