Người tiêu dùng 'ăn quả đắng' với nhãn 'đội lốt' Hưng Yên
- Thứ sáu - 28/07/2017 03:07
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tại các chợ, các phố đông người qua lại những ngày này, không khó để bắt gặp những gánh hàng rong bán hoa quả, nhất là nhãn.
Câu cửa miệng mời khách của những người bán hàng này luôn là “Nhãn lồng không em ơi? Nhãn chị lồng “xịn” đấy!?”.
Gánh hàng rong những ngày này thường xuyên có mẹt nhãn, được quảng cáo là nhãn Hưng Yên. |
Nhưng thực tế lại không phải vậy, bởi theo anh Nguyễn Khắc Thọ, một người trồng nhãn mấy chục năm nay ở xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ, Hưng Yên: “Mùa nhãn bắt đầu từ tháng 6 âm lịch đến hết tháng 7 âm lịch. Nhưng nhãn lồng chuẩn gần như không bán lẻ ven đường bao giờ. Lúc cây nhãn lồng vừa ra hoa, lập tức thương lái sẽ đến mua cả cây. Cây nào sai hoa thì giá cao, ít hoa thì giá thấp, bét nhất cũng 15 triệu đồng/cây.”
“Số lượng đã rất hạn chế, năm nay nhãn còn mất mùa, nhiều khi mua từ lúc ra hoa mà vẫn có cây không đậu quả nào, may mắn mua được cây sai quả thì trúng to. Nhưng đa phần người ta mua nhãn lồng về biếu là chính chứ ít khi đem bán vì số lượng còn quá ít”, anh Thọ cho biết.
Cây nhãn lồng ở bờ hồ phố Hiến thành phố Hưng Yên cũng chẳng ra quả do mất mùa. |
Về việc nhãn lồng mạo danh đang được bán tràn lan khắp nơi, anh Thọ cho biết: “Hiện giờ nhãn Hưng Yên đã vào vụ được khoảng 2 tuần, có khá nhiều giống nhãn ngon như nhãn Hương Chi,.. nhưng để dễ bán và được giá thì người bán vẫn cứ nói đó là nhãn lồng.”
“Nhưng với giá dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/kg như hiện nay thì chắc chắn đấy không phải là nhãn lồng xịn. Chưa kể tới việc đang đầu mùa, nhãn lồng chính hiệu rất ít và khó mua”, anh Thọ nói.
Nếu có hàng, anh Thọ nhẩm tính: “Đầu mùa, nhãn lồng sốt giá, có thể lên tới 300.000 đồng/kg là chuyện bình thường. Nhưng khi vào chính vụ, sẽ có nhiều loại nhãn ngon không kém gì nhãn lồng nên độ “hot” cũng giảm, giá sẽ hạ còn 200.000 đồng/kg.
“Cuối mùa, khi dân tình đã ngấy nhãn rồi thì chỉ còn khoảng 100.000 đồng/kg. Lúc này còn nhãn là bởi có cây ra quả muộn. Bàn về giá là thế, nhưng số lượng bán lẻ cũng cực ít, mà chủ yếu chỉ làm quà biếu”, anh Thọ cho biết thêm.
Theo anh Thọ: “Nhận biết với nhãn Hưng Yên hoặc nhãn ngon cũng khá đơn giản. Chỉ cần sờ vào vỏ, thấy nhãn sần sùi như sờ vào giấy nhám là nhãn chuẩn".
Cây nhãn tổ |
Năm nay, thời tiết không ủng hộ, cả vải và nhãn đều không cho năng suất cao như mọi năm. Nguyên nhân là do ra hoa đúng đợt mưa phùn sau Tết nên không thụ phấn được. Hoa rụng và thối gần hết. Nhiều nhà còn mất trắng cả vườn không có quả nào.
Nhà anh Thọ có 10 gốc nhãn, mọi năm cũng phải cho thu hoạch 500 kg nhãn. Nhưng năm nay chỉ có đúng 1 gốc ra quả, may thay, gốc này lại được 300 kg, đây được xem là kỷ lục hiếm thấy trong xã.
Cây nhãn cho thu hoạch 300 kg. |
Giống nhãn Hương Chi này là giống lai tạo được trồng khá nhiều ở Phù Cừ, Hưng Yên. Chất lượng cũng ở mức khá nên giá 2 năm nay đều giữ 50.000 – 60.000 đồng/kg.
Gặp 1 tiểu thương bán hàng rong nhãn trên phố Xã Đàn, chị này niềm nở bóc một quả nhãn đưa PV ăn và nói: “Nhãn lồng Hưng Yên 40.000 đồng/kg, đảm bảo thơm ngon. Em lấy 2 kg chị bớt 10.000 đồng.”
Tuy nhiên, khi PV hỏi: “Chị có chắc đây là nhãn lồng không, em người Hưng Yên đây!” thì người bán ấp úng: “Em cứ yên tâm, ăn không ngon mang đây chị trả tiền" và không hề đả động gì tới nguồn gốc của nhãn nữa.
Phỏng vấn anh Trần Đức Giang, một khách cũng vừa mua nhãn tại hàng này, anh cho biết: “Nhãn cũng khá ngọt, cùi cũng tương đối dày nhưng có phải là nhãn lồng hay không thì người mua thực sự không thể phân biệt được.”
“Hiện nay có khá nhiều loại nhãn ngon, chỉ cần ăn thử thấy ngon và không phải hàng ngâm tẩm hóa chất để giữ độ tươi ngon, thì rất nhiều người sẵn sàng bỏ tiền ra mua, chứ không nhất thiết cứ phải là nhãn lồng mới mua.”, anh Giang cho biết thêm.
Theo VNN