Người trồng lúa thơm vui vì có lãi

Người trồng lúa thơm vui vì có lãi
Trong khi lúa gạo loại thường vụ hè thu đang được bán với giá thấp, không có người mua, nông dân lỗ hoặc mất lời thì các loại lúa gạo thơm lại đang hút hàng, giá cao nên người trồng có lời đáng kể.


Trồng lúa thơm lãi 20 triệu đồng/ha

Vụ hè thu 2013 ở ĐBSCL mặc dù đang có chương trình tạm trữ nhưng giá lúa gạo vẫn rất thấp và không có người mua. Ngày 9.7, anh Nguyễn Văn Hai ở huyện Thoại Sơn, An Giang cho phóng viên biết anh đang rầu “thúi ruột” vì 1,2ha lúa IR 50404 nhà anh thu hoạch đã hơn tuần nay mà chưa thấy thương lái nào đến mua: “Năm nay mưa nhiều làm lúa bị gãy đổ, năng suất và chất lượng lúa giảm nên thương lái chê. Trước khi thu hoạch có một thương lái kêu sẽ mua giá 3.700 đồng/kg, dù biết lỗ nhưng thấy tình hình khó quá cả nhà cũng bấm bụng bán nhưng cả tuần nay thương lái này cũng lặn mất tăm”.

Trong khi lúa thường giá bán thấp thì các loại lúa thơm lại luôn có giá cao, nông dân lời nhiều.

Trong khi đó, anh Huỳnh Văn Sơn ở Thạnh Hóa, Long An lại trúng lớn khi vụ này anh chuyển qua trồng các loại lúa thơm và nếp. “Thấy tình hình bấp bênh quá, đọc báo thấy chuyên gia khuyên nông dân nên trồng lúa chất lượng cao vụ hè thu nên tôi nghe theo. Nhiều nhà xung quanh đã thu hoạch, nếp bán được giá 6.200 đồng/kg tươi, thương lái đặt cọc từ sớm, tới tận ruộng mua. Sau khi trừ các chi phí, còn lời hơn 20 triệu đồng/ha. Nhà tôi còn hơn tuần nữa mới thu hoạch mà giá ngày hôm qua lại tăng thêm 300 – 400 đồng/kg nên cả nhà ai cũng phấn khởi” – anh Sơn vui vẻ.

Anh Sơn cho biết, ở Long An có doanh nghiệp tư nhân Dương Vũ đang cần mua đến 200.000 tấn nếp để xuất khẩu qua các nước Trung Đông. “Với mức này, theo Sở NNPTNT tỉnh Long An thì cần phải có tới 60.000 – 70.000ha đất trồng nếp mới cung ứng đủ. Chính vì thế sở đang khuyến khích nông dân trên địa bàn trồng vì đã có đầu ra, nên tôi tính vụ thu đông tới vẫn tiếp tục trồng nếp” – anh Sơn cho hay.

Ông Trần Thanh Văn - Phó Giám đốc Công ty Gentraco (Cần Thơ) cho biết, do các loại lúa, gạo thơm vụ đông xuân trong dân lẫn kho của doanh nghiệp (DN) đã hết nên doanh nghiệp đang lùng mua ở vụ hè thu. Do hút hàng nên giá thu mua các loại lúa thơm được đẩy lên rất cao. So với hơn 10 ngày trước thì giá lúa khô Jasmine được Công ty Gentraco thu mua tại kho DN trong ngày 9.7 đã tăng 700 đồng/kg, lên mức 6.900 – 7.000 đồng/kg, gạo nguyên liệu là 10.700 đồng/kg. Các loại thơm nhẹ như OM 4900, 4218 cũng đã tăng 400 – 500 đồng/kg, lên mức 6.400 – 6.500 đồng/kg lúa khô và 9.500 – 9.700 đồng/kg gạo nguyên liệu. Với mức giá này thì nông dân đã lời trên 1.000 đồng/kg.

Thị trường gạo thơm tăng

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong gần 3,5 triệu tấn gạo xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2013 thì gạo thơm, nếp chiếm khoảng 13%, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2012 do nhu cầu thị trường tăng và nông dân cũng tăng sản lượng trồng trọt. Đây là một bước tiến đáng kể trong việc chuyển đổi giống, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm cho hạt gạo Việt Nam.

Lúa tăng giá

Theo nông dân và thương lái các tỉnh ĐBSCL, thị trường lúa gạo từ đầu tuần này đã bắt đầu khởi sắc trở lại do giá tăng. Cụ thể lúa tươi IR 50404 ngày 9.7 tại An Giang đã từ 3.800 đồng/kg tăng lên 4.100 đồng/kg, hạt dài từ 4.200 đồng/kg tăng lên 4.400 – 4.500 đồng/kg. Tại Long An, giá lúa tươi thơm nhẹ như OM 4900, 4218 cũng đã có giá 4.700 – 5.000 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg so với tuần trước. Tại Cần Thơ, giá lúa khô mà DN thu mua tại kho các loại thơm nhẹ là 6.400 – 6.500 đồng/kg, jasmine là 6.900 – 7.000 đồng/kg, tăng từ 400 – 700 đồng/kg so với 10 ngày trước.

Ông Lâm Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre) cho hay, mấy tháng gần đây tình hình xuất khẩu gạo thơm của Việt Nam khá sôi động. “Hongkong, Singapore và một số nước châu Phi là những thị trường đang có nhu cầu mạnh về gạo thơm của Việt Nam. So với Ấn Độ và Thái Lan, gạo thơm Việt Nam có giá cạnh tranh hơn nên thu hút được nhiều khách hàng”- ông Tuấn lý giải.

Theo VFA, hiện gạo thơm được các DN xuất khẩu Việt Nam chào bán với giá dao động khoảng 530 - 535 USD/tấn, tăng 40 - 60 USD/tấn chỉ trong 20 ngày qua. Tuy nhiên, mức giá này của Việt Nam còn thấp hơn rất nhiều so giá chào xuất khẩu gạo thơm Hom Mali của Thái Lan là trên 1.000 USD/tấn và Basmati của Ấn Độ trên 1.500 USD/tấn. VFA dự báo thị trường 6 tháng cuối năm vẫn có nhu cầu về gạo thơm, nếp.

Tuy nhiên nhiều DN cho rằng mức giá bán gạo thơm vẫn có thể tăng hơn nữa, đến mức 570 – 600 USD/tấn nếu Việt Nam kiểm soát được chất lượng. “Bởi hiện chất lượng gạo thơm đang lẫn lộn giữa các giống thơm, thơm nhẹ, hạt dài như Jasmine, Nàng Hoa, OM 4900, 4218, 2517, VD, ST và được pha trộn nên chất lượng chưa ổn định. Cần xây dựng tiêu chuẩn gạo thơm, gạo đặc sản hạt dài, cả về quy cách và chất lượng, tách biệt với gạo thường, trên cơ sở gạo độ dài và hàm lượng tinh bột (amylose). Có như vậy mới ổn định chất lượng, giữ vững thị trường và xây dựng thương hiệu riêng cho gạo Việt Nam” – ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch VFA nhận định.