Nguy cơ gạo Việt bị ép giá

Vụ trưởng Vụ Ngoại thương thuộc Bộ Thương mại Thái Lan vừa cho biết, nước này đang tìm cách xuất khẩu (XK) hàng triệu tấn gạo sang Trung Quốc và một số nước ASEAN trong nửa cuối năm nay.

Mục tiêu của Thái Lan là xúc tiến xuất 900.000 tấn gạo cho Trung Quốc theo thỏa thuận liên chính phủ mà trước đó Trung Quốc đồng ý mua tổng cộng 1 triệu tấn gạo (Thái Lan mới chỉ giao cho 100.000 tấn). Như vậy, trái với dự báo là Thái Lan giảm XK gạo thì lãnh đạo quốc gia này đã chỉ thị cho các bộ ngành phải tìm kiếm các phương thức nhằm XK khối lượng lớn gạo dự trữ, và thị trường họ nhắm đến là Trung Quốc và các quốc gia là thị trường truyền thống của gạo Việt Nam như Indonesia, Malaysia...

Trong khi đó, đến thời điểm này, giá gạo XK của Việt Nam vẫn đang tiếp tục tăng cao, nguy cơ ngày càng khó cạnh tranh trong XK tới đây. Hiện giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán 465-475 USD/tấn, cao hơn gạo Ấn Độ, Pakistan 30 USD/tấn, còn gạo 25% tấm là 410- 420 USD/tấn, cao hơn gạo cùng loại của Ấn Độ 20 USD/tấn, cao hơn gạo Pakistan 35 USD/tấn. Tính ra, giá gạo 5% tấm hiện đã tăng thêm 10 USD/tấn, còn gạo 25% tấm tăng thêm 5-15 USD/tấn so với cách đây một tuần. Việc chào giá xuất khẩu cao đã kéo giá gạo nội địa tăng lên và đứng ở mức cao nhất trong vòng một năm qua. Các chuyên gia thương mại dự báo thời gian tới, phía Trung Quốc có thể chuyển sang mua gạo Thái Lan để ép giá gạo của VN.

Thời gian qua, việc Việt Nam cho áp dụng thử nghiệm XK gạo qua một số cửa khẩu phụ biên giới phía Bắc đã tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và tiêu thụ được nguồn lúa, gạo trong dân. Nhưng, trong những ngày qua, các cơ quan quản lý hầu như không kiểm soát được lượng gạo XK thực tế qua các cửa khẩu phụ bán sang Trung Quốc. Từ một số tỉnh phía Nam, gạo được đưa thẳng lên tàu bán sang Trung Quốc. Một số doanh nghiệp đăng ký XK 100.000 - 200.000 tấn nhưng đã xuất gấp đôi...

Bộ Công Thương cho biết, đang phối hợp với Bộ NNPTNT, Hiệp hội Lương thực và các tổng công ty lương thực rà soát, đánh giá lại toàn bộ nguồn cung cũng như các hợp đồng đã ký, trên cơ sở đó, đưa ra phương án ký kết các hợp đồng cũng như giá XK gạo trong thời gian tới. Bộ Công Thương đã có chủ trương làm việc với một số cửa khẩu, phối hợp với hải quan và các cơ quan chức năng để sớm có phương án kiểm soát đúng lượng gạo XK qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc, hàng tháng có thống kê đầy đủ. Đến thời điểm này, gạo của ta XK được sang Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực đều là nhờ yếu tố giá rẻ. Có thể Trung Quốc bàn việc mua gạo với Thái Lan chỉ là để ép giá gạo Việt. Như vậy với giá gạo tăng mạnh thời điểm này, rất có thể gạo Việt Nam sẽ khó khăn khi gạo Thái Lan vốn dĩ vẫn có chất lượng được đánh giá cao hơn và giá thấp hơn sẽ chiếm lĩnh các thị trường truyền thống của VN.

Theo danviet.vn