Nhà băng cùng “xuống đồng” vì nông sản sạch
- Thứ sáu - 10/02/2017 03:41
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Những bước khởi đầu
Đầu Xuân mới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ấn nút khởi động dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Hà Nam và đặt ra các bài toán về phát triển lĩnh vực quan trọng này đã tạo sự kỳ vọng cho sự phát triển của nền nông nghiệp chất lượng cao trong giai đoạn tới. Và để phát triển mạnh các dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi huy động được nhiều nguồn lực về tích tụ ruộng đất, khoa học công nghệ, nguồn vốn.
Thủ tướng cho rằng, phải có vốn cho nông nghiệp công nghệ cao và yêu cầu nâng hạn mức gói hỗ trợ cho đầu tư nông nghiệp công nghệ cao từ 60.000 tỷ đồng lên 100.000 tỷ đồng và giao NHNN vận động các NHTM có gói tín dụng hỗ trợ cần thiết.
NH ưu tiên vốn cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao |
Thực tế trong thời gian vài ba năm trở lại đây, những dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ xuất hiện ở các tỉnh thành phố như Tập đoàn Vingroup với dự án VinEco Hà Nam và các dự án ở Nghệ An, TP. Hồ Chí Minh, khu vực Tây Nguyên… có sự tiếp sức từ việc triển khai Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 5/3/2014 của Chính phủ. Bởi ngay sau Nghị quyết 14, NHNN đã ban hành Quyết định số 1050/QĐ-NHNN ngày 28/5/2014 về chương trình cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Từ chủ trương này, nhiều mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã xuất hiện ở một số tỉnh thành nhờ sự hỗ trợ của các NHTM. Đặc biệt, các doanh nghiệp tham gia Chương trình được hưởng một số cơ chế tín dụng đặc thù như: lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất thị trường 1%-1,5%/năm, NHTM có thể xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở kiểm soát được dòng tiền.
Cùng với Nghị định số 41/2010/NĐ-CP, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về hoạt động tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn, Nghị quyết số 14/NQ-CP là một trong các giải pháp đột phá, tạo cú hích hỗ trợ đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung và định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao nói riêng. Dư nợ tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng liên tục tăng.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn năm 2016 đạt khoảng 970.500 tỷ đồng, tăng 15% so với cuối năm 2015. Đây là lĩnh vực có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong nhóm ngành ưu tiên cho vay phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn; dự án sản xuất - kinh doanh hàng xuất khẩu, DNNVV, ngành công nghiệp hỗ trợ và DN công nghệ cao.
Không chỉ riêng Agribank - NH chủ lực cho vay nông nghiệp mà nhiều NHTMCP đã cho vay lĩnh vực này như NHTMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) mà còn có cả VietABank cũng tham gia thị trường này. Trong năm 2016, NH này tài trợ gói vay ưu đãi 2.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao. Ông Lê Xuân Vũ – Tổng giám đốc VietABank cho biết, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp nói chung và những chuỗi gia tăng giá trị công nghệ cao cho nông nghiệp Việt Nam nói riêng là một trong những định hướng trọng điểm của VietABank ngay từ đầu năm 2016 tới nay.
Tín dụng nông nghiệp sạch kỳ vọng đột phá
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2017, NHNN đã có chỉ đạo khuyến khích các NHTM dành những chương trình tín dụng ưu đãi về lãi suất, thời hạn vay và tạo điều kiện về thủ tục để cho vay hỗ trợ các DN, dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ, sản phẩm nông nghiệp sạch bằng nguồn vốn huy động của các NHTM.
Hiện nay, một số NHTM đã hưởng ứng và chủ động triển khai các chương trình cho vay LienVietPostBank đã cam kết dành số tiền 10 nghìn tỷ đồng; Agribank đã cam kết dành số tiền khoảng 50 nghìn tỷ đồng để cho vay nông nghiệp sạch, cho vay các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp với các điều kiện ưu đãi như lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 0,5-1,5%/năm.
Tuy nhiên, để triển khai chương trình đạt hiệu quả, các NHTM cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với ngành NH trong việc xây dựng các chương trình, lĩnh vực, các tiêu chí cụ thể xác định các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch làm căn cứ cho các NHTM triển khai thực hiện gói tín dụng này. Điều này cũng hứa hẹn các dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao sẽ được triển khai nhiều hơn trong thời gian tới.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hạnh – Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, năm 2017, với mục tiêu tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy tăng trưởng bền vững; bảo đảm an sinh xã hội, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tín dụng theo hướng kiểm soát quy mô tín dụng hợp lý, an toàn, hiệu quả, tạo thuận lợi cho DN tiếp cận vốn; tập trung tín dụng cho những lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế do Quốc hội đề ra.
Chí Kiên
http://thoibaonganhang.vn