Nhãn Hưng Yên “nóng lòng” chờ doanh nghiệp

Bài học từ việc xuất khẩu vải thiều cho thấy, vấn đề áp dụng công nghệ mới vào sản xuất và bảo quản chưa thực sự là tất cả, nếu không có các doanh nghiệp vào cuộc đưa sản phẩm đi tiêu thụ.

Tìm đến khu trồng nhãn xuất khẩu ở xã Hồng Nam, TP.Hưng Yên vào ngày này, đâu đâu cũng thấy nông dân đang tất bật cắt tỉa, chăm sóc nhãn lồng. Bà Trần Thị Bắc – Trưởng thôn Nễ Châu cho biết: Sau hơn 3 tháng áp dụng quy trình chăm sóc mới (VietGAP, GlobalGAP), dù thời gian đầu gặp nhiều khó khăn, nhưng đến nay, 33 hộ dân của thôn đã làm quen được với phương pháp sản xuất hiện đại.

Nhan Hung Yen “nong long” cho doanh nghiep
(Ảnh minh họa)

 

Năm 2015 là năm đầu tiên thôn Nễ Châu được chọn để xây dựng vùng nhãn xuất khẩu. Sau thời gian áp dụng phương pháp sản xuất mới, lượng quả trên các cây phát triển đều, đẹp. “Dự kiến từ giữa tháng 7 này sẽ bước vào vụ thu hoạch, hy vọng nhãn sẽ đạt chất lượng tốt nhất để xuất khẩu được nhiều với giá cao, ổn định hơn so với các năm trước” – bà Bắc tâm sự.

Hiện tỉnh Hưng Yên có 2 vùng được chọn để xây dựng vùng nhãn xuất khẩu gồm 9,97ha ở thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam, TP.Hưng Yên, và 10,82ha ở thôn An Cảnh, xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu.

Theo bà Đoàn Thị Chải – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hưng Yên, hiện diện tích nhãn được chọn để áp dụng thử nghiệm công nghệ mới đã cơ bản thành công, chỉ chờ các doanh nghiệp đăng ký bao tiêu. Hiện toàn tỉnh Hưng Yên có khoảng 3.000ha nhãn, tổng sản lượng bình quân đạt 35.000 tấn/năm. Tỉnh Hưng Yên đã và đang đưa ra nhiều chính sách như về hỗ trợ chiếu xạ, vận chuyển…, để thu hút các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có đơn vị nào chính thức đăng ký thu mua.

theo danviet.vn