Nhiều nước đang có nhu cầu nhập thịt lợn Việt Nam, họ yêu cầu gì?
- Thứ sáu - 20/10/2017 11:28
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Diễn đàn có sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, sự tham dự của nhiều vị Đại sứ, tham tán thương mại, doanh nghiệp nước ngoài và đông đảo các doanh nghiệp trong nước.
Ông Vũ Trọng Nghĩa - Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại Biển Đông phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: M.H
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, trong những năm gần đây ngành chăn nuôi lợn tại Việt Nam liên tục phát triển, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6,5%/năm. Theo số liệu thống kê đến năm 2016, tổng số đàn lợn đực giống là 74.642 con, chiếm 0,25% tổng đàn lợn; đàn lợn nái là 4.235.439 con, chiếm 14,56% tổng đàn; còn lại là lợn thịt, với 24.765.234 con, chiếm 85,17% tổng đàn lợn.
Tính đến 01.4.2017, cả nước có khoảng 28,9 triệu con lợn, sản lượng thịt hơi đạt 2,2 triệu tấn.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho thấy, hiện nay, cả nước có 910 cơ sở giết mổ tập trung (gồm 611 cơ sở giết mổ gia súc, 130 cơ sở giết mổ gia cầm và 76 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm) song hầu hết các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm này không có hệ thống bảo quản mát, pha lọc, cấp đông và kho bảo quản lạnh sản phẩm (chỉ phục vụ giết mổ để bán thịt nóng trên thị trường nội địa).
Cả nước cũng mới chỉ có 8 cơ sở giết mổ lợn sữa, lợn choai để xuất khẩu sang Hồng Kông và Malaysia. Các cơ sở này đều có công suất nhỏ và mới đáp ứng các yêu cầu của Hồng Kong và Malaysia chứ chưa thể tính đến việc mở rộng ra các thị trường khác.
Cả nước có 910 cơ sở giết mổ tập trung nhưng hầu hết không có hệ thống bảo quản mát, pha lọc, cấp đông và kho bảo quản lạnh. Ảnh: Nguyên Vỹ
Bày tỏ sự quan tâm tới thị trường thịt lợn Việt Nam, bà Nienke Trooster – Đại sứ đặc mệnh Đại Sứ quán Hà Lan tại Việt Nam cho biết, những năm gần đây, Hà Lan thường xuyên có hoạt động hỗ trợ Việt Nam trong chuyển giao khoa học kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực rau, hoa quả, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; giúp phát triển chuỗi ngành hàng rau quả, cà phê với kết quả thực hiện rất tốt.
Theo bà Nienke Trooster, Hà Lan cũng như các nước EU đều quy định nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt được thống nhất giữa các nước thành viên và Ủy ban châu Âu là đối tác đàm phán duy nhất với tất cả các nước ngoài EU về các điều kiện nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt động vật.
Theo đó EU yêu cầu tất cả sản phẩm nhập khẩu phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cao giống như đối với sản phẩm của các nước thành viên EU, không chỉ về mặt vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng mà còn liên quan đến an toàn dịch bệnh động vật của EU.
Theo Cục Thú y, hiện nay có không ít thị trường đang bày tỏ nhu cầu cần nhập khẩu sản phẩm thịt lợn của Việt Nam. Tuy nhiên, họ đều đưa ra hàng loạt yêu cầu rất khắt khe.
Đông đảo đại biểu, doanh nghiệp và tham tán thương mại các nước đến dự Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu thịt lợn Việt Nam diễn ra tại Khách sạn JW Marriott vào sáng nay 20.10. Ảnh: M.H
Ví dụ đối với thị trường Hàn Quốc, năm 2016 nước này phải nhập khẩu các sản phẩm thịt với tổng trị giá lên tới hơn 5 tỷ USD. Đối với thịt lợn, nước này yêu cầu sản phẩm nhập khẩu vào thị trường của họ phải có nguồn gốc từ quốc gia/vùng xuất khẩu không có bệnh lở mồm long móng (LMLM) và phải được Tổ chức Thú y thế giới (OIE) công nhận. Do hiện nay, Việt Nam chưa được OIE công nhận sạch bệnh LMLM nên Việt Nam chưa đủ điều kiện để Hàn Quốc tiến hành đánh giá rủi ro nhập khẩu đối với thịt lợn.
Đối với Philipppines, Cơ quan Thú y nước này yêu cầu thịt lợn nhập khẩu vào Philippines phải có nguồn gốc từ các nước không có bệnh LMLM và không tiêm phòng (được OIE công nhận), vì Philippines là nước đã đạt được yêu cầu này.
Tương tự, Singapore cũng yêu cầu nước xuất khẩu thịt lợn đông lạnh vào Singapore phải đáp ứng yêu cầu chung như sau: Quốc gia/vùng xuất khẩu phải sạch bệnh LMLM và Dịch tả lợn (được OIE công nhận), bệnh mụn nước ở lợn trong 6 tháng (trước ngày giết mổ và tại ngày xuất khẩu); được giết mổ, bảo quản ở cơ sở bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y; được kiểm soát các chất tồn dư độc hại.
Thương lái chọn mua thịt heo mảnh tại chợ đầu mối Hóc Môn (TP.Hồ Chí Minh). Ảnh: N.V
Đối với thị trường Trung Quốc, lâu nay nhiều người cho rằng thị trường này “dễ tính”, nhưng trên thực tế từ đầu năm 2012, Chính phủ Trung Quốc đã có văn bản số 183 cấm nhập khẩu các loại gia súc và thịt gia súc của Việt Nam hoặc các loại thịt gia súc nhập khẩu từ các nước đi qua Việt Nam vào Trung Quốc, do Việt Nam đang có dịch LMLM. Do vậy, mặt hàng lợn sống, thịt lợn của Việt Nam không nằm trong danh mục hàng hóa được phép nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.
Việc trao đổi để xuất khẩu lợn sống, thịt lợn từ Việt Nam sang Trung Quốc đã được tổ chức thực hiện từ nhiều năm qua cả ở cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp Cục nhưng chưa có kết quả. Đặc biệt là từ đầu năm đến nay, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam và đoàn công tác đã nhiều lần sang làm việc trực tiếp với phía ngành chức năng Trung Quốc, nhưng cho đến nay nước này vẫn chưa chính thức đồng ý nhập khẩu chính ngạch sản phẩm thịt lợn của Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, hiện Việt Nam và Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn đàm phán để hoàn tất hồ sơ, tiến tới đạt được thỏa thuận chính thức trong việc xuất khẩu thịt lợn chính ngạch.
Chia sẻ những trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp của mình, ông Vũ Trọng Nghĩa - Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại Biển Đông cho biết: "Để đưa được sản phẩm thịt lợn nói riêng, sản phẩm chăn nuôi nói chung sang Hàn Quốc, Nhật Bản hay các nước khác là vô cùng khó, những năm trước đây các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm và đầu tư thích đáng cho các thị trường này, nhưng chắc chắn là thời gian tới, cùng với sự chung tay của đông đảo doanh nghiệp chung chí hướng, việc đưa sản phẩm thịt lợn, thịt gà... ra nước ngoài sẽ được cải thiện. Tuy nhiên chúng tôi bày tỏ mong muốn sẽ nhận được sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan thú y để sớm hoàn thành các thủ tục đưa thịt lợn đi nước ngoài".