Nhiều quan điểm về đánh giá rủi ro trong xuất khẩu gỗ

VNNhiều ý kiến trái chiều về đánh giá rủi ro trong xuất khẩu gỗ đã được đưa ra tại Hội thảo “Rủi ro xuất khẩu đồ gỗ trong bối cảnh hội nhập TPP và EVFTA” tổ chức ngày 23/5 tại Hà Nội
Hội thảo “Rủi ro xuất khẩu đồ gỗ trong bối cảnh hội nhập TPP và EVFTA” tổ chức ngày 23/5 tại Hà Nội. Ảnh: Hải Yến/BNEWS/TTXVN

Những vấn đề trong Dự thảo Báo cáo nghiên cứu Chính sách Ngành chế biến gỗ do Trung tâm WTO và Hội nhập - Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam nêu ra tại Hội thảo “Rủi ro xuất khẩu đồ gỗ trong bối cảnh hội nhập TPP và EVFTA” tổ chức ngày 23/5 tại Hà Nội nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Đa số đại biểu cho rằng, những con số, đánh giá rủi ro trong báo cáo cần xem xét cẩn thận hơn.

Nói tới vấn đề thiếu thông tin của doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu gỗ vào thị trường Mỹ, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia của nhóm nghiên cứu đã đưa ra số liệu điều tra về sự hiểu biết của doanh nghiệp tới một số quy định liên quan tới xuất khẩu gỗ: Đạo luật Lacey của Hoa Kỳ; Quy định gỗ của Châu Âu; Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA/FLEGT); Luật cấm gỗ bất hợp pháp của Australia.

Cụ thể, số liệu điều tra được thực hiện tại 154 doanh nghiệp có hoạt động trong lĩnh vực gỗ, chế biến gỗ cho thấy, 12,8% doanh nghiệp biết cả 4 quy định; 7,7% biết 3 trong 4 quy định; 23% biết 2 quy định; 28,3% biết 1 quy định và 28,2% không biết quy định nào.

Trước thông tin đưa ra này, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, Đạo Luật Lacey chặt chẽ, tỉ mỉ, chi tiết. Đến thời điểm này có thể khẳng định, doanh nghiệp Việt Nam thực thi rất tốt, không hề có tình trạng lô hàng vi phạm, bị trả về. Thực tế này cho thấy, doanh nghiệp gỗ xuất khẩu hiểu rất rõ Luật Lacey.

Xuất khẩu vào thị trường Mỹ đang ngày càng được mở rộng. Khi khảo sát, điều tra, phải phân biệt rõ hai loại doanh nghiệp: Doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp vệ tinh.

Hiện các doanh nghiệp lớn có nhiều doanh nghiệp vệ tinh. Số doanh nghiệp vệ tinh này chủ yếu làm theo đơn đặt hàng, bản thân họ không cần thiết phải tìm hiểu những vấn đề trên.

Tại Dự thảo Báo cáo Nghiên cứu Chính sách ngành Chế biến gỗ xuất khẩu cũng nêu cụ thể thông tin thu thập từ các doanh nghiệp khảo sát cho thấy trong 39 doanh nghiệp đang trực tiếp xuất khẩu các sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ thì số doanh nghiệp áp dụng quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế là 13.

Số doanh nghiệp không có chứng chỉ cho hệ thống quản lý và chất lượng là 26 (tương đương với 67% hiện không có bất kỳ loại hình chứng chỉ nào).

Đánh giá về con số được đưa ra, đa số các đại biểu tham dự hội nghị cho rằng phải xem xét kỹ lưỡng con số điều tra bởi nhiều năm qua, doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu và đều được chấp nhận.

Do vậy, khi đưa con số trên phải phân tích thấu đáo, tránh gây hoang mang cho doanh nghiệp.

Khi khảo sát, tác giả cũng phải đưa ra được cụ thể doanh nghiệp, địa điểm khảo sát. Bên cạnh đó, phân tích rõ doanh nghiệp đó là doanh nghiệp xuất khẩu, chế biến hay vừa xuất khẩu vừa chế biến. Làm được như vậy, con số, những khuyến nghị đưa ra tại Báo cáo mới chính xác và có độ tin cậy cao./.

Hải Yến/BNEWS/TTXVN