Những trái cây nào sẽ sớm được xuất chính ngạch sang Trung Quốc?
- Chủ nhật - 17/11/2019 20:07
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật. |
Thưa ông, trước việc Trung Quốc thực hiện nghiêm các quy định về nhập khẩu nông sản từ Việt Nam, nhiều mặt hàng rau quả của nước ta đã bị ùn ứ, thậm chí không thể xuất khẩu. Đứng trước thực trạng trên, Cục Bảo vệ Thực vật đã phối hợp với các địa phương triển khai các giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn?
Trước hết phải khẳng định rằng, Trung Quốc thực hiện nghiêm các biện pháp kỹ thuật để chấm dứt hoạt động nhập khẩu nông sản theo đường tiểu ngạch là đúng, vì nước bạn đã xây dựng khung pháp lý từ lâu rồi. Trước đây, hầu hết các loại trái cây nói riêng và nông sản của Việt Nam nói chung đều xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc với cả hai hình thức là tiểu ngạch và chính ngạch. Trong đó, chỉ có 8 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch.
Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2017, Trung Quốc đã thực thi đúng các văn bản pháp luật về xuất nhập khẩu. Họ yêu cầu tất cả hàng hóa nhập khẩu chính ngạch phải truy xuất nguồn gốc, có mã số vùng trồng, mã số cơ sở chế biến, đóng gói được Tổng cục Hải quan Trung Quốc chấp thuận, không cho phép nhập theo đường tiểu ngạch nữa.
Ngay lập tức, Cục Bảo vệ Thực vật đã phối hợp với các đơn vị liên quan, các địa phương thống kê đầy đủ việc cấp mã số vùng trồng, các đơn vị xuất khẩu, sau đó tổng hợp thành một văn bản chính thống đại diện cho quốc gia tất cả các loại trách cây được xuất khẩu chính ngạch và diện tích từng vùng trồng.
Đến nay, chúng ta đã có 1.500 mã số vùng trồng và gần 200 cơ sở đóng gói được Trung Quốc chấp nhận. Chính vì vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu của các loại trái cây đi theo đường chính ngạch vẫn tăng trưởng bình thường. Ví dụ, sản lượng xuất khẩu thanh long trong 10 tháng đầu năm 2019 đã đạt 1,5 triệu tấn, tăng hơn so với năm ngoái. Đây là số liệu rất chính xác và khách quan, bởi chúng tôi thống kê lượng hàng hóa kiểm dịch hàng ngày, hàng tháng.
Tuy nhiên, một số loại trái cây chưa nằm trong danh mục xuất khẩu chính ngạch thì không được xuất khẩu nữa. Đây là khó khăn mà chúng ta phải tìm giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.
Vậy quá trình đàm phán để Trung Quốc cho phép thêm các sản phẩm trái cây của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này diễn ra như thế nào, thưa ông?
Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo cho Cục Bảo vệ Thực vật phối hợp với Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, Tổng cục Hải Quan để hoàn thiện toàn bộ hồ sơ kỹ thuật theo đúng yêu cầu của Trung Quốc đưa ra.
Cụ thể, phía Việt Nam đã gửi 7 bộ hồ sơ các loại củ, trái cây sang phía bạn như khoai lang, sắn, sầu riêng, măng cụt, khoai lang, chanh leo… Và lần lượt theo thứ tự ưu tiên, Cục Bảo vệ Thực vật sẽ phối hợp với Vụ Kiểm dịch Động thực vật của Trung Quốc để đánh gia nguy cơ dịch hại, yêu cầu về bảo vệ thực vật. Trên cơ sở đó, hai bên cùng xây dựng Nghị đinh thư để tạo hành lang pháp lý, đưa các sản phẩm này xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Vừa rồi chúng ta đã hoàn thành được hồ sơ thủ tục của trái măng cụt, và hiện nay chúng ta chuẩn bị hoàn tất hồ sơ của sản phẩm thạch đen, được trồng nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Vụ Kiểm dịch Động thực vật của Trung Quốc cũng đã sang Việt Nam họp lần 3 và thống nhất sẽ cùng Cục Bảo vệ Thực vật đi kiểm tra thực tế đối với cây sầu riêng của chúng ta.
Bởi vậy, Cục Bảo vệ Thực vật và các đơn vị liên quan đang cố gắng để hoàn tất các thủ tục đối với quả sầu riêng, sớm đưa loại trái cây này sang Trung Quốc.
Dự kiến vào cuối tháng 11/2019, Cục Bảo vệ Thực vật cũng sẽ tiếp đón một đoàn công tác của Cục An toàn thực phẩm của Trung Quốc. Đoàn sẽ vào kiểm tra, đánh giá thực tế vùng trồng khoai lang của chúng ta liên quan đến các yêu cầu đóng gói và yêu cầu kỹ thuật khác. Sau khi hoàn tất các thủ tục này, hai bên sẽ tiếp tục đàm phán để xây dựng nghị định thư cho phép xuất khẩu chính ngạch khoai lang của Việt Nam sang Trung Quốc.
Hiện nay, diện tích vùng trồng được cấp mã số xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc còn khiêm tốn, vậy làm thế nào để đẩy mạnh việc mở rộng việc cấp mã số vùng trồng?
Thứ nhất, chúng tôi đã có các văn bản hướng dẫn cho các tỉnh, địa phương có trái cây đã được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Qua đó, đề nghị họ phối hợp để liên tục cập nhật thêm doanh nghiệp, cơ sở đóng gói, chế biến xuất khẩu hoặc mở rộng diện tích cấp mã số vùng trồng.
Trên cơ sở đó, Cục Bảo vệ Thực vật sẽ tổng hợp và gửi sang Tổng cục Hải quan Trung Quốc để họ cập nhật lên hệ thống. Đến nay chúng ta đã làm nhuần nhuyễn việc này.
Từ đầu năm 2019, đã có 1,5 triệu tấn thanh long được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, tăng so với cùng kỳ năm ngoái. |
Thứ hai là, đối với các loại trái cây như măng cụt, chúng ta đã triển khai việc cấp mã số vùng trồng từ trước, do đó, các địa phương mở rộng diện tích vùng trồng được cấp mã số đến đâu, thì Tổng cục Hải Quan sẽ thu thập và cập nhật lên website đến đó.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận khách quan rằng, nhiều nơi làm chưa tốt việc cấp mã số vùng trồng, mã số doanh nghiệp chế biến, đóng gói. Chúng tôi cũng đã có rất nhiều cuộc họp, hội thảo, thậm chí là xuống tận các địa phương để tập huấn cho các cơ quan chuyên môn, qua đó các cơ quan này sẽ hướng dẫn người nông dân làm theo đúng yêu cầu của Trung Quốc. Vấn đề này đòi hỏi là phải làm một cách thường xuyên, liên tục.
Bên cạnh đó, chúng tôi lưu ý các địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh hiện tượng các cơ quan chuyên môn xuống kiểm tra thì làm tốt, nhưng khi đã xuất được đi rồi lại không tuân thủ quy định nhập khẩu của Trung Quốc nữa. Như vậy thì rất là tai hại, nếu không đáp ứng được yêu cầu của họ thì họ sẽ hạn chế số lượng nhập khẩu, thậm chí là đánh mất cả thị trường.
Xin cảm ơn ông!
MINH PHÚC – LÊ BỀN/https://nongnghiep.vn/