Nới hạn mức vay tín chấp: Nông dân có ồ ạt vay vốn?
- Thứ hai - 15/06/2015 23:39
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, từ ngày 25/7/2015, đối tượng được vay vốn nông nghiệp ưu đãi sẽ được mở rộng hơn, mức cho vay cũng được nâng lên gấp 1,5-2 lần. Đặc biệt, hạn mức cho vay tín chấp cũng được tăng mạnh. Cá nhân, hộ gia đình sản xuất - kinh doanh nông nghiệp có thể được vay 50-100 triệu đồng (đối tượng đầu tư trồng cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm được vay tối đa 200 triệu đồng), hộ nuôi trồng thủy sản được vay tín chấp tối đa 2 tỷ đồng. Riêng với liên hiệp HTX nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, các ngân hàng được phép cho vay tối đa 3 tỷ đồng không cần tài sản thế chấp.
Bên cạnh đó, Nghị định 55/2015/NĐ-CP cũng khuyến khích tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, mô hình ứng dụng công nghệ cao bằng việc cho vay không có tài sản bảo đảm lên đến 70-80% giá trị dự án.
Với những quy định trên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hy vọng, tín dụng nông nghiệp sẽ tăng mạnh hơn trong thời gian tới, hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo số liệu của NHNN, trong 5 năm qua, tín dụng nông nghiệp đã tăng 2,5 lần, tổng tín dụng nông nghiệp hiện chiếm hơn 19% tổng tín dụng cả nước.
Thực tế, thời gian gần đây, cùng với làn sóng đầu tư vào nông nghiệp đang dần khởi sắc, nhiều ngân hàng cũng vào cuộc cạnh tranh cho vay nông nghiệp. Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Ngân hàng BIDV cho hay, chiến lược của BIDV trong thời gian tới là đẩy mạnh tín dụng nông nghiệp và nông thôn, đặc biệt tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng cũng nhận định, nông nghiệp là lĩnh vực có nhiều lợi thế nhất ở nước ta, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn còn hạn chế. Tuy biên độ lợi nhuận ở phân khúc này không cao bằng một số phân khúc khác, nhưng lại an toàn, hiệu quả hơn, nợ xấu thấp.
Theo phản ánh của nhiều ngân hàng, vướng mắc lớn nhất trong hoạt động cho vay nông nghiệp là người dân không có tài sản thế chấp, trong khi để đầu tư một trang trại hiện đại, số vốn đầu tư lên tới hàng tỷ đồng. Vì vậy, việc Nghị định 55/2015/NĐ-CP ra đời được kỳ vọng sẽ cởi trói cho vay nông nghiệp.
Tuy nhiên, đại diện nhiều ngân hàng cho rằng, chỉ riêng Nghị định 55 chưa đủ kích thích cho vay nông nghiệp. “Tuy nông nghiệp là lĩnh vực an toàn hơn các lĩnh vực khác, song chỉ cần 1-2 khoản nợ xấu là có khi lợi nhuận cả năm của một chi nhánh bằng không. Chính vì vậy, chúng tôi chủ yếu cho vay thế chấp”, Phó tổng giám đốc một ngân hàng TMCP chia sẻ.
Cho dù hiện có nhiều ngân hàng tham gia tín dụng nông nghiệp, song chủ yếu tập trung vào các dự án lớn, các doanh nghiệp sản xuất, thu mua, chế biến, xuất khẩu nông sản. Rất ít ngân hàng tài trợ trực tiếp cho hộ nông dân làm nông nghiệp. Cho đến nay, hầu như chỉ Agribank là cho vay đến tận các hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa. Các ngân hàng TMCP còn lại, dù có tham gia cho vay nông nghiệp, thì cũng chỉ bám trụ ở những thành phố lớn, thị xã, thị trấn. Cho dù Nghị định 55 có hiệu lực, rất ít ngân hàng nào dám “mạnh tay” bơm 3 tỷ đồng cho vay mà không cần thế chấp.
Song cũng có bài học cho thấy, cho vay tín chấp trong nông nghiệp, kể cả khi chưa có Nghị định 55/2015/NĐ-CP vẫn tăng trưởng mạnh, nếu có sự liên kết giữa nông dân - doanh nghiệp - ngân hàng và chính quyền địa phương mà Hà Tĩnh là ví dụ điển hình.
Ông Nguyễn Trọng Hiền, Giám đốc Agribank Chi nhánh Đức Thọ (Hà Tĩnh) cho biết, ngân hàng đã cho nhiều hộ gia đình vay tín chấp, trong đó có hộ gia đình ông Nguyễn Thái Huy (ở xóm Tân Quang, xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ) vay tín chấp 3 tỷ đồng để đầu tư trang trại lợn nái.
“Ban đầu khi cho vay tín chấp 3 tỷ đồng, cán bộ tín dụng ngồi trên đống lửa, ngày nào cũng phải chạy qua trang trại để xem xét, nhưng bây giờ thì yên tâm rồi. Nếu tỉnh, huyện không vào cuộc, chúng tôi cũng chẳng dám cho vay”, ông Hiền tiết lộ và cho biết, sở dĩ ngân hàng dám cho vay, bởi UBND huyện đứng ra cam kết sẽ bao tiêu sản phẩm trong 5 năm đầu, UBND tỉnh cam kết sẽ tài trợ 3 tỷ đồng, nếu sau khi nghiệm thu thấy trang trại đạt tiêu chuẩn.
Thực tế trên cho thấy, để thúc đẩy tín dụng nông nghiệp, thì việc nới hạn mức tín chấp là chưa đủ, mà cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương và doanh nghiệp.
theo baodautu