Nông dân Hà Tĩnh lên “phây” tiếp thị bưởi
- Chủ nhật - 10/09/2017 05:28
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nông dân thời hiện đại
Thời gian này, trang facebook cá nhân của nhiều người dân ở Hương Khê, ngoài cập nhật thông tin bạn bè, gia đình, còn có thêm phần giới thiệu sản phẩm bưởi Phúc Trạch. “Giảm ngay 15% khi bạn đặt hàng online, free ship (miễn phí vận chuyển) 15 km”, “Chưa bao giờ mua bưởi Phúc Trạch lại dễ dàng như vậy”… Những lời rao như thế đã xuất hiện liên tục trên trang mạng xã hội facebook từ đầu mùa bưởi để thu hút người mua.
Hàng trăm lời mời chào để thu hút người mua xuất hiện liên tục trên facebook của anh Trần Xuân Loát (xã Hương Trạch) từ đầu mùa bưởi.
Về Hương Khê mùa bưởi, chúng tôi may mắn được gặp gỡ với một nhân vật đặc biệt - anh Trần Xuân Loát (SN 1987, xã Hương Trạch). Anh Loát là cử nhân ngành sư phạm, từng làm giáo viên ở Đắk Lắk. Nhưng với tình yêu quê hương và nhận thấy tiềm năng của cây bưởi Phúc Trạch, anh xin nghỉ việc để về quê trồng bưởi, làm trang trại. Với 3 ha đất trang trại, anh Loát đã trồng hơn 300 gốc. Sau 4 năm, đến nay, cây bưởi đã bắt đầu cho thu hoạch, mùa đầu tiên, thu chưa đến 20 triệu đồng, dù chưa đủ để trang trải chi phí chăm sóc, nhưng đây là tín hiệu vui ban đầu để anh tiếp tục tin vào thành công của con đường đã chọn.
Là nông dân thời hiện đại, không để sản phẩm của mình phụ thuộc đầu ra vào các thương lái, anh nhận thấy thương mại điện tử là kênh tiếp thị sản phẩm phù hợp xu thế phát triển xã hội. Thực hiện ý tưởng của mình, anh Loát tự thành lập trang web trangtraibuoiphuctrach.com để quảng bá thông tin, tiếp thị sản phẩm trên thị trường cả nước. Bên cạnh đó, anh liên tục rao bán sản phẩm bưởi Phúc Trạch trên các trang mạng xã hội facebook, zalo, instangram...
Sau 4 năm, đến nay vườn bưởi của anh Trần Xuân Loát (xã Hương Trạch) đã bắt đầu cho thu hoạch.
Anh chia sẻ: “Dù mới “chân ướt chân ráo” bán bưởi qua mạng nhưng chúng tôi đã nhận được niềm tin của nhiều khách hàng. Đến nay, trung bình mỗi ngày, tôi bán được khoảng 100 -150 quả. Không chỉ bán được sản phẩm của gia đình với giá hợp lý mà tôi còn giúp người dân trong vùng tiêu thụ được sản phẩm”.
Thậm chí, đã có những đơn đặt hàng với số lượng lớn để đưa bưởi Phúc Trạch vào các siêu thị, có người bàn bạc với anh về việc xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, anh Loát cho rằng: “Để đưa bưởi Phúc Trạch ra nước ngoài còn cần thời gian và tính toán kỹ lưỡng hơn như cần số lượng lớn, người dân phải đảm bảo các quy trình sản xuất như VietGap hay GlobalGap… Những yêu cầu này, mới chỉ có một bộ phận nhỏ người trồng bưởi ở Hương Khê đáp ứng được”. Đưa bưởi Phúc Trạch xuất khẩu ra nước ngoài và xây dựng kho bảo quản bưởi đông lạnh để kéo dài thời gian mùa bưởi là những mục tiêu lớn mà anh Loát phấn đấu trong thời gian tới.
Nhiều hộ dân, đặc biệt là những người trẻ tuổi chỉ với một chiếc điện thoại thông minh hay máy tính đã tự quảng bá thương hiệu, tìm thị trường qua các trang mạng xã hội, diễn đàn, trang rao vặt… Sau đó, chuyển bưởi cho khách hàng ở nhiều nơi trong nước. Qua đó, góp phần không nhỏ gây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường bưởi trên cả nước.
Bưởi được giá nhưng sản lượng giảm
Theo ghi nhận của phóng viên, thời điểm đầu tháng 8 này, thương lái đang đổ dồn về Hương Khê để thu mua bưởi. Nếu bán ngang tại vườn, giá đạt khoảng 30 - 35 nghìn đồng/quả, loại 1 dao động từ 60 - 80 nghìn đồng/quả.
Bà Trần Thị Thanh (xã Hương Trạch) chia sẻ, vườn bưởi của bà năm nay đậu khoảng 1.000 quả, thu gần 30 triệu đồng. So với năm ngoái, giá nhỉnh hơn chút ít. Với gia đình 2 người già, khoản tiền này đủ để trang trải cuộc sống thường ngày.
Nông dân bắt đầu biết sử dụng công nghệ để kinh doanh, buôn bán
Nhìn chung, phần lớn bưởi Phúc Trạch vẫn phải tiêu thụ qua “chợ bưởi” tự phát tại thị trấn Hương Khê (trên quốc lộ 15A đoạn qua ga Hương Phố). “Chợ bưởi” tập trung khoảng 3-6h sáng. Tại đây, các đầu mối thu mua lại của thương lái, rồi phân phối đến các thị trường quen thuộc như Hà Nội, Vinh, TP Hà Tĩnh, Quảng Bình…
Theo thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Hương Khê, sản lượng bưởi Phúc Trạch năm 2017 ước đạt khoảng 15.000 tấn, thấp hơn năm 2016 (19.000 tấn). Ông Lê Quang Vinh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết, nhìn chung, bưởi Phúc Trạch năm nay được mùa, tỷ lệ ra hoa, đậu quả tương đối cao so với các năm trước. Tuy nhiên, cuối năm 2016, do các trận lũ lớn liên tiếp đã khiến nhiều diện tích bị chết, điển hình như các xã: Hương Trạch, Phúc Trạch, Hương Thủy… dẫn đến sản lượng chung toàn huyện giảm so với năm trước (Hương Khê có khoảng 1.400 ha bưởi Phúc Trạch bị ảnh hưởng bởi lũ lụt năm 2016 - PV).
Theo Dương Chiến/baohatinh.vn