Từ thí điểm dự án nông nghiệp cạnh tranh...
Huyện cù lao Phú Tân nằm giữa hai dòng sông Tiền, sông Hậu, trước đây vùng này thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của nước lũ sông Cửu Long. Được sự hỗ trợ của Chính phủ, dự án kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao hợp tác giữa Việt Nam và Ô-xtrây-li-a đã mở ra trang mới cho người nông dân nơi đây khi kiểm soát lũ tuyệt đối, điều tiết nước bền vững. Từ đó, Phú Tân hình thành vùng chuyên canh lúa nếp đặc sản khép kín lớn nhất tỉnh An Giang. "Nhờ dự án Bắc Vàm Nao mà nông dân tụi tui mới trồng được nếp ba vụ/năm. Nhưng do canh tác theo tập quán truyền thống và chuyên canh giống nếp địa phương cho nên có vụ trúng, vụ mất. Rồi thêm vào canh tác liên tục, sâu bệnh cũng nhiều, phân thuốc tăng thêm... Vì vậy, dẫu sản xuất quanh năm nhưng lời lãi chẳng đáng là bao", anh Trần Văn Tâm, tổ viên HTX Phú Thượng tâm sự. Chính yếu tố đó đã khiến những thành viên cốt cán của HTX cứ canh cánh bên lòng là làm sao để hạ giá thành, nâng cao năng suất mà sản phẩm làm ra cũng chất lượng, cạnh tranh hơn. "HTX Phú Thượng này ra đời đến nay đã 16 năm, kinh nghiệm làm nếp có người hơn 30 năm. Vậy mà, ứng dụng hết trơn mấy phương pháp khuyến nông cũng chẳng tăng thêm sản lượng, hạ chi phí được mấy", Chủ nhiệm HTX Lê Văn Tài nói.
Vụ đông xuân trước, dự án nông nghiệp cạnh tranh được ngành nông nghiệp An Giang chọn huyện Phú Tân là địa bàn triển khai. Hiểu được tâm tư của bà con, huyện chọn HTX Phú Thượng thí điểm. "Ban đầu nghe tên dự án lạ, rồi giảm phát thải khí nhà kính,... nói thiệt lòng, tụi tui nghe muốn lùng bùng cái lỗ tai. Mình chỉ muốn làm sao năng suất cao, ít phân thuốc, còn tên gọi, mục tiêu dự án sao nghe xa vời, hình như cũng không dính chút nào với dự tính hết trơn". Anh Tài chia sẻ. Chính vì lẽ đó, khi dự án chính thức triển khai, nài nỉ lắm mới có chín hộ chịu "gật đầu" tham gia, chủ yếu là anh em chủ chốt HTX.
Chín hộ được chia làm ba nhóm: ba hộ làm đất không đốt rơm, ba hộ ngâm khô xen kẽ và ba hộ đối chứng, thí điểm diện tích 4,7 ha. Tất cả chín hộ đều sạ thưa 12 kg/1.000 m 2 (trong khi tập quán sạ dày 30 kg/1.000 m 2 ) khiến ai cũng vừa làm vừa run. Giống cũng phải mua giống xác nhận, chi phí đắt hơn nhiều so với tập quán canh tác truyền thống. Vừa canh tác vừa lo ngay ngáy khi từ bơm tưới nước đến xịt thuốc, bón phân cũng phải theo cách mới, khác xa cách cũ một trời, một vực. "Lỡ làm gương thí điểm chứ lúc đó tui bị bà xã la dữ lắm, nếu mà vụ đó thua bây giờ hổng biết bả xử tui đến mức nào nữa. Cuối vụ, cả sáu ruộng thí điểm năng suất đạt 7,5 tấn/ha, trong khi ruộng đối chứng làm cách cũ chỉ lẹt đẹt hơn năm tấn. Bà con ai nấy đều phấn khởi ra mặt. Vậy là cạnh tranh trong làm nếp đã rõ. "Cạnh tranh" là thay đổi tư duy sản xuất, cách tổ chức canh tác, quản lý nguồn nước, giảm phát thải khí nhà kính,... chuyên gia nói ngày đầu, lúc đó tụi tui mới hiểu tường tận", nông dân Nguyễn Văn Ly nhớ lại.
... Đến đưa nông nghiệp phát triển bền vững
Từ vụ thí điểm thành công rực rỡ, ngay vụ hè thu sau, thành viên HTX đăng ký tham gia mô hình tăng vọt lên gần 150 hộ, diện tích lên 286 ha. Nhiều hộ đăng ký cũng khiến HTX khó xử, khi năng lực ban đầu phục vụ cho dự án chỉ ở mức thí điểm, nay gần như đại trà. Trước nhu cầu chính đáng của bà con, ban chủ nhiệm HTX nhanh chóng bàn bạc và thống nhất tăng số cổ phần HTX lên 5.964 cổ phần (100 nghìn đồng/cổ phần), nhằm có đủ vốn lưu động để vận hành 20 trạm bơm cho xã viên canh tác, Phó Chủ nhiệm HTX Lê Văn Dũ cho biết. Các thành viên thí điểm ban đầu của HTX trở thành "đồng đẳng viên", "chuyên gia chân bùn" tích cực chuyển giao công nghệ cho bà con. Ban chủ nhiệm chia các hộ tham gia thành năm tổ sinh hoạt với nòng cốt một thành viên ban chủ nhiệm. Trên tinh thần tự học hỏi của nông dân, các mô hình đã thành công ngoài mong đợi, vụ hè thu năm đó năng suất đạt 6,5 tấn/ha, còn vụ đông xuân vừa qua bình quân năng suất đạt 8,5 tấn/ha, cá biệt lên 10 tấn/ha. Sau gần năm vụ canh tác, gần như tất cả xã viên và nông dân trong vùng, kể cả các xã lân cận cũng đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm và làm theo. Cụm từ "cạnh tranh nông nghiệp" giờ trở thành "câu cửa miệng" của nông dân. "Từ thời điểm đó, ban chủ nhiệm HTX đẩy nhanh thành lập tổ nhân giống nếp nhằm cung ứng nguồn giống xác nhận đúng tiêu chuẩn cho bà con canh tác theo yêu cầu mô hình, tính chuyện lo đầu ra cho sản phẩm nữa. Hiện giờ HTX chỉ mới dừng lại ở khâu trung gian, HTX hướng đến trở thành đầu mối thu gom, tìm đầu ra ổn định cả về giá cả, sản lượng cho bà con. Đích cuối cùng của nông nghiệp cạnh tranh, bền vững là vậy!" - Chủ nhiệm HTX Lê Văn Tài hỉ hả nói.
Những ngày này, Phú Thượng đang cuối mùa nếp vụ ba, dọc đường liên xã vùng Chữ O (Phú Tân), đâu đâu cũng gặp cảnh người dân hối hả thu hoạch nếp, người mua kẻ bán, xe tải, ghe chành xếp nếp hàng ngang, dãy dọc, tiếng cười nói hòa lẫn tiếng xe cộ tạo nên bức tranh no ấm, trù phú của một vùng quê. Mô hình "nông nghiệp cạnh tranh" ở HTX nông nghiệp Phú Thượng đã khởi đầu cho một nền nông nghiệp sản xuất theo hướng hiện đại, bền vững trên "vương quốc nếp" Phú Tân.
HTX Phú Thượng có 134 xã viên tham gia góp vốn, tổng diện tích toàn HTX 764,7 ha, doanh thu hằng năm khoảng một tỷ đồng. Hiện HTX đã được dự án đầu tư máy gặt - đập liên hợp, máy san phẳng ruộng tia la-de và nhà kho với sức chứa 1.000 tấn. |