Nông dân miền Tây được mùa cá lóc

Nông dân miền Tây được mùa cá lóc
Do tính thời vụ nên ở ĐBSCL vào mùa nước nổi, cá lóc giống được các trại nuôi ráo riết lùng mua. Hiện giá cá lóc giống thân bằng chiếc đũa ăn có giá từ 350-450 đồng/con.

Ông Lê Thái Nguyên, chủ trại cá giống xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai (TP. Cần Thơ) cho biết, những ngày này, ngoài cá chép và mè hoa, cá lóc giống ở cơ sở ông đang được tiêu thụ rất mạnh.

Theo lý giải của ông Nguyên, thường vụ thả nuôi sẽ kết thúc vào tháng 8, tháng 9 âm lịch nên các điểm nuôi cùng lúc tranh mua cá giống. "Mùa lũ thức ăn cho thủy sản nuôi rất phong phú. Cá lóc lại là loài ăn tạp, nếu nuôi trễ thì không tận dụng được cá bổi (cá vụn, cá nhỏ đẻ làm mồi...) vốn sinh sôi mạnh khi lũ lên. Cá nuôi trong mùa nước lũ rút ngắn được thời gian khoảng 15-20 ngày, nhờ môi trường nước tốt và đầy đủ thức ăn", ông Nguyên nói.

Thị trường cá lóc con có 2 giống đang rất thịnh hành, là cá lóc đầu vuông (đầu bằng) và đầu nhiếm (đầu nhọn). Mùa này, hộ kinh doanh có ao nuôi thường thả số lượng lớn, lên đến 30-50 ngàn con. Còn những hộ nuôi nhỏ lẻ thì cũng vài ngàn con. Hiện giá cá lóc giống lòng (kích cỡ đo ở phần thân cá) 8 đến lòng 10 (loại 8-10mm, tương đương thân bằng chiếc đũa ăn) có giá từ 350-450 đồng/con. Mùa này, một ngày cơ sở của anh Nguyên bán từ 4.000 đến 5.000 con giống.

Cá lóc giống loại 8-10mm, giá dao động từ 350-450 đồng/con. Ảnh Ngọc Trinh

Trên quốc lộ 91, đoạn từ Ô Môn đi Thốt Nốt, có hơn 30 cơ sở chuyên kinh doanh bán cá giống đang vào mùa hoạt động sôi nổi. Như cơ sở của anh Nguyễn Văn Chuyện (Tư Chuyện), ở phường Thới Hòa, quận Ô Môn (TP. Cần Thơ), với nguồn cá lóc giống lấy từ các vùng chuyên canh Đồng Tháp, An Giang đem về nuôi dưỡng; khi cá con đạt từ lòng 8 trở lên thì bán lại cho nông dân. Để đảm bảo lượng giống lớn đáp ứng thị trường, anh Chuyện đầu tư thêm hệ thống ao nuôi dưỡng cá giống rộng 4-5ha. Cá được thả nuôi gồm các loại: cá trê, cá chép, mè hoa, rô phi, mè vinh, điêu hồng…; trong đó, lượng cá lóc giống chiếm tỷ lệ 40% nhưng vẫn luôn thiếu hàng đáp ứng. Theo anh Tư Chuyện, mùa lũ năm nào cá giống cũng hút hàng nên giá thường tăng hơn so với các tháng mùa hạn.

Ông Hồ Văn Vọng, chủ cơ sở cá giống ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành (An Giang) cho biết, hằng năm, ông cung cấp khoảng 1 triệu cá lóc giống cho bà con trong và ngoài xã. Trước đây ông nuôi cá lóc thịt. Khi có kinh nghiệm, ông đã sản xuất giống để tự nuôi. Thấy mô hình nhân giống cá lóc đạt hiệu quả, ông đầu tư sản xuất và ương với quy mô mỗi đợt 15 cặp cá giống bố mẹ. Thời gian ương một tháng, cơ sở ông có thể xuất bán được 175.000 con cá giống mỗi đợt. Với giá bán bình quân 250 đồng/con, trừ tất cả chi phí, ông còn lãi cũng trên 32 triệu đồng/đợt.

 

Vùng ương nuôi cá lóc giống ở An Giang. Ảnh Ngọc Trinh
Cơ sở ương cá lóc của ông Nguyễn Văn Ký, ấp 3, xã Phú Minh, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) có quy mô lớn hơn. Sở hữu 47 cặp cá lóc bố mẹ, mỗi năm ông Ký thu về gần 100 triệu đồng. Theo ông Ký: “Để chọn cá bố mẹ làm giống thì ngoài đặc điểm cá to khỏe (trọng lượng trên 2 kg/con); cần lựa cá có thân hình suôn, thẳng đều; không dị tật, bụng to… Mỗi tuần chỉ nên cho cá nuôi để đẻ ăn một lần (mồi là cá biển); nếu cho cá ăn nhiều, cá bố mẹ bị béo, trứng ít.”.
 

Ông Ký cũng là người sáng kiến tạo ra chòi cho cá đẻ độc đáo: “Ban đầu, tôi để cá tự làm ổ đẻ; nhưng tỷ lệ cá con hao hụt quá cao, do ếch nhái tấn công; nên tôi nghĩ ra cách bảo vệ bằng việc làm chòi cho cá đẻ. Vật liệu làm nhà đơn giản, chỉ cần 4 cây trúc cấm xuống ao theo hình vuông, mỗi cây cách nhau khoảng 70 - 80cm. Rồi dùng lưới cước bao bọc chung quanh, từ mặt nước trở lên; phần trên che lại bằng lá, ngăn ếch nhái; phần dưới mặt nước để trống cho cá bố mẹ ra vào”.

Ông Ký cho biết thêm, cá lóc bắt đầu đẻ từ tháng Chạp đến tháng 6 âm lịch. Nếu chăm sóc tốt, cứ 2 tháng cá có thể đẻ một lần; trung bình mỗi ổ trứng nở từ 8.000 – 10.000 con. Sau khi cá đẻ được vài giờ thì vớt trứng cho vào trong vèo và khoảng 2 ngày đêm trứng sẽ nở thành cá bột. Nuôi cá bột thêm 1 tháng thì có thể bán cá con.

Theo tienphong.vn