Nông nghiệp vùng ĐBSCL luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và khu vực. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL hiện chưa mang tính bền vững; sản xuất còn manh mún, việc tổ chức sản xuất nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm, việc đầu tư hạ tầng thủy lợi, giao thông... vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ cho nông nghiệp hiện đại.
Vấn đề đặt ra là phải cơ cấu lại nền nông nghiệp, trong đó tập trung liên kết vùng và xây dựng những sản phẩm chất lượng, mang thương hiệu sẽ là hướng đi mới cho nông nghiệp vùng ĐBSCL.
|
Từng bước cơ giới hóa sản xuất tăng lợi nhuận sau thu hoạch tại ĐBSCL. |
Theo GS.TS Lê Quang Trí, Giám đốc Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu Trường Đại học Cần Thơ, hiện nay, việc ứng phó vẫn còn mang tính hộ gia đình và tự phát; một số chính sách còn nhiều bất cập nên chưa khuyến kích được nông dân tham gia một cách đồng bộ. Do đó, các địa phương cần có những hoạch định chính sách rõ ràng, xác định việc liên kết vùng theo hướng tiếp cận vùng, đa ngành để phát huy hết lợi thế của địa phương, của vùng.
“Sự biến đổi khí hậu và tác động nguồn nước là một hiện tượng xảy ra trong điều kiện tự nhiên cần phải từng bước chúng ta khắc phục. Có hai hướng, thứ nhất là thích ứng và thứ hai là ứng phó, chuẩn bị trước về những chính sách của nhà nước đối với vấn đề nông nghiệp để tương ứng với những hiện tượng đó”, GS.TS Lê Quang Trí cho biết.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó phòng Cây lương thực - thực phẩm, Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đánh giá, doanh nghiệp và nông dân vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với các mặt hàng nông sản chất lượng cao với giá rẻ vào thị trường, trong khi các sản phẩm nông nghiệp vẫn chưa đáp ứng được một số tiêu chuẩn quốc tế. Giá thành thì cao hơn các nước trong khu vực. Sự cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt không chỉ trên sân nhà lẫn sân khách.
Ngoài ra, do tác động của hiện tương tự nhiên nên tình hình dịch bệnh sẽ có chiều hướng gia tăng. Chi phí sản xuất sẽ cao, trong khi đó hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Do đó, việc liên kết sản xuất giữa địa phương, doanh nghiệp và người dân để hình thành các tổ hợp tác, mô hình, trang trại sẽ tạo ra những động lực phát triển. Từ đó xây dựng nền nông nghiệp theo chuỗi khép kín và chất lượng.
“Cần sự quyết tâm của cả hệ thống nông nghiệp. Cơ quan chuyên môn, cơ quan chỉ đạo và các địa phương và người nông dân cùng chung một cách nhìn, chung một cách đánh giá về những thuận lợi, khó khăn và cùng tổ chức thực hiện để có thể sử dụng đất trồng lúa ĐBSCL hiệu quả hơn”, ông Tùng cho biết.
Tại Đồng Tháp, cách đây 3 năm, địa phương đã khởi động Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhưng vấn đề biến đổi khí hậu chưa được đề cập sâu. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến nông nghiệp ngày càng rõ nét. Vì vậy, đến nay Đồng Tháp đã lên kế hoạch cập nhật, bổ sung nội dung này.
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư tỉnh Đồng Tháp nêu rõ, thời gian qua, địa phương đã có những bước đánh dấu tích cực trong việc liên kết sản xuất nông nghiệp bằng cách đổi mới tổ chức sản xuất, đẩy mạnh hợp tác, liên kết, thị trường. Trong đó chú trọng giảm chi phí và sản xuất an toàn. Từ đó nâng cao giá trị nông sản để tăng thu nhập cho người dân. Nhờ vậy nhiều mặt hàng nông sản đã được bao tiêu và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.
“Quy mô sản xuất nhỏ lẻ làm cho xây dựng thương hiệu khó và chi phí đầu vào tăng cao, trong khi lợi thế cạnh tranh hiện dựa trên chi phí thấp và chất lượng nông sản cao. Đồng Tháp cũng như nhiều tỉnh ĐBSCL đang hướng tới mô hình giảm chi phí, qua đó giúp cho bà con tiếp cận những mô hình sản xuất thông minh, sản phẩm của mình sạch hơn”, ông Hoan cho biết.
Ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên Chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho rằng, nông nghiệp vùng ĐBSCL cần nhìn lại việc chạy theo danh xưng “Vựa lúa quốc gia” hay “Vương quốc trái cây” vì sản lượng tăng nhưng thu nhập của người dân ngày một giảm. Bên cạnh đó, việc quản lý và giám sát các tiêu chuẩn chất lượng còn nhiều bất cập; hiện tượng tranh mua, tranh bán diễn ra ngày càng gay gắt. Đây là một trong nhiều thách thức được đặt ra đối với nông nghiệp vùng ĐBSCL
“Tái cơ cấu nông nghiệp phải xây dựng được những chuỗi giá trị, các mặt hàng có lợi thế từ đầu vào sản xuất, sau thu hoạch chế biến thương mại với quy mô đủ lớn mới có sức cạnh tranh. Liên kết phát triển các tiểu vùng, những vùng chuyên canh như nông dân chuyên nghiệp, sản xuất quy mô lớn, kinh tế hợp tác phát triển áp dụng tiêu chuẩn, phối hợp các tiểu ngành không chỉ ở lĩnh vực nông nghiệp mà cần phối hợp với sự phát triển hỗ trợ của khu vực đô thị”, ông Hiệp nêu rõ.
Như vậy, tái cơ cấu và phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL phải liên kết giữa doanh nghiệp với người dân, gắn với cung cầu thị trường; tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao mang thương hiệu của địa phương và vùng.
Bên cạnh đó, tập trung cho việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất từ thu hoạch, bảo quản, vận chuyển đến tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thách thức trước hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay./.
Phạm Hải/VOV
Theo