Nông sản Việt đuối sức
- Thứ hai - 15/06/2015 23:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cuộc điều tra bắt nguồn từ việc các chuyên gia muốn trả lời cho câu hỏi: Vì sao kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam liên tục giảm sâu bất thường kể từ đầu năm 2015 đến nay? Trong đó, 4 loại nông sản chủ lực là gạo, cà phê, cao su và thủy sản đều rớt mạnh cả về giá trị và sản lượng - có mặt hàng giảm tới 40%. Những số liệu thu thập được cho thấy, không có chuyện nông sản Việt rớt do cung vượt cầu và nhu cầu của thế giới giảm, đồng thời ảnh hưởng của biến động tỷ giá cũng không gây ảnh hưởng nhiều, mà nguyên nhân chính là do nhiều loại nông sản Việt Nam đã bị đánh bật khỏi các thị trường, không cạnh tranh lại. Bằng chứng là nhiều nước xuất khẩu nông sản khác, kim ngạch vẫn rất ổn định hoặc tăng trưởng.
Những năm qua, sở dĩ kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng vì chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng theo số liệu của Mỹ công bố, Campuchia đang nổi lên là một thị trường “đáng gườm”. Quý 1-2015, Campuchia đã xuất hơn 70.000 tấn gạo vào Trung Quốc (số liệu chính ngạch, không thống kê được tiểu ngạch). Các tổ chức về lúa gạo khẳng định gạo Campuchia đang được đánh giá đứng đầu thế giới về chất lượng. Trong khi đó, Myanmar cũng đang dần nổi lên là một quốc gia lúa gạo tiềm năng trong khu vực, sẽ gây áp lực cho xuất khẩu lúa gạo Việt Nam trong tương lai không xa.
Các mặt hàng khác như cao su, cà phê, hồ tiêu, chè… cũng gặp tình trạng tương tự, đang đứng trước nguy cơ bị thế chân bởi nhiều quốc gia. Buồn hơn, ngay cả mặt hàng thủy sản là một sản phẩm chiến lược mang về nguồn ngoại tệ lớn cũng mất dần thị phần. Con tôm Việt đang phải nhường sân cho các nước khác xuất khẩu vào Mỹ và Nhật. Tại Nhật, người dân đã chuyển sang tiêu dùng loại tôm từ Argentina mặc dù tổng cầu không hề sụt giảm. Cá tra là sản phẩm chỉ có ở đồng bằng sông Cửu Long nhưng ở châu Âu không có thương hiệu cá tra Việt Nam mà nhiều năm nay vẫn được bán cùng nhóm cá thịt trắng đông lạnh, phải cạnh tranh với cá rô phi giá rẻ và cá tuyết có rất nhiều trên thị trường.
Sụt giảm kim ngạch, không đủ sức cạnh tranh trên thị trường, dần mất thị phần đang là hồi chuông báo động về một nền nông nghiệp lạc hậu, không được đầu tư đúng mức. Hiện Bộ NN-PTNT đang thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhưng sau hơn một năm, tiến độ vẫn còn khá ì ạch, chưa có hiệu quả bứt phá. Nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng chúng ta phải dần từ bỏ cung cách sản xuất theo kiểu “chợ làng”, “hàng xén” để sản xuất những mặt hàng mà thế giới cần với giá cả tốt, chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đi tìm giải pháp phục hồi và tiếp sức cho nền nông nghiệp đòi hỏi phải có giải pháp mạnh và quyết liệt. “Lột xác” một nền nông nghiệp manh mún, lạc hậu không chỉ là chuyện đầu tư bao nhiêu, như thế nào mà điều quan trọng là phải có cơ chế, chính sách đúng đắn để thu hút đầu tư của doanh nghiệp trong nước và FDI vào nông nghiệp, nâng cao trình độ - tay nghề cho nông dân, quy hoạch chính xác để cân đối cung - cầu, giá cả những mặt hàng nông sản chiến lược về xuất khẩu.
VĂN PHÚC HẬU
theo nhandan