Nông sản có đầu ra, nhờ tiếp thị "đủ kiểu"
- Thứ sáu - 02/09/2016 23:11
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chủ động tiếp thị, đảm bảo chất lượng
HTX Rau an toàn Thành Lợi (Bình Tân) là đơn vị đi đầu về mô hình sản xuất theo đơn đặt hàng, gắn với thị trường tiêu thụ. Ông Lê Văn Trung- Giám đốc HTX vừa báo tin vui: “Một công ty ở Hậu Giang vừa điện thoại đặt hàng mỗi tháng hàng chục tấn đậu bắp xanh. HTX đang gấp rút vận động xã viên trồng để đủ số lượng cung ứng”.
HTX hiện có 22 thành viên góp vốn sản xuất trên diện tích 50ha, mỗi năm cung ứng ra thị trường hơn 500 tấn đậu bắp xanh. Đậu bắp được thu mua xuất sang Nhật Bản và Singapore, giá cao hơn thị trường từ 1.000- 2.000 đ/kg.
Để làm được điều này, ông Trung cho biết HTX không sản xuất đại trà mà chỉ khi nào có đơn đặt hàng, thỏa thuận giá cả, số lượng mới tổ chức trồng. “Chúng tôi phải tích cực tiếp thị, lặn lội đến từng công ty để chào hàng, dĩ nhiên mình phải có sản lượng và quy trình sản xuất đáp ứng yêu cầu của họ”.
Ông cho biết thêm, nhờ đó mà HTX đang có nhiều hợp đồng cung ứng ở công ty Hậu Giang, Cần Thơ, Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh...
Biết là đầy khó khăn, nhưng HTX Rau an toàn Phước Hậu (Long Hồ) những năm gần đây cũng “mở đường” để từng bước chiếm lĩnh thị trường cao cấp. Ông Trần Văn Hiền- Giám đốc HTX cho biết:
Nông dân trong HTX rất quan tâm trồng các loại rau gia vị theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ định hướng này mà thời gian qua HTX tạo được niềm tin cho đối tác. Hiện mỗi ngày cung cấp 20 loại rau gia vị sạch cho Co.opmart Vĩnh Long và Metro Cần Thơ.
“Con đường này rất khó đi vì phải qua nhiều chặng như phải học kinh nghiệm, sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật, tìm kiếm thương hiệu. Thậm chí, sẽ quản lý sản phẩm theo đúng mã vạch, mỗi nông hộ sẽ phải tự chịu trách nhiệm về nông sản của mình.”- ông nói.
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, hiện toàn tỉnh có khoảng 9 HTX thu mua nông sản cho nông dân. Có rất nhiều HTX, tổ hợp tác ký kết hợp đồng với doanh nghiệp lớn bao tiêu. Trong đó, phải kể đến HTX Tân Quới liên kết công ty ở Hậu Giang, Sóc Trăng cung cấp trên 500 tấn đậu bắp xanh mỗi năm; HTX Khoai lang Tân Thành cung cấp hàng chục ngàn tấn khoai cho chợ đầu mối ở TP Hồ Chí Minh,…
Giới thiệu trên website
Từ năm 2014, Trung tâm Thông tin nông nghiệp nông thôn cung cấp thông tin thị trường và kỹ thuật hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình liên kết sản xuất với tiêu thụ, hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm.
Trung tâm đã phát hành bản tin nông nghiệp nông thôn và bản tin khuyến nông thị trường; thông tin trên website của ngành, tổ chức và tham gia các hội chợ, nhằm giới thiệu và quảng bá các sản phẩm nông sản chủ lực với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Hiện tại trung tâm đang xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về hệ thống sản xuất và thu mua nông sản trong tỉnh phục vụ công tác xúc tiến thương mại.
Sàn giao dịch nông sản cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cá nhân sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp quảng bá hình ảnh, tìm đối tác kinh doanh. Đặc biệt, dịch vụ cung cấp giá các mặt hàng nông sản qua tin nhắn điện thoại SMS vào các ngày thứ 2 và thứ 6 hàng tuần đã nhận được rất nhiều ý kiến đồng tình của doanh nghiệp và nông dân. Nhờ tiếp thị “đủ kiểu” mà nông sản được nhiều nơi biết đến.
Năm 2015, từ những thông tin và sau cuộc tham quan thực tế ở một số vườn trái cây, chợ nổi Trà Ôn, nhiều siêu thị lớn ở Hà Nội đã “gật đầu” cho nông sản Vĩnh Long vào bày bán. Theo Công ty TNHH 1TV Hương bưởi Mỹ Hòa (TX Bình Minh), đến thời điểm này đã cung cấp trên 240 tấn bưởi cho Siêu thị Fivimark; HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước (Long Hồ) cũng được nhiều siêu thị phía Bắc “đặt vấn đề” cung ứng 7 tấn/tuần, nhưng vì không đủ khả năng nên chưa dám ký hợp đồng.
Mỗi năm, Hà Nội cần khoảng 900.000 tấn rau quả nhưng hiện địa phương chỉ đáp ứng khoảng 18%. Ông Đỗ Hoàng Thạch- Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cho biết, doanh nghiệp và dân Hà Nội rất “mê” nông sản Vĩnh Long, nhưng tiếc vì “chưa thể mua số lượng lớn, bởi khó khăn khâu vận chuyển”.
Trong khi đó, một trong những điểm yếu khác của các nhà vườn hiện nay còn thiếu kỹ năng marketing, ứng dụng công nghệ thông tin để nắm thông tin thị trường và quảng bá sản phẩm mình làm ra.
Tuy nhiên, một nông dân trồng bưởi xã Mỹ Hòa nói thiệt: “Thị trường cao cấp chỉ lấy hàng đúng chuẩn 1- 1,3 kg/trái, tỷ lệ này đạt khoảng 20%, còn lại thì làm gì, bán cho ai? An toàn thực phẩm cũng là vấn đề, doanh nghiệp đòi cách 500m phải có nhà vệ sinh cho người làm vườn, mà phải tự hoại chứ không “sinh thái” nhưng tốn kém, mấy người làm được?”
Ông Lê Văn Trung cho biết, nông dân hiện đã nắm quy trình sản xuất an toàn, áp dụng tốt khoa học kỹ thuật, nhưng cái khó hiện là thiếu vốn để thiết kế bao bì, mẫu mã bước ra làm ăn lớn. Và điều không kém phần quan trọng là phải nắm vững luật lệ, có năng lực đàm phán và dự đoán diễn biến thị trường để đưa ra điều khoản trong hợp đồng.
Chính bởi thiếu cái này, nên nhiều hợp đồng không dám ký, tuột mất cơ hội. Vì vậy, ông Trung cho rằng, vấn đề tiếp tục mở rộng tìm đầu ra cho nông sản, người nông dân không thể tự mình “bơi” ra biển lớn mà rất cần hỗ trợ hơn nữa từ phía Nhà nước.
Nguồn: baovinhlong.com.vn