Nông sản mất giá, xuất khẩu còn lo

Kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam lần đầu tiên đã vượt dầu thô. Đây là một kỳ tích, nhưng để kỳ tích này tiếp tục lâu dài và ổn định, đem lại giá trị thực sự cho nông dân thì còn rất nhiều việc phải làm, khi tình trạng rau củ quả mất giá, thiếu các tiêu chuẩn để xuất khẩu vẫn còn đó.

Những ngày gần đây rộ lên tình trạng dưa hấu rớt giá thê thảm chỉ còn 1.000 – 1.500 đồng/kg tại Quảng Nam. Tính đến ngày 8/5, hơn 5.000 tấn dưa hấu vụ Đông Xuân 2017 – 2018 trên địa bàn tỉnh này vẫn đang chờ “giải cứu”.

Nhiều nông dân ở đây khốn đốn vì thương lái Trung Quốc đột ngột dừng mua do dưa hấu ở nước này cũng đang trong thời kỳ thu hoạch. Nông dân trồng dưa hấu ở các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) cũng rơi vào cảnh tương tự.

Đừng say sưa kỳ tích

Không khác gì những đợt “giải cứu” nông sản trước đây, chính quyền các địa phương trên buộc phải bắt tay kêu gọi các tổ chức, nhà hảo tâm, mạnh thường quân giúp đỡ bà con nông dân tìm kiếm đầu ra để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Không chỉ có dưa hấu, các loại nông sản khác ở Quảng Ngãi như ớt xiêm, bí đỏ cũng rớt giá mạnh.

Có lẽ việc cảnh báo “được mùa mất giá” và sự phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc của rau củ quả Việt là quá thừa thãi, bởi đã được nói đến rất nhiều. Vậy nhưng, chuyện “giải cứu” nông sản vẫn thường xuyên lặp lại từ năm này sang năm khác.

Trong khi đó, ở một diễn biến khác, số liệu thống kê mới đây cho thấy xuất khẩu (XK) rau quả trong 4 tháng đầu năm 2018 đã đem về kim ngạch 1,32 tỷ USD cho ngành nông nghiệp, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2017. Không những vậy, thành tích này còn được đem ra so sánh là lần đầu tiên đã vượt qua dầu thô.

Giữa một bên là rớt giá cần “giải cứu” và một bên là kỳ tích, nếu nhìn vào tình hình chung của XK nông sản hiện nay sẽ thấy còn chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro, thiếu bền vững, không thể thấy thành tích đó mà không nhận ra các điểm yếu cố hữu.

Theo các chuyên gia, XK rau củ quả như hiện nay là một kỳ tích, nhưng để kỳ tích này tiếp tục bền vững, đem lại giá trị thực sự cho nông dân thì còn rất nhiều việc phải làm.

Đơn cử như hồ tiêu, Việt Nam đang là quốc gia XK hồ tiêu lớn nhất thế giới nhưng trước việc tình hình giá thảm hại như hiện nay (khoảng 60.000 đồng/kg), người nông dân trồng tiêu đang rơi vào cảnh điêu đứng.

Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, bà Alice, phụ trách kinh doanh XK hồ tiêu của công ty Xuất nhập khẩu nông sản Phúc Lợi (Tp.HCM), đã dự báo giá hồ tiêu trên thế giới khoảng 2 năm nữa mới có thể phục hồi.

nong-san-3498-1525818579.jpg

Dưa hấu đang rớt giá chờ “giải cứu” tương phản với kỳ tích xuất khẩu rau quả

Việc cần làm

Theo bà Alice, nếu bây giờ nông dân trồng tiêu găm giữ hàng để chờ giá lên trong vài tháng tới là rất khó. Diện tích trồng tiêu (trước đó đã tăng vượt mức quy hoạch) nay đã bắt đầu giảm, nhưng nguồn cung vẫn còn cao hơn cầu không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Thông thường, doanh nghiệp (DN) XK chỉ thu mua hạt tiêu trong vụ mùa mới chứ không thể thu mua hàng tồn kho lâu ngày của nông dân khi chất lượng không đảm bảo.

Về thị trường XK nông sản, thực tế Trung Quốc hiện đang chiếm đến 77% thị phần và nông sản chịu nhiều rủi ro với thị trường này. Trong khi đó, EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Bắc Mỹ là những thị trường lớn, giá trị XK cao, nhưng DN Việt Nam đang gặp khó khăn bởi những luật lệ, quy định mới chặt chẽ…

Điều này đòi hỏi cần có những cái nhìn cụ thể, những “việc cần làm” để giúp DN Việt xây dựng chiến lược nhằm XK nông sản lâu dài, ổn định. Nhất là lâu nay, nhiều DN nông sản, thực phẩm có quy mô nhỏ thường chỉ XK nguyên liệu thô hay làm gia công là chính nên không thường bị xét “giấy thông hành”.

Trừ thủy sản là có tiêu chuẩn rõ ràng, lại trong tay nhiều “đại gia”, DN nhỏ khó vào thị trường cao giá này. Ngoài ra, người nông dân và DN nhỏ cũng chưa hiểu hết về các tiêu chuẩn đặt ra tại các thị trường cao cấp.

Vấn đề đặt ra là tại sao DN Việt muốn XK nông sản được giá nhưng lại ít coi trọng và chưa thực hành nhiều về tiêu chuẩn chất lượng, một loại “luật chơi” phổ quát mà thế giới đã có những quy định chung?

Có thể nói những yếu tố nền tảng mà DN Việt cần xây dựng để có thể thâm nhập và phát triển bền vững ở những thị trường lớn là: Phải đảm bảo tiêu chuẩn và chất lượng của sản phẩm, phải nâng cao thương hiệu và giá trị gia tăng từ nguyên liệu nông sản là tài nguyên bản địa cộng với tác động của công nghệ.

Và tiêu chuẩn chất lượng + giá trị gia tăng từ ứng dụng công nghệ là các yếu tố căn cơ để thúc đẩy nông sản Việt đi ra thế giới. Điều này khẳng định vai trò của tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và công nghệ tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Theo nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, tới đây, doanh số XK hàng nông sản Việt sẽ còn tăng lên nhiều hơn nữa gián tiếp ở một mặt nào đó.

Và việc DN đạt được các tiêu chuẩn về hội nhập do những tổ chức trong nước có đủ năng lực, điều kiện xác nhận (không phân biệt đó là những tổ chức của Nhà nước hay là tư nhân) sẽ góp phần hỗ trợ XK nông sản Việt được tốt hơn.

Thế Vinh/http://thoibaokinhdoanh.vn/