Nuôi yến ở Việt Nam và bài học từ các nước
- Chủ nhật - 09/07/2017 23:47
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hiện nhiều vùng nuôi yến ở Indonesia, Malaysia bị chựng lại, vì nguồn sản sinh côn trùng tự nhiên làm mồi ăn cho đàn yến đã suy kiệt.
Theo Hiệp hội Yến sào Việt Nam, nghề khai thác tổ yến đã xuất hiện lâu đời ở Việt Nam. Khởi đầu chỉ là việc thu hoạch tổ yến trên các vách đá cheo leo nguy hiểm ở các hoang đảo; thời gian sau này, khi phát hiện có chim yến làm tổ ở những ngôi nhà cổ, đã hình thành nghề nuôi yến trong nhà và đang phát triển ở nhiều tỉnh, thành, chủ yếu phía Nam và bắt đầu lan ra cả phía Bắc.
Yến đảo và yến nhà
Suốt chiều dài duyên hải miền Trung - nhất là các đảo ven bờ từ tỉnh Quảng Bình - đến Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Phú Quốc (Kiên Giang), đều có đàn yến sinh sống; nhưng 3 quần thể chim yến tập trung lớn nhất là Cù Lao Chàm - Hội An (Quảng Nam), bán đảo Phương Mai (Bình Định) và các đảo yến tỉnh Khánh Hòa.
Điều đáng lưu ý là sản lượng yến đảo ở Cù lao Chàm và bán đảo Phương Mai hiện suy giảm, chỉ ở Khánh Hòa có tăng nhưng không nhiều: Năm 1996 là 4 tấn, đến 2016 (sau 20 năm) là 6 tấn, chỉ tăng 25%. Các nhà chuyên môn nhận định, trong 10 năm tới, nghề thu hoạch yến đảo sẽ gặp khó khăn, sản lượng bị sụt giảm. Nếu được quản lý tốt như ở Khánh Hòa thì sản lượng có tăng, nhưng cũng rất ít (khoảng 2% - 3%/năm). Nguyên nhân là các vùng ven biển từ Thanh Hóa tới Bình Thuận đã và đang hình thành ngày càng nhiều các khu du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn và cả các khu công nghiệp. Vì vậy, những vùng ven biển trước đây là môi trường tự nhiên sản sinh côn trùng làm thức ăn cho đàn yến bị thu hẹp và phải lùi vào sâu đất liền, nên có khoảng 50% - 60% chim yến non (tơ) từ đảo khi đi tìm mồi sẽ không trở về đảo, mà vào những nhà yến trong đất liền để tìm nơi trú.
Tại Indonesia, nghề nuôi yến đã có gần 70 năm, đến nay có hơn 200.000 nhà yến, sản lượng trên 2.100 tấn/năm. Ở Malaysia, từ năm 1986 đến nay có hơn 60.000 nhà yến, sản lượng 800 tấn/năm. Ở Thái Lan, tính từ 1996 đến nay có gần 5.000 nhà yến, sản lượng 270 tấn/năm. Còn tại Việt Nam, sự xuất hiện nhà yến đầu tiên ở ấp An Hòa, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ (TPHCM) vào năm 2003 - nơi có khu rừng ngập mặn ven biển trên 30.000ha - đã đặt dấu son cho nghề nuôi chim yến ở TP và cả nước. Tính đến cuối năm 2016, Việt Nam có 5.800 nhà yến, tổng diện tích sàn nuôi hơn 1 triệu mét vuông, vốn đầu tư xã hội trên 7.500 tỷ đồng, tổng đàn chim ước khoảng 6,1 triệu con, sản lượng gần 50 tấn/năm, tạo ra sản phẩm hàng hóa khoảng 800 tỷ đồng/năm.
Tránh vết xe đổ
Trong 41 tỉnh, thành có nhà yến, TPHCM là địa phương nhiều nhất, với hơn 540 nhà yến tại 19 quận - huyện, sản lượng hơn khoảng 6 tấn/năm, chủ yếu tập trung tại huyện Cần Giờ với 231 nhà. Kế tiếp là Rạch Giá, Tiền Giang, Bạc Liêu và một số tỉnh miền Trung. Theo Hiệp hội Yến sào Việt Nam, tốc độ xây dựng nhà yến nửa đầu năm 2017 vẫn nhiều và trải đều khắp các tỉnh phía Nam, từ đèo Hải Vân (tiếp giáp giữa Thừa Thiên - Huế với Đà Nẵng) đến tỉnh Cà Mau và đảo Phú Quốc (Kiên Giang), tỷ lệ xây dựng nhà yến mới tăng 23% - 25%/năm; riêng các vùng Tam Quan thuộc Bình Định, Hà Tiên ở Kiên Giang và Nghĩa An, Nghĩa Phú (Quảng Ngãi) tăng trên 35%. Hiện giá tổ yến (yến sào) thô do các nhà yến ở TPHCM bán ở mức 20 - 30 triệu đồng/kg, tổ yến tinh chế 40 - 45 triệu đồng/kg, một số loại đặc biệt có giá lên đến 100 - 200 triệu đồng/kg. Với vị trí ven biển, có nhiều khu rừng ngập mặn, rừng phòng hộ và cả dãy Trường Sơn là môi trường tự nhiên vô cùng phong phú cho nhiều chủng loại côn trùng sinh sống, nên Việt Nam có thể tiến xa hơn so với các nước Đông Nam Á trong ngành công nghiệp nuôi yến.
Để nghề nuôi yến trong nhà ở Việt Nam phát triển bền vững, cần tạo điều kiện giải quyết tính pháp lý của gần 5.800 nhà yến hiện có, hiện chỉ mới có 15 - 20 nhà yến được cấp phép xây dựng nuôi chim yến thử nghiệm tại huyện Cần Giờ (TPHCM), Rạch Giá, Long An và Bạc Liêu. Việc nuôi yến cần được xác định như những vật nuôi khác, được sử dụng đất nông nghiệp như đất nuôi trồng thủy sản, đất trang trại... Ngành chức năng cần xây dựng quy định về quản lý vệ sinh an toàn nhà yến, công bố vùng nuôi yến để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư…
Bên cạnh đó, cần rút kinh nghiệm của các nước trong khu vực để tránh đi vào vết xe đổ, khi sản lượng và doanh số bán tổ yến đang sụt giảm. Hiện nhiều vùng nuôi yến ở Indonesia, Malaysia bị chựng lại, vì nguồn sản sinh côn trùng tự nhiên làm mồi ăn cho đàn yến đã suy kiệt. Nguyên nhân do nạn khai thác tàn phá rừng và cháy rừng hàng năm; do tác động xấu của hiện tượng biến đổi khí hậu; do khi xây dựng những làng yến công nghiệp đã chưa tính toán đúng tốc độ đô thị hóa, các resort nghỉ dưỡng và các khu công nghiệp… đã xóa các vùng cung cấp mồi ăn tự nhiên cho đàn yến.
Theo tính toán của các nhà điểu học, tỷ lệ tăng cơ học của tổng đàn yến Việt Nam khoảng 13,4%/năm (ở Malaysia và Indonesia khoảng 10%/năm). Với tốc độ này, đến năm 2020, tổng đàn yến Việt Nam khoảng 13,2 triệu con và sản lượng tổ yến có thể ở mức 250 tấn; đến năm 2025 vào khoảng 21,5 triệu con và sản lượng 350 tấn; năm 2030 sẽ là 32,6 triệu con và sản lượng tổ là 800 - 1.000 tấn/năm, giá trị xuất khẩu 200 triệu - 500 triệu USD/năm. Lúc đó, cần khoảng 20.000 nhà yến xây dựng với khoảng 300 - 400 ha đất. Qua đó, tạo việc làm cho 20.000 lao động chăm sóc nhà yến và 120 triệu công lao động chế biến tổ yến mỗi năm, hiệu quả kinh tế dây chuyền rất lớn (Indonesia mỗi năm sử dụng hơn 500 triệu công lao động chế biến tổ yến xuất khẩu).