Ồ ạt mở rộng diện tích cây trồng, nông dân chịu thiệt
- Thứ bảy - 05/11/2016 11:09
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Rất nhiều bài học xương máu về việc phát triển “nóng” cây trồng dẫn tới tình trạng diện tích đó tăng gấp nhiều lần so với diện tích quy hoạch và hệ lụy kèm theo là giá nông sản rớt thảm hại, chất lượng nông sản kém do diện tích, mật độ cây trồng không theo quy hoạch.
Chắc chắn những người nông dân còn nhớ tới bài học trồng cây cao su, cây cà phê và cây điều. Vì trồng ồ ạt nên diện tích tăng nhanh từ vài hecta thời gian đầu, số lượng này tăng lên hàng trăm, thậm chí hàng nghìn và chục nghìn hecta chỉ trong một thời gian ngắn. Cụ thể diện tích trồng cây cao su một số tỉnh tăng gấp hai lần so với diện tích quy hoạch. Chính vì phát triển nóng nên chỉ trong 10 năm loại cây trồng này từ vị trí cây chủ lực nay thành cây trồng sản xuất ra nhưng không tiêu thụ được, chất lượng sản phẩm không đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi khắt khe ngày càng cao của thị trường. Chính Nguyên Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã từng cảnh báo: Phát triển “nóng” diện tích cây trồng có thể kéo theo nhiều hệ lụy từ phá vỡ quy hoạch đến chất lượng và thị trường nông sản. Cây cao su là một trong những bài học xương máu về tình trạng này.
Năm nay, người dân trồng chanh lại được một phen lao đao. Giá chanh đào năm ngoái có lúc cao điểm trên thị trường tới 40.000 đồng/kg còn trung bình khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg còn tại vườn cũng được 8.000 -10.000 đồng/kg. Chính vì vậy các hộ trồng chanh nổi tiếng ở Nghệ An như xã Chi Khê… năm nay quyết định mở rộng diện tích cây trồng. Nếu như năm ngoái, thời điểm này hầu hết các vườn chanh đã cho thu hoạch nhưng đến cuối tháng 10 nhiều vườn chanh mới thu hoạch được hơn 1/2 diện tích. Do mở rộng diện tích nên nhiều vườn không thu hoạch kịp. Giá chanh được mùa nhưng rất thấp chưa bằng nửa so với năm ngoái. Đến thời điểm cuối tháng 10, đầu tháng 11 giá chanh tại vườn chỉ 3.000 - 3.500 đồng/kg còn tại chợ dân sinh bán lẻ chỉ khoảng 12.000 - 13.000 đồng/kg như vậy so với giá bán chanh năm ngoái, giá năm nay thấp hơn nhiều.
Trước những khó khăn của người nông dân, chính quyền xã đã tìm nhiều giải pháp lâu dài để phát triển cây chanh trái vụ cho năng suất chất lượng cao, đảm bảo cuộc sống của người nông dân. Tuy nhiên, vấn đề trồng cây gì, nuôi con gì ngoài việc tìm đầu ra cho sản phẩm chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn cần có định hướng cho người nông dân để vừa nâng cao hiệu quả cây trồng vừa cho năng suất cao và không rơi vào lối mòn “được mùa mất giá”. Về phía người nông dân phát triển cây trồng cần có định hướng rõ, tránh phát triển “nóng” để rồi sản phẩm sản xuất ra lại không tiêu thụ được, dở khóc, dở cười.
Xuân Long (Báo Lao Động)