'Phát hoảng' với gà siêu rẻ Brazil: 7.000 đồng/kg

'Phát hoảng' với gà siêu rẻ Brazil: 7.000 đồng/kg
Giá thịt gà đông lạnh nhập từ Brazil về cảng Việt Nam có thời điểm rẻ như cho: 0,3-0,45 USD/kg (khoảng 7.000 đồng mỗi kg).

Ông Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, tiết lộ thông tin sốc: Giá thịt gà đông lạnh nhập từ Brazil về cảng Việt Nam có thời điểm rẻ như cho, chỉ khoảng 0,3-0,45 USD/kg, tương đương hơn 6.700-10.000 đồng/kg.

phat hoang voi ga sieu re brazil 7000 dong kg hinh 1
(Ảnh minh họa: joc.com)

Từ đó ông Quyết đề nghị: “Thời điểm này Brazil đang xảy ra vụ bê bối vụ thịt bẩn gây chấn động thế giới, các cơ quan chức năng nước ta cần rà soát, kiểm tra chặt các nguồn thịt nhập khẩu với giá rẻ bất thường như trên”.

Có thể là hàng hết “đát”

Ông Quyết nhận định thịt gà Brazil bán vào Việt Nam rất nhiều, trong khi thịt heo, trâu, bò… số lượng không lớn. Nếu tính về giá thành chăn nuôi gà thì Việt Nam cũng ngang ngửa Brazil, Mỹ, Canada…, khoảng 1 USD/kg gà công nghiệp.

“Nếu Brazil có lợi thế về nguồn thức ăn chăn nuôi có sẵn với khối lượng lớn về bắp, đậu nành thì Việt Nam cũng có những lợi thế khác. Như chi phí nhân công ở Việt Nam chỉ khoảng 200 USD/người/tháng, trong khi chi phí nhân công tại Brazil lên đến cả 2.000 USD/người/tháng. Vì vậy thịt gà đông lạnh vận chuyển từ Brazil đi nửa vòng Trái đất về cảng Việt Nam cũng phải có mức giá trên 1 USD/kg mới hợp lý chứ không thể có mức quá rẻ 0,3-0,45 USD/kg. Giá rẻ khó tưởng như vậy đủ giết chết ngành chăn nuôi gia cầm trong nước” - ông Quyết phân tích.

Cũng theo ông Quyết, nguyên nhân chính khiến giá thịt gà Brazil nhập về Việt Nam rẻ bèo chỉ có thể là hàng cận hoặc hết “đát” (hết hạn sử dụng). Chẳng hạn thịt gà ở Brazil chỉ có hạn sử dụng trong sáu tháng nhưng lượng hàng tồn không bán được chỉ còn hạn sử dụng khoảng một tháng thì giá rẻ hơn nhiều. Thậm chí hàng vừa hết hạn sử dụng bán rẻ như cho vì sẽ phải tiêu hủy hoặc làm thức ăn chăn nuôi.

Ông Quyết nói thêm: “Thịt gà giá rẻ bất thường chủ yếu bán trên các trang web hoặc bán cho các mối tiêu thụ lớn như bếp ăn công nghiệp, quán ăn, quán nhậu…”.

Quả thật khi chúng tôi khảo sát thực tế tại một số siêu thị đều không thấy bán thịt gà và các loại thịt khác từ Brazil. Đại diện Siêu thị Saigon Co.op cho hay các siêu thị thuộc hệ thống Co.opmart từ trước đến nay không bán thịt nhập khẩu từ Brazil mà chủ yếu là mặt hàng chăn nuôi trong nước. Đại diện Siêu thị BigC cũng phản hồi không bán các loại thịt từ Brazil.

Nhưng trong vai khách hàng hỏi mua thịt nhập từ Brazil bán trên trang web của một công ty tại TP.HCM, chúng tôi được nhân viên của công ty này cho biết: Giá chân gà Brazil là 40.000 đồng/kg, cánh gà 55.000 đồng, đùi gà chỉ 30.000 đồng/kg. Một công ty khác chuyên bán thịt bò nhập khẩu thì đang rao bán bắp bò Brazil với giá 170.000 đồng/kg.

Chị Nguyễn Thị Minh, nhà ở quận Phú Nhuận, TP.HCM, nói chị lo lắng trước thông tin về thịt bẩn Brazil. “Brazil xuất khẩu sang nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Do vậy các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt, thậm chí tạm ngừng nhập khẩu thịt từ nước này để bảo vệ người tiêu dùng” - chị Minh đề nghị.

Xem xét tạm ngừng nhập khẩu thịt Brazil

Trước vụ bê bối thịt bẩn gây rúng động Brazil, ông Nguyễn Văn Trọng, Cục phó Cục Chăn nuôi thuộc Bộ NN&PTNT, cho biết từ đầu năm 2017 đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 3.000 tấn thịt và sản phẩm thịt từ Brazil. Phần lớn các lô hàng thịt nhập khẩu từ Brazil là thịt gà, cánh gà, chân gà…

“Làm sao để chặn thịt bẩn từ Brazil vào Việt Nam?”. Trả lời câu hỏi này, ông Trọng khẳng định: Các cơ quan chức năng nước ta sẽ kiểm soát chặt chẽ vấn đề chất lượng. Cụ thể đối với thịt và sản phẩm thịt từ Brazil để xuất khẩu vào Việt Nam phải tuân thủ các quy định về kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu. Các nhà máy sản xuất thịt của Brazil phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thẩm định, kiểm tra, đánh giá từng cơ sở giết mổ và chế biến thịt. Nếu đạt yêu cầu thì mới được phép xuất khẩu vào Việt Nam.

“Tất cả lô hàng thịt nhập khẩu từ Brazil vào Việt Nam đều được lưu giữ tại khu vực cảng nhập. Sau đó các cơ quan thú y cửa khẩu tổ chức kiểm soát chặt chẽ, lấy mẫu xét nghiệm từng lô hàng. Nếu kết quả xét nghiệm đảm bảo an toàn thực phẩm mới được phép nhập khẩu” - ông Trọng nhấn mạnh.

Đại diện Cục Thú y cũng cho hay đang đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét tạm ngừng nhập khẩu thịt từ Brazil có nguồn gốc từ các nhà máy có nguy cơ mất an toàn thực phẩm giống như nhiều nước đã làm.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cũng cho hay ngay sau khi có vụ bê bối thịt bẩn từ Brazil, ông đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức cuộc họp khẩn cấp để bàn cách tháo gỡ, giải quyết và xem xét ngưng nhập khẩu thịt từ nước này. Đồng thời triển khai các biện pháp giám sát nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng thực phẩm xuất khẩu từ Brazil sang Việt Nam.

 

Nhiều nước cấm nhập thịt từ Brazil

Nhật Bản, Mexico và Hong Kong (Trung Quốc) là những thị trường vừa từ chối nhập khẩu thịt từ Brazil do vụ bê bối thịt bẩn gây rúng động nước này. Ngoài ba thị trường trên, Trung Quốc, Hàn Quốc, Liên minh Châu Âu và Nga trước đó đã tạm ngừng nhập khẩu thịt từ Brazil.

Vụ bê bối thịt bẩn tại Brazil được báo chí đưa tin hôm 18-3 vừa qua sau khi cảnh sát nước này thông báo phát hiện một đường dây nhận hối lộ để cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm thịt ôi thiu, không đạt chất lượng tuồn ra thị trường tiêu thụ, cũng như cho phép các cơ sở sản xuất sử dụng chất gây ung thư để làm các sản phẩm chế biến từ thịt có màu đẹp và mùi thơm. Với khoảng 4.000 nhà máy giết mổ, sản xuất thịt và thị trường mở rộng tới 150 quốc gia, Brazil là nước xuất khẩu thịt bò và thịt gia cầm số một thế giới.

______________________________

Hai tháng nhập 1.800 tấn thịt gà Brazil

Cục Chăn nuôi cho hay trong hai tháng đầu năm nay Việt Nam đã nhập từ Brazil gần 1.800 tấn thịt gà, trị giá hơn 2,2 triệu USD. Brazil là thị trường nhập khẩu gà lớn thứ hai của Việt Nam chỉ sau gà Mỹ.

Cũng trong thời gian trên, Việt Nam nhập khẩu gần 140 tấn thịt trâu, bò không xương và có xương từ Brazil. Ngoài ra, Việt Nam cũng nhập khẩu khoảng 52,5 tấn thịt heo từ nước này./.

Theo Quang Huy/Pháp luật TP HCM